ảnh minh họaNgọn đồi ấy có tên là Đồi cỏ dại vì nó mọc đầy cỏ dại, từ cỏ May, Xuyến chi, Bốn Viền, cỏ Gà, Bồ công anh… thực ra đó không phải là những quả đồi hoang mà nó đã từng được canh tác rồi ban đầu người ta trồng sắn, sau đó trồng dâu nuôi tằm nhưng trồng cây gì cũng không được tươi tốt, nên nó bị bỏ mặc suốt bao nhiêu năm liền. Sau khi bị bỏ hoang cỏ dại đã mọc lên rất nhiều, đặc biệt là cỏ may, xuyến chi và cỏ Bốn viền. Cỏ Bốn viền là một loài cỏ mà người dân quê tôi tự đặt tên cho nó, nhờ vào chính những đặc điểm riêng biệt của nó. Đó là một loài cỏ dại mọc thành bụi, thân có của nó có Bốn viền xung quanh tạo thành một cái thanh nhỏ vuông vắn, cả cây và lá có màu xanh non rất mượt mà. Bốn viền và cỏ may là hai loại cỏ mà trâu bò thích ăn nhất. Ở thôn của tôi ngày ấy chỉ có hơn chục nóc nhà nằm dải rác quanh mấy ngọn đồi, hồi ấy nhà cửa còn thưa thớt lắm, miền núi mới được khai hoang mà. Ở đây nhà nào cũng có một, hai con trâu, con bò trở lên, để giúp sức cày bừa và kéo. Bọn trẻ con chúng tôi ngoài giờ đi học phải giúp bố mẹ nhiều việc trong gia đình. Tôi nhớ hồi học lớp 5, lớp 6 cũng như bao đứa bạn cùng quê cứ buổi sáng đi học thì buổi chiều lại theo mẹ lên nương hay cùng cha đi ra ngoài đồng và phụ giúp bố mẹ các công việc khác.
Tôi với bọn thằng Lai, thằng Cò, con Mít và con Tơ là một nhóm bạn thân, cứ sau mỗi buổi tan trường, chúng tôi lại tụ tập lại mà hẹn nhau: “Chiều đi chăn bò nhé chúng mày!” hay, “Chiều về ăn cơm xong là đùa đàn bò lên đồi luôn nhé bọn tao cũng sẽ đi sớm”, Thằng Lai “đại ca” chúng tôi hay dặn những câu đại loại như: “Con Mít mang nước, Tơ nhớ mang xoài chua đi nhé, Tao mang muối ớt, thằng Cò mang cả bật lửa để đi nướng chim, hôm nay mình lại vào vườn mía nhà ông Kha bẻ vài cây nữa nhé…”. Đó có lẽ là một trong những lí do mà chúng tôi lại thích công việc đi chăn trâu, chăn bò đến vậy, là bởi vì khi đi chăn trâu, bò giúp bố mẹ chúng tôi được thoả sức chơi đùa nhiều hơn cả mà không sợ bị bố mẹ la mắng và “quản lý” như khi đi làm những công việc khác cùng. Trên những ngọn đồi của mình - chúng tôi cho mình cái quyền sở hữu đó,chúng tôi đã cùng nhau chơi không đếm được biết bao nhiêu là trò đùa vui. Chúng đã trở thành những kỉ niệm khó phai trong suốt cuộc đời của mỗi đứa.
