Chợ Lê Hồng Phong có nhiều quầy bán chè Campuchia nguyên bản tại Sài Gòn. Biến cố "cáp duồn" (tìm và tiêu diệt Việt kiều) năm 1970 dưới thời chính quyền Lon Non ở Campuchia đã tạo nên một làn sóng di cư của các kiều bào quay lại Sài Gòn, đem theo những món ăn ngon từ nước bạn.
Sài Gòn có nhiều nơi bán chè nấu bằng đường phèn, đường kính trắng, đường… hóa học cũng có (nhiều nữa là khác). Tuy nhiên nhiều người lại chỉ thích chè Campuchia vì nấu từ đường thốt nốt, có vị đậm đà thơm mát tự nhiên mà lại không quá gắt.
Một trong những gia đình bán chè Campuchia lâu đời nhất là gia đình cô Huỳnh Thị Huôi. Má cô Huôi đã bán chè từ hồi ở Campuchia, khi về Việt Nam lại tiếp tục bán món chè này. Hồi về Sài Gòn, cô Huôi chỉ mới 13 tuổi. Khi má nghỉ bán thì cô nối nghiệp cho tới nay.
Phần chè thập cẩm ăn kèm với bí chưng hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên Bí chưng (mà người Sài Gòn quen gọi là bí trứng sữa) Chuối nếp nướng |
Cô Huôi cho biết, nấu chè hột me kỳ công lắm, hột me phải được rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước, tách vỏ mới có thể thơm mềm không khác gì hạt đậu. Quả thật, nhấm nháp miếng chè hột me dẻo dẻo, quyện với nước cốt dừa béo béo mới thấy hương vị thật đặc biệt.
Món độc tiếp theo phải kể tới món chè bí chưng (tiếng Campuchia gọi là num-à-pơi, người Sài Gòn thì quen gọi là bí trứng sữa). Phải lựa loại bí ngô nhỏ xinh, nạo rỗng ruột rồi đổ vào đó hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng đã đánh lên, rồi cuối cùng mới đem hấp cách thủy. Hấp xong trái bí vẫn còn nguyên, mềm mà không nhão. Khi xắt thành miếng phải ăn cả vỏ mới ngon (món này trước đây có bán trong một con hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đoạn gần với chè Hiển Khánh, nay không còn thấy nữa).
Chè hạt me cũng khá cầu kỳ: hột me phải được rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước, tách vỏ mới có thể thơm mềm không khác gì hạt đậu Xôi Xiêm với nhân cadé, sầu riêng và nước cốt dừa |
Ngoài các món chè chính gốc Campuchia, tại đây cũng có những món ngọt Campuchia có nguồn gốc từ Thái Lan lòng đỏ trứng trộn với bột nếp rồi hấp lên, thường cho vào ly chè thập cẩm, hay món xôi Xiêm với nhân cadé, sầu riêng và nước cốt dừa hấp dẫn.
Tại quán chè cô Huôi thực khách cũng có thể thưởng thức món chuối bọc nếp rồi nướng lên, cách gói khác với chuối nếp nướng ở Sài Gòn nhưng ăn có vị tương đối giống nhau. Tuy nhiên, nhìn vào cách gói là có thể thấy ngay món này đến từ một nền văn hóa khác.
Sài Gòn du nhập đủ món chè từ khắp mọi miền, quốc gia, nào là chè Huế, chè Hà Nội, chè miền Tây, chè Thái Lan, chè của người Hoa… rồi nay là chè Campuchia. Phong phú như vậy khiến người Sài Gòn đôi khi phải… bối rối giữa vô vàn lựa chọn hấp dẫn.
Giang Vũ
Chợ Lê Hồng Phong (trong hẻm 374 Lê Hồng Phong, phường 01, quận 10)
Mở cửa: từ 2h chiều đến 9h tối
Giá: Chè thập cẩm (20.000đ/phần); chè hột me, xôi xiêm (10.000đ/phần); chè bí chưng (bí trứng sữa), chè thốt nốt (15.000đ/phần)