[size=2]Thỉnh thoảng, khi lướt xe vi vu trên đường phố Sài Gòn, bạn sẽ cơ hội được trông thấy một vài gánh hàng rong với một món bánh độc đáo và bộ đồ nghề lạ mắt. Đó chính là món bánh ống có xuất xứ từ Trà Vinh.[/size]
Không cầu kỳ, bắt mắt hay ăn điểm ở hình dáng lạ lẫm, bánh ống Trà Vinh chinh phục thực khách bằng một hương vị không lẫn vào đâu được.
|
Những gánh bánh ống quen thuộc mà đôi khi bạn vẫn thấy.
|
Không giống như các loại bánh khác được làm sẵn từ nhà, bánh ống được người bán thực hiện ngay tại chỗ, khi nào có người mua thì người bán mới bắt tay vào làm để bánh luôn được nóng và ngon. Đặc điểm của món bánh ống là nên ăn ngay, nếu để lâu, đường tan ra thấm vào bột thì bánh sẽ trở nên nhão và mất ngon.
Thời gian để đợi một chiếc bánh ra lò cũng không quá lâu, chừng 3-5 phút là đã có. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, người mua lại có dịp được chứng kiến tận mắt quy trình làm bánh đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn của món bánh này.
|
Khuôn bánh.
|
Làm bánh ống không khó, các bước khó khăn chủ yếu là ở giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ. Khó nhất là giai đoạn chuẩn bị khuôn bánh.
Khuôn bánh hình ống dài khoảng 5-7cm và không có sẵn ngoài thị trường, muốn làm bánh ống, nhất định bạn phải nhờ thợ "chế" riêng khuôn theo ý của mình hoặc tự làm. Thường thì một khuôn bánh sẽ có khoảng 3-4 ống đựng bánh trên đó.
|
Que dài bên trong ống dùng để lấy bánh ra.
|
Ngày trước, các ống này là các ống nứa nhỏ rỗng ruột được cắt nhỏ, bây giờ còn có thêm các ống bằng kim loại được gắn vào nắp một chiếc nồi nhỏ. Có lẽ là do yêu cầu buôn bán cũng như bảo quản dụng cụ nên mới có sự thay đổi chất liệu làm ống.
Bên trong các ống là một que dài bên dưới có gắn 1 vòng nhỏ có hình dạng như đồng xu vừa vặn với đường kính của ống. Que này dùng để lấy bánh ra sau khi bánh chín. Bên dưới nồi là nước nóng với hơi nước luôn bốc lên tùy theo yêu cầu của người bán. Chiếc khuôn đặc biệt này sử dụng hơi nóng để làm chín bánh.
|
Bột bánh và các nguyên liệu làm nhân bánh.
|
Bột bánh được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì và bột gạo. Hai món này được trộn với nhau sao cho luôn ở trong tình trạng tơi và xốp chứ không ướt hoặc khô ráo hẳn như các loại bột làm bánh khác. Về sau, để bắt mắt người mua hơn, người bán còn cho thêm lá dứa vào để bột bánh có thêm màu xanh. Cũng do màu xanh này mà một số người vẫn nhầm tưởng món bánh này được làm từ cốm xanh.
|
Khi có khách, người bán mới bắt đầu làm bánh.
|
Ngoài hai công đoạn phải chuẩn bị khá kỹ thì tổng thời gian làm bánh cực kỳ nhanh chóng. Khi có khách, người bán cho bột vào khuôn, đợi bánh chín (3-5 phút) lấy ra và đặt trên một chiếc là chuối, sau đó cắt đôi bánh theo chiều dọc, cho thêm đường, dừa nạo vào rồi cuộn lại là xong.
Ban đầu, vì được cuộn trong lá chuối, khi ăn thì lấy ra nên món bánh ống ngoài vị ngọt của đường, vị béo của dừa, dai dai của khoai mì thì còn có thêm hương vị dân dã của lá chuối. Khi cắn đôi chiếc bánh, tất cả các hương vị này theo đó mà xâm chiếm khứu giác lẫn vị giác của người ăn.
|
Đường, mè và dừa nạo chính là nhân bánh.
|
Theo thời gian, hương vị món bánh ống khi "ở lại" Sài Gòn cũng khác đi ít nhiều. Không còn cảnh người bán trên tay là chiếc lá chuối xanh mơn mởn trước khi lấy bánh ra nữa mà thay vào đó là những chiếc bánh tráng mỏng và giấy nylong.
Khi cuộn bánh người bán cuộn tất cả vào chiếc bánh tráng, còn miếng nylong đóng vai trò giúp cho các chiếc bánh không bị dính vào nhau. Bánh ống vẫn ngon, vẫn lạ nhưng chất đồng quê, hương vị quê thì đã vơi đi ít nhiều.
|
Hiện tại, đa số bánh ống đều có thêm màu xanh của lá dứa.
|
|
Và bánh tráng đã được thay cho lá chuối.
|
Bánh ống tuy nhỏ nhưng lại dư sức là một món bánh có thể giúp bạn no bụng nên đôi khi, người ta vẫn sử dụng món bánh này như một món ăn thay thế cho một số các buổi ăn trong ngày. Còn tại Sài Gòn thì đây vẫn là một trong những món ăn vặt khá thú vị. Chỉ có điều, để tìm mua được món bánh này thì có vẻ như không dễ dàng lắm vì người bán gánh bánh đi bán nhiều chỗ chứ không ở một nơi cố định.
|
Bánh ống hoàn chỉnh với các tấm ni long bọc bên ngoài để ngăn bánh dính vào nhau.
|
Nếu bạn thực sự muốn được thưởng thức qua món bánh này thì cũng có một nơi bán "cố định" mà bạn có thể tham khảo, đó là ngã tư Phan Đình Phùng và Phan Đăng Lưu. Có một xe bánh ống nằm túc trực khá thường xuyên ở ngay cột đèn giao thông góc đường Phan Đình Phùng. Nhưng bạn phải tránh đi trong những giờ cao điểm vì ngã tư này vốn là nơi dễ ùn tắc mỗi khi vào giờ tan tầm.