Thằng Lai có nước da dám nắng và lớn tuổi hơn bọn tôi nên là đầu tàu của nhóm, Lai chăn mỗi hai con bò mà trông chúng mãi chẳng béo được. Tất cả là tại vì chủ của chúng có mấy khi để ý đến chúng đâu, suốt ngày chỉ mải mê ham chơi thôi. Có hôm thằng Lai còn buộc mấy con bò lại vào một cái bãi cỏ nhỏ, sau đó thì ra ngoài bờ suối chơi, tối lại dắt về. Thứ Bảy, Chủ Nhật tuần nào Lai cũng được mẹ nó gói cơm nắm muối vừng cho để đi chăn bò cả ngày, Lai đi từ sớm đến tối mịt mới về nhưng lúc nào trông bụng hai con bò nhà nó cũng lẹp xép bố mẹ nó lại phải cho chúng ăn thêm rơm và cỏ khô vào ban đêm. Nếu không thế thì chắc mấy con bò nhà nó cũng chẳng còn sức mà hôm sau cũng chẳng còn sức mà đi lên đồi “ăn cỏ” tiếp cùng thằng Lai được. Lai với Cò học cùng lớp với nhau, lớp 8 trường làng. Cò ít hơn Lai một tuổi, con Mít với con Tơ bằng tuổi nhau, ít hơn Cò một tuổi nữa. Chỉ có tôi là bé nhất nhóm, tôi ít hơn Mít và Tơ đúng mô tuổi nữa, tuy vậy chúng tôi chẳng bao giờ xưng hô theo kiểu thứ bậc gì cả, toàn mày tao chí tớ thôi.
Tôi cứ tưởng những tháng ngày ấy sẽ dài bất tận, không có hồi kết nhưng cuộc đời tôi có lẽ là những chuyến đi và những cuộc chia ly. Sau những cuộc cãi vã triền miên ba mẹ tôi chia tay. Tôi cùng mẹ về quê ngoại sống, phải chia tay ngọn đồi, chia tay lũ bạn thời thơ ấu tôi buồn biết bao nhiêu, tôi đã khóc rất nhiều nhưng giọt nước mắt của tôi không thể thay đổi được gì. Ngày chia tay khi tôi sắp lên đường về quê ngoại bọn thằng Lai, con Mít và con Tơ, thằng Cò tặng cho tôi rất nhiều quà, có những chiếc lồng chim mà bọn nó bẫy được trên ngọn đồi của chúng tôi, những chiếc khăn, chiếc giỏ đan từ cỏ may nữa, tôi nhận lấy và ôm từng đứa một khóc. Năm đó tôi mười hai tuổi, mười hai tuổi mà tưởng chừng như đang đối mặt với sự mất mát quá lớn, tôi yêu bố tôi nhiều lắm bố mẹ cũng chỉ có mình tôi vì mẹ tôi không sinh được nữa nhưng bố tôi cũng không muốn tôi ở lại với ông. Điều đó làm tôi đau khổ vô cùng, ông đã có người đàn bà khác, ông đã phản bội lại mẹ tôi mấy năm nay, sau khi mẹ con tôi đi khỏi chưa đầy tuần ông đã đón vợ hai về họ đã có với nhau một đứa con trai và người đàn bà ấy còn đang mang bầu đứa nữa. Mẹ tôi là người phụ nữ khó tính và nóng tính nữa, mỗi lần tức tối mẹ lại mắng nhiếc và đánh tôi, nhưng tôi không trách mẹ, mẹ tôi khổ lắm bà phải làm mọi việc để nuôi tôi ăn học và phải chịu đựng rất nhiều để vượt qua sự dị nghị của dư luận.
