Sau 5 ngày ở trụ sở công an nhằm phục vụ việc điều tra triệt phá một ổ nhóm chuyên cướp giật máy tính xách tay của Công an huyện An Dương (Hải Phòng), giám đốc một công ty chuyên mua bán, sửa chữa máy tính đã phải nhập viện cấp cứu.
Nạn nhân Phạm Ngọc Khánh.
Khi triệt phá một ổ nhóm chuyên cướp giật máy tính xách tay, Công an huyện An Dương đã yêu cầu anh Phạm Ngọc Khánh, SN 1984, ở số 180E Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân (Hải Phòng)- là giám đốc một công ty chuyên mua bán, sửa chữa máy tính- về trụ sở công an để làm việc. Sau 5 ngày ở trụ sở công an, anh Khánh đã phải nhập viện, cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp (Hải Phòng).
Tối 11.6, PV Lao Động có mặt tại Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng) chứng kiến cảnh hỗn loạn do một số người nhà của bệnh nhân Phạm Ngọc Khánh bức xúc, phản ứng với một số cán bộ công an. Họ bức xúc vì cho rằng anh Khánh phải nhập viện cấp cứu vì bị công an đánh.
Trước đó- hồi 14h35 ngày 11.6, bệnh nhân Khánh được CA huyện An Dương (Hải Phòng) đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện An Dương từ. Tới 19h45, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp.
Công an nói không có việc đánh đập, xúc phạm
Chiều nay (12.6), CA Hải Phòng có thông báo gửi các cơ quan thông tin đại chúng về sự việc với nội dung: CA huyện An Dương vừa lập chuyên án bắt gọn một số đối tượng chuyên cướp giật máy tính xách tay trên địa bàn TP. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng cướp giật đã bán máy tính cho anh Phạm Ngọc Khánh. CA huyện An Dương đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nhà ở, đồ vật đối với Phạm Ngọc Khánh, thu giữ 19 máy tính xách tay các loại đã qua sử dụng và nhiều tang vật liên quan.
Theo báo cáo của Công an huyện An Dương, Khánh khai nhận đã nhiều lần mua máy tính xách tay và biết số máy tính đó do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mà có. Công an huyện An Dương đã yêu cầu Khánh có mặt tại cơ quan công an để giải trình rõ số máy laptop trên và Khánh có đơn tự nguyện ở lại làm việc với cơ quan công an để giải trình, làm rõ nguồn gốc số máy tính xách tay trên.
Đến 14h35’ ngày 11.6, phát hiện Khánh có biểu hiện mệt mỏi, có dấu hiệu hôn mê nên cơ quan công an đã đưa Khánh đến bệnh viện. Kết luận giám định cho thấy Khánh bị một số sang chấn phần mềm nhẹ, chỉ gây bầm tím và trầy xước da nhỏ rải rác, không gây tổn thương xương khớp, không tổn thương nội sọ, nội tạng và không gây nguy hiểm cho tính mạng của đối tượng. Các thương tích trên người Khánh có từ trước khi Khánh đến làm việc với Công an huyện An Dương (có biên bản kiểm thể). Trong quá trình làm việc tại cơ quan công an, Khánh không bị đánh đập, xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm.
Người nhà phản ứng, viết đơn kêu cứu
Cũng trong ngày 12.6, ông Phạm Văn Khương – bố của anh Phạm Ngọc Khánh - có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Đơn khẳng định con trai ông là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh máy tính. Ngày 6.6, CA huyện An Dương có lệnh khám xét khẩn cấp ngôi nhà của bố con ông, đồng thời bắt anh Khánh về trụ sở mà không có lệnh bắt.
Anh Khánh đến làm việc tại CA huyện An Dương từ 5h ngày 6.6 đến ngày 10.6 mà không có lệnh tạm giữ nên sáng 11.6, ông Khương đã gửi đơn kiến nghị đến Viện Kiểm sát Nhân dân huyện An Dương.
Bố của anh Khánh khẳng định anh Khánh bị đánh nên chiếc áo mới dính máu.
Tới chiều ngày 11.6, ông Khương mới biết thông tin là con ông phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện An Dương, sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp.
Tối 11.6, PV Lao Động có mặt tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việ- Tiệp, chứng kiến anh Phạm Ngọc Khánh nằm bất tỉnh, trên mặt, vai, mang tai có một số vết thâm tím, vùng bụng sưng to.
Chiều 12.6, anh Phạm Ngọc Khánh còn rất yếu, nhưng đã có thể trả lời được một số câu hỏi của PV. Anh Khánh khẳng định, từ ngày 6 đến 11.6 anh nhiều lần bị đánh tại trụ sở CA huyện An Dương. Anh này cũng khẳng định lá đơn xin tự nguyện ở lại trụ sở CA làm việc được anh này viết sau khi đã nhận những trận đòn.
Anh Khánh cho biết thêm: “Trước khi đến trụ sở CA tôi đã bị ốm, mặt khác ngay từ đầu tôi khẳng định không hề biết những chiếc máy tính mình mua là ăn cắp, thì tại sao tôi lại tự nguyện viết đơn xin ở lại trụ sở công an. Sống trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc, chẳng có chỗ nằm ngủ yên lành mà lại tự nguyện viết đơn xin ở lại là điều thật phi lý. Chẳng qua là tôi bị ép nên mới phải viêt đơn xin ở lại”.
Được “mời” về CA huyện An Dương để để giải trình, sau 5 ngày làm việc tại trụ sở CA, anh Phạm Ngọc Khánh đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. CA TP.Hải Phòng cho rằng anh Khánh không hề bị đánh đập, xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm. Trong khi đó, anh Phạm Ngọc Khánh và người nhà một mực khẳng định anh này phải đi cấp cứu là do bị công an đánh, ép cung.
Được biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã vào cuộc để điều tra về vụ việc này.