Nhà ngoại tôi ở một thị trấn nhỏ, ông ngoại tôi mất rồi chỉ còn lại bà ngoại sống trong một căn nhà nhỏ ở đầu thị trấn, các bác các cậu tôi đều đi làm ăn xa cả ai cũng chê ngoại khó tính nên chẳng ai đón ngoại về nuôi. Trong các đứa cháu chắt nội ngoại tôi có lẽ là đứa ngoại yêu chiều nhất, mặc dù ngoại cũng hay mắng tôi như mẹ tôi vậy. Mẹ tôi bắt đầu đi buôn, mẹ tôi bắt tôi phải học thật giỏi, mới từ quê ra thật khó để cho tôi theo kịp bọn học sinh thị trấn bọn nó học giỏi lắm. Nhưng mỗi lần tôi hơi chểnh mảng việc học hành và bị điểm kém là mẹ tôi lại lôi tôi ra chửi và đánh. Những lúc ấy tôi thấy tủi thân vô cùng và chỉ muốn chạy về với bố, về với ngọn đồi của tuổi thơ tôi, chơi với bọn thằng Lai, thằng Cò vui biết bao nhiêu. Nhưng cứ mỗi lần tôi nhắc đến bố, đến quê cũ mẹ tôi lại như càng điên tiết lên, mẹ cấm tôi không được nhắc đến họ, đến cả những người bạn của tôi. Từ chỗ tôi về nhà quê cũ phải mất gần nửa ngày đi ô tô, dạo ấy đường xá đi lại còn khó khăn lắm. Học kì một của năm lớp bảy, tôi chỉ đạt kết quả là học sinh trung bình suýt nữa thì yếu, tôi bị cô giáo chủ nhiệm phê bình rất nhiều trong buổi họp phụ huynh, cô cũng rất thông cảm vì tôi mới ở trong quê ra, trước đây không có điều kiện học tập như các bạn ở thị trấn. Nhưng cô bảo tôi không có sự cố gắng, mẹ tôi đi họp phụ huynh về tức lắm bà lôi tôi từ trong bếp ra lúc đó tôi đang ăn cơm trưa, đánh chửi tôi thậm tệ, mấy người hàng xóm xung quanh cũng xúm lại nhìn bà ngoại thì chẳng can ngăn lấy một lời. Tôi tủi thân lắm, mẹ đánh mắng xong bỏ ra ngoài chợ chỗ sạp hàng bán quần áo của mẹ, tôi tủi thân trốn ra sau nhà khóc đến khi không còn một giọt nước mắt nào nữa.
Chiều hôm ấy, tôi đập vỡ con lợn đất được cả thảy ba mươi nghìn đồng, tôi đem theo hai bộ quần áo và ra bến xe bắt ô tô về nhà bố. Tôi không để lại một lời nhắn nào, tôi giận mẹ lắm giận cả bà ngoại nữa, lúc tôi bỏ đi bà đang ở bên nhà hàng xóm. Phải đến tám giờ tối tôi mới đến nơi, tôi tìm đường về thôn cũ của mình, đi qua ngọn đồi gần nhà nơi mà tôi hằng mong nhớ tôi lại bật khóc, lúc đó mắt tôi đã sưng húp. Đã năm tháng rồi, tôi không trở lại tôi chắc bọn con Mít, con Tơ nhớ tôi lắm và bọn nó sẽ nhảy cẫng lên nếu như nhìn thấy tôi lúc này. Nhưng đang đói và rét vì lúc đó đang là mùa đông nên tôi cố rảo bước nhanh tìm về nhà bố, tôi cũng chắc bố sẽ rất vui mừng và ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi định bụng sẽ kể cho bố nghe mọi chuyện, mách bố về sự “độc ác” của mẹ tôi, chắc chắn bố sẽ lại đón tôi về ở với bố thôi, bố hiền hơn mẹ nhiều mà.
Bước đến cửa tôi đang chuần bị òa khóc gọi bố thì đã nghe thấy những tiếng cười nói rất vui vẻ, của bố và của… có cả tiếng bé con đang bi bô tập nói nữa. Mùi hạt dẻ thơm lừng vang ra, trong nhà đang rang hạt dẻ, thứ hạt mà tôi thích ăn nhất. Tôi nhìn qua khe cửa, bố tôi và người vợ mới, và những đứa con của họ, đứa lớn thì nằm trong lòng bố, đứa bé thì được người phụ nữ kia ẵm trong lòng. Cả nhà đang quây quần bên bếp lửa rang hạt dẻ ăn, ngoài trời lạnh nhưng trong ngôi nhà và những người trong đó thì rất ấm áp. Bố tôi bóc hạt dẻ cho từng người một, thỉnh thoảng cả nhà lại trêu đùa như hồi tôi ở với bố mẹ tôi, chưa bao giờ cả nhà tôi lại có những giây phút như thế. Tôi như người bị mất hết sức lực muốn gục xuống ngay tại cửa, bố đã có một niềm vui khác, hạnh phúc khác với một người vợ và những đứa con khác. Có bao giờ bố nhớ đến tôi, đứa con gái tội nghiệp này? Tôi tủi thân đến cực cùng, tôi đã đi quãng đường cả trăm cây số gập ghềnh đến đây, mong vòng tay yêu thương của bố, nhưng giờ đây điều đó có ý nghĩa gì chứ, tôi chỉ là một người thừa mà thôi. Nghe thấy tiếng động lạ, cả nhà quay ra cửa tôi liền chạy thục mạng, tôi chạy với tất cả mọi sức lực còn lại. Bố đuổi theo nhưng ông không thể tìm thấy tôi vì tôi đã nhanh chóng trốn vào một bụi cây rậm rạp dưới chân đồi gần đó, ngày xưa chơi trốn tìm cùng lũ bạn tôi cũng hay trốn vào đó. Bọn thằng Lai hay Con Mít không bao giờ tìm thấy tôi được, bố soi đèn pin đi khắp nơi rồi lại quay về nhà. Đợi bố đi khỏi tôi mới khóc nấc lên, sau đó tôi chạy lên tận trên ngọn đồi, ở đó có một cái lều nhỏ của bọn trẻ chăn trâu dựng chơi trong ấy có trải rơm và mấy tấm ni lông để giả làm chăn đệm, có mấy củ khoai nướng khô khốc chẳng biết từ lúc nào, tôi ăn ngấu nghiến và ngủ thiếp đi lấy rơm và ni lông phủ lên người cho ấm.
Buổi sáng tỉnh dậy, tôi nghe thấy tiếng cười nói của bọn trẻ con ở phía xa, có cả giọng của bọn thằng Lai, con Mít, con Tơ nữa. Phải rồi hôm nay là Chủ nhật trách nào bọn nó đi chăn trâu sớm thế, tôi không muốn bọn nó nhìn thấy trong tình trạng này nên tìm cách trốn đi. Phía sau cái lều là một cái bụi cây lau lớn, tôi lẻn ra ngoài đó nấp vào bụi cây sau đó định trườn xuống chân đồi và tìm đường quay trở về nhà ngoại, dù mẹ có đánh chửi thế nào đi chăng nữa.Vì tôi không còn chỗ nào để mà đi nữa, tôi định tự tử cho xong nếu mẹ tiếp tục hành hạ tôi quá đáng. Bọn trẻ chăn trâu xông vào trong lều thấy mọi thứ đảo lộn lên bọn nó nhao nhao, nhưng cũng chỉ nghi ngờ và đổ tội cho mấy đứa xóm bên cạnh thôi. Bỗng tôi nghe thấy chúng nó đang kể về tôi, con Mít bảo với con Tơ:
- Hôm qua tao nằm mơ thấy con Hà chúng mày ạ, mơ thấy nó về thăm bọn mình. Chẳng biết nó có nhận được thư của bọn mình không?
Tơ bảo:
- Tao cũng nhớ nó lắm, bố mẹ nó bỏ nhau rồi tao nghe bố mẹ tao nói chắc nó chẳng bao giờ về đây nữa đâu. Mẹ nó giận không muốn nhìn mặt bố nó nữa mà.
Bỗng con Quyên ở đâu nói sang:
- Cái Hà mà về thì cũng chẳng ai chơi cùng nữa đâu, bố mẹ nó bỏ nhau mà mẹ nó không phải người tốt, bố mẹ tao bảo “mẹ nào con nấy” đấy, không cho chơi cùng đâu.
Cái điều mà con Quyên vừa nói như một nhát dao đâm vào lòng tôi, thật ra lúc nghe bọn con Tơ nói về tôi, tôi đã định chạy ra với chúng nó rồi. Nhưng cái Quyên đứa mà tôi ít chơi cùng, học cùng lớp với tôi nói ra những câu đó đã làm tôi thấy tổn thương vô cùng. Việc bố mẹ tôi ly hôn đã lan khắp vùng và mọi tiếng xấu người ta đều đổ dồn hết lên đầu mẹ tôi. Vì mẹ tôi là người không khéo sống, bà tốt nhưng không biết thể hiện lòng tốt đó với mọi người, cái câu “mẹ nào con nấy” dường như đã ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời. Tôi vừa chạy vừa trốn ra khỏi vùng quê cũ của mình, tôi không còn tiền để bắt xe quay về nhà ngoại nên phải tháo cái vòng bạc ở trên tay ra, đó là vòng của bố mua cho tôi ngày trước. Tôi đã bán vội cho một bà buôn đồng nát ở bến xe để lấy tiền mua vé xe về.
Khi tôi về đến nhà ngoại, đang ngần ngừ không muốn vào thì từ cổng tôi đã nghe thấy tiếng mẹ tôi gào khóc, hàng xóm đến mỗi lúc lại đông. Không biết đã có chuyện gì xảy ra, tôi rón rén đi vào nhà mọi người đều tránh đường để tôi đi vào. Bà ngoại tôi ngồi trên ghế tay tựa người vào bà Hoa hàng xóm, người ta đang tịch thu tài sản của chúng tôi. Hóa ra mẹ tôi đã đem cầm cố nhà cửa của bà ngoại để lấy vốn làm ăn nhưng lỗ nặng, giờ phải gán nhà để trả nợ. Rồi ngày mai mấy mẹ con, bà cháu biết dắt nhau về đâu để mà sống? Thấy tôi mẹ càng khóc to hơn, mẹ ôm chầm lấy tôi mà khóc, cứ thế tôi cũng nức nở cùng mẹ. Sau khi nhà cửa bị bọn cho vay lãi nặng tịch thu hết, bà ngoại tôi về sống với cậu út. Mẹ con tôi lại càng bị các bác, các cậu trong họ ghét hơn xưa, mẹ đưa tôi về nhà một người chị em kết nghĩa của mẹ cũng gần đó ở nhờ, đó là mẹ Hải mẹ nuôi của tôi sau này. Mẹ góa chồng, không con và sống một mình trong một căn nhà dột nát gần chợ, mẹ làm dưa cà dưa muối để bán, thỉnh thoảng đi rửa bát thuê ở các quán ăn để kiếm thêm nữa. Mẹ tôi đi làm thuê làm mướn suốt ngày ở chợ, từ quét rác cho đến rửa bát. Mẹ tiều tụy đến lạ nhưng bà tỏ ra dịu dàng với tôi hơn, mẹ không đánh mắng tôi nữa và không bao giờ hỏi chuyện tôi bỏ nhà đi ngày ấy. Nhưng tôi biết cái ngày mà tôi bỏ đi mẹ đã đi tìm tôi khắp nơi, mẹ còn khóc rất nhiều nữa. Dù cuộc sống rất vất vả, mẹ phải chạy vạy, luồn cúi khắp nơi để có đồng ra đồng vào nhưng mẹ không bao giờ để cho tôi phải đụng chân đụng tay vào bất cứ việc gì, chỉ bắt tôi ở nhà làm những việc trong nhà và học bài thôi. Mẹ cấm tôi ra ngoài chợ giúp mẹ bất cứ việc gì.
Mấy tháng trôi qua mẹ tôi lại tích cóp được và bắt đầu đi buôn trở lại, lúc đầu mẹ bán rau sau đó bán thêm cả hoa quả. Mẹ tôi bán rất ít, rau củ tươi bán không hết mẹ lại đem về cho mẹ Hải làm muối dưa, mẹ Hải tôi làm các loại muối dưa rất ngon có tiếng ở chợ thị trấn. Lại vài tháng sau mẹ tôi tu sửa lại nhà của mẹ Hải, mở một cửa hàng bán rau củ tươi ở đó, mẹ tôi đi về tận các miền quê xa thị trấn hàng mấy chục cây số lấy hàng, ở đó có nhiều loài rau quả ngon mà các cửa hàng khác không có lại giá rẻ nữa.
Học kỳ hai năm lớp bảy tôi mang về khoe mẹ cái giấy khen, năm đó tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mẹ tôi vui mừng ra mặt, gặp ai cũng khoe, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ lại có thể tự hào về tôi đến thế. Công việc làm ăn của mẹ tôi ngày càng phát đạt, mẹ tôi trở nên có uy tín, sau cái lần vấp ngã đầy đau đớn mẹ đã vực dậy lên rất mạnh mẽ. Mẹ thuê hẳn một cái gian hàng lớn ở trung tâm chợ, bày bán các loại rau củ quả và một số hàng tạp hóa khác, mẹ còn làm tay cung cấp hàng cho một số sạp hàng khác ở quanh chợ nữa. Mấy người kinh doanh dịch vụ ăn uống từ nhà hàng đến quán cơm bình dân đều nhập hàng ở chỗ mẹ tôi. Sau đó mẹ tôi buôn bán thêm cả quần áo và các đồ dùng gia dụng khác nữa, mẹ cứ đi vắng suốt để lại tôi cho mẹ Hải quản lí.
Khoảng gần ba năm sau mẹ tôi chuộc lại nhà của ông bà ngoại mà mẹ đã để mất và đón bà ngoại về ở, bà ngoại tuy vẫn giận nhưng được về lại nhà cũ thoát khỏi cái cảnh con dâu ương bướng và bọn cháu hư đốn trong nhà cậu tôi là bà vui lắm rồi. Bà gọi tôi về ở với bà để chăm sóc bà, mẹ tôi còn mua thêm nhiều đồ đạc sửa sang lại ngôi nhà cho tiện nghi dần lên để bà ngoại và tôi ở nữa. Được hơn một năm sau đó mẹ tôi tái hôn, mẹ lấy một người đàn ông giàu có trong vùng, ông có một cửa hàng vàng bạc đá quý và một cửa hàng xe máy rất lớn ở trên thị xã, và có một cửa hàng đồ điện tử ở thị trấn gần ngay cửa hàng tạp hóa của mẹ tôi. Ông ấy đã có đến hai đời vợ rồi, lúc lấy mẹ tôi thủ tục ly hôn với người vợ trước mẹ tôi nghe nói còn lằng nhằng, tôi không ủng hộ nhưng cũng không phản đối cuộc hôn nhân ấy của mẹ mình. Mẹ tôi lấy được ông ấy cũng là phúc, cũng may mẹ còn trẻ còn chút nhan sắc, lúc đó mẹ tôi đã ba mươi tám tuổi nhưng cũng hay phấn son nên trông mẹ trẻ lắm. Nhất là sau khi làm ăn tấn tới mẹ tôi trông càng ngày càng trẻ ra, có tin đồn rằng mẹ tôi “quyến rũ”, “mồi chài” cha dượng tôi. Nhưng tôi không tin, vì mẹ tôi cũng là một nạn nhân từng bị người ta cướp mất chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình nên bà phải hiểu lắm chứ, không đời nào mẹ lại đi làm những chuyện xấu xa đó với người khác, tôi đã biện minh cho mẹ như vậy và luôn cố tin vào điều biện minh ấy của mình.
Mẹ tôi về sống với người cha dượng, tôi vẫn ở với bà ngoại, cha dượng cũng yêu thương tôi như con đẻ vậy nhưng tôi không mấy khi gần gũi trò chuyện với ông. Gặp ông tôi chỉ cố tìm cách tránh đi, cho đến khi mẹ tôi sinh một đứa em trai kháu khỉnh, ai cũng bảo nó giống tôi. Từ ngày đó tôi hay sang chỗ mẹ và dượng để chơi với em luôn. Chẳng biết chuyện này là thế nào nữa, nhưng trước kia mẹ tôi bị bệnh và đi khám thì bác sĩ bảo mẹ tôi không thể sinh con được nữa. Bố dượng tôi đã có bốn đứa con với những người vợ trước, ba trai và một gái, nay mẹ tôi sinh cho ông một đứa con trai nữa, ông rất vui mừng và hình như càng yêu mẹ tôi hơn. Căn nhà mà mẹ tôi và bố dượng ở mãi tận trên thị xã, cách nhà chúng tôi ba mươi cây số, hồi đó dường như đó là căn nhà to nhất, đẹp nhất ở thị xã thì phải. Thấm thoắt bao nhiêu năm trôi qua, tôi không trở về quê cũ nữa, nỗi buồn tủi của ngày xưa cũng đã mờ nhạt đi nhiều trong tôi. Sự tổn thương đã làm cho tôi mạnh mẽ hơn nhiều, tôi vẫn sống tốt nhưng đôi lúc tôi vẫn tự hỏi bố tôi có còn yêu thương tôi không? Vì suốt bao nhiêu năm như thế, bố tôi chẳng bao giờ gửi lời hỏi thăm tôi lấy một lời. Ngày tôi nhận được giấy báo nhập học đại học là ngày bà ngoại tôi rời xa trần gian, bà là người thân luôn gần gũi tôi nhất, tôi thương xót và đau đớn biết nhường nào.
Mẹ mua cho tôi một căn nhà ở trên thành phố với một cái xe nữa để tôi yên tâm đi lại và học hành, vào dịp lễ Tết và ngày nghỉ thì các bạn đi về nhà rất nhiều, họ về quây quần với gia đình thân yêu của họ. Còn tôi chẳng bao giờ tôi về cả, mẹ cũng chẳng mấy khi gọi điện cho tôi, tôi chỉ biết lao đầu vào học và học. Mẹ gửi tiền cho tôi rất đều đặn vào tài khoản ngân hàng, nhưng từ khi tôi học đại học năm thứ nhất đến khi ra trường số tiền ấy vẫn cứ như vậy không tăng lên mà cũng chẳng giảm đi. Số tiền mẹ gửi cộng với cả tiền học bổng đủ để tôi sống một cuộc sống sinh viên khá đầy đủ, không phải lo lắng gì nữa.
Có lẽ tôi đã quên bố, dẫu rằng hình ảnh của ông trong cái đêm mùa đông bên bếp rang hạt dẻ vẫn còn hằn in trong tôi, mỗi lần nhớ về điều đó tôi không còn trực khóc nữa. Bố sống hạnh phúc vậy là đủ rồi, mẹ cũng vậy. Và cả lũ bạn tuổi thơ cả ngọn đồi đầy cỏ dại và tiếng cười nữa chắc chúng cũng đã quên tôi rồi. Thời gian cứ cuốn trôi đều đặn trong cuộc đời tôi, nhiều lúc tôi thấy cô đơn vô cùng.
Một buổi sáng Chủ nhật có người bấm chuông cửa nhà tôi, không biết là ai tôi ra mở cửa thì thấy một chàng trai cao ráo, có đôi mắt đen sáng ngời mà trông lại rất quen. Chắc anh chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng nhìn chững chạc lắm. Tôi đang tò mò đoán xem đây là ai thì người kia sau một hồi đứng đờ ra nhìn tôi bỗng lắp bắp :
- Em, e… m là Thương, Huyền Thương phải không?
- Vâng, anh là ai? Tìm em có việc gì đấy ạ?
- Trời ơi, em lớn thế này rồi cơ à! em xinh quá… à… anh anh Lai đây mà, nhớ không? anh cùng làng Dâu với em ngày xưa đây mà.
- Anh Lai!
Tôi đã hét tên Lai lên như thế và ôm chầm lấy anh mà khóc như một đứa trẻ, tôi cứ ngỡ mình đã tạm biệt cái quá khứ thân thương và bất hạnh ấy mãi mãi rồi, không bao giờ tôi nghĩ còn được gặp lại “đại ca nhí” của mình ngày xưa nữa. Gặp lại Lai tôi thấy lòng mình như đang ấm lại một cách bất ngờ và khó hiểu. Sau đó hai chúng tôi cùng đi vào nhà, Lai đã tốt nghiệp đại học và đi làm gần một năm, tôi và anh đang ở cùng một thành phố mấy năm nay mà tôi không biết. Tôi sốt sắng hỏi anh bao điều, không để anh kịp hỏi lại tôi câu gì anh từ tốn trả lời hết, chúng tôi nói chuyện với nhau suốt từ buổi sáng đến gần trưa, Lai cho tôi biết tình trạng của bố tôi và cả quá trình mà anh đi tìm tôi nữa. Anh đã hứa với bố tôi là sẽ tìm bằng được tôi, bố tôi đang bị bệnh nặng. Vậy là sáng hôm sau tôi đi về luôn, Lai cũng cùng về với tôi ngồi trên xe anh còn kể nhiều chuyện xảy ra ở làng tôi sau bao nhiều năm qua nữa. Con Mít và con Tơ đã lấy chồng hết cả rồi, cũng mới cưới thôi cả hai đứa đều đi học trung cấp y, chưa ra trường mà đã lấy chồng luôn rồi. Làng tôi nghe nói cũng thay đổi nhiều lắm, hơn mười lần năm xưa, hầu như nhà nào cũng được làm mới lại hoặc mua sắm trang bị thêm nhiều thứ, cuộc sống của người dân đã đổi thay nhiều nhờ có hệ thống đường xá được mở rộng… Tôi hỏi Lai về cái ngọn đồi cỏ dại, nó đã biến mất hay vẫn còn, anh bảo quả đồi ấy không còn là đồi cỏ dại nữa mà là một đồi Thông rồi, quả đồi ấy mấy năm qua người ta trồng cây gì nó cũng không nên, do vậy mà nó được các anh cán bộ lâm nghiệp xã quy hoạch để trồng cây lẫy gỗ thử nghiệm và những cây gỗ Thông được trồng ở đây cứ mọc thẳng tắp.
Con đường về với làng quê cũ hiện rõ dần, bố biết tôi đã từng đến tìm bố trong đêm mùa đông bố đang cùng vợ con bên chảo rang hạt dẻ, bố ân hận vì đã bỏ rơi tôi. Ông muốn gặp lại tôi vì muốn biết giờ trông tôi như thế nào, ông sợ nếu một ngày cái chết bất ngờ ập đến mà không được gặp lại tôi thì ông sẽ chết mà không nhắm mắt được, ông đã nhờ Lai đi tìm tôi suốt cả năm trời. Tôi không biết sẽ nói gì với bố, mọi người ở làng sẽ nói gì về tôi, tôi sẽ đi thăm ai trong làng nữa và liệu tôi có được chào đón? Đó là những câu hỏi tôi hỏi Lai ở đoạn gần đường về, anh bỗng nắm tay tôi và nói: “Tất cả mọi người đều đang chờ đón em!”. Xe chúng tôi bắt đầu lên dốc, ngọn đồi ngày xưa đã hiện lên trước mắt, những cây thông lá nhỏ và nhọn hoắt đang vươn mình lên xanh óng ánh dưới nắng mặt trời ban trưa.
(còn tiếp)