Thứ Tư, ngày 30/10/2013 19:00 PM (GMT+7)
Khu nhà chứa xác vô thừa nhận nằm cô quạnh mãi phía trong cùng của lò thiêu Bình Hưng Hòa. Có ba người đàn ông luống tuổi vẫn ngày ngày thay phiên nhau túc trực những cái xác không còn nguyên dạng và hàng trăm hài cốt mỏi mòn chờ thân nhân đến nhận về. Trong câu chuyện của họ, có không ít những tình huống bi thương, đau xót đến đắng lòng, lại có những chuyện hãi hùng khiến người nghe lạnh gáy.
Tin Tức, Tin HOT trong ngày được cập nhật liên tục từng giờ tại Tin Tức Trong Ngày
Tê tái những thi thể vô thừa nhận
Phòng chứa xác vô thừa nhận ở Bình Hưng Hòa là nơi cuối cùng cho mọi xác chết vô danh trên địa bàn TP.HCM trú ngụ. Đây cũng là nơi tiến hành các thủ tục khám nghiệm tử thi, bảo quản, bàn giao cho thân nhân, hỏa thiêu, lưu trữ tro cốt và cả công việc cuối cùng là chôn tập thể.
Làm việc bằng cái tâm Anh Trịnh Xuân Hưng, Đội trưởng Đội bảo quản xác vô thừa nhận, Lò thiêu Bình Hưng Hòa, cho biết: “Ba người làm việc tại khu xác vô chủ đều là những người làm việc lâu năm, rất trách nhiệm và nhiệt tình. Đây là một công việc không phải ai cũng dám làm, cần phải có tinh thần tự nguyện và hi sinh rất lớn. Các anh làm việc bằng cái tâm là chính”. |
Mỗi ngày, công việc của những người giữ xác trong phòng này được chia làm hai ca. Ca ngày bắt đầu từ lúc 5h30 cho đến 18h, còn ca đêm bắt đầu từ 8h tối cho đến 6h sáng hôm sau. Cứ thế, ngày hai người, đêm một người, luân phiên nhau túc trực.
Từng bọc tro cốt được xếp chồng chất theo từng quý
Anh Mã Quang Nhiều (SN 1973, quê Vĩnh Long), người trẻ tuổi nhất trong số này cũng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề. Nhớ về quãng thời gian khi còn là cậu thanh niên hoạt bát bán cháo, bán lẩu nhưng không thành rồi bất ngờ rẽ sang cái nghề chỉ mới nghe qua nhiều người đã ớn lạnh này, anh kể: “Từ năm 1991 đến nay, bắt đầu bằng nghề vớt xác, trải qua đôi chút thay đổi nhưng vẫn gắn mình với những thây ma. Ngày đó, tôi đi theo đội vớt xác vì bên đó thiếu người, sau dần chuyển hẳn sang công tác bên này. Gia đình, anh em cấm cản dữ lắm nhưng dần dà cũng thôi, thấy cũng có ích cho đời lại chẳng hại ai. Tôi quyết dành trọn quãng thời gian đến lúc tôi nghỉ hưu để tiếp tục chăm sóc những xác người vô danh bất hạnh. Cũng may là vợ tôi đủ can đảm và yêu thương, chấp nhận mình”.
Ăn cơm dương gian, “canh cửa âm phủ”
Công việc mỗi ngày của những người làm ở phòng lưu trữ xác vô danh không quá nặng nhọc, nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để ngày ngày tiếp xúc với những xác người, khi thì chẳng còn lành lặn, lúc lại biến dạng không nhận ra. Qua những cái xác vô danh, rất nhiều những thân phận được hé mở khiến người chứng kiến khi buồn, khi hận. Anh Nhiều nhớ trường hợp rất đáng thương là tình cảnh một người vợ quê ở miền Tây đến nhận xác chồng. Thấy chồng từ người mập mạp, to béo giờ thành cái xác gầy khô héo quắt, hai mắt trũng sâu, biến dạng mà khóc ngất đi, nhất định không chịu thừa nhận. Rất may khi đó, người vợ vẫn còn nhớ hình xăm trên lưng người chồng nên người nhà mới chịu nhận. Lặng nhìn cả một dãy dài những bọc tro cốt xếp chất chồng lên nhau mới thấy chạnh lòng. Khi sống dù có là ai đi nữa thì khi chết rồi cũng chỉ còn là một nắm trò tàn, không hơn, không kém. “Người may mắn thì được gia đình lo hương khói chu toàn, còn những người không may mắn thì đang nằm tại đây. Mỗi tháng, mỗi quý, tôi và các anh em ở đây đều thắp nén hương thơm để những linh hồn u uẩn thấy ấm áp hơn”, anh Nhiều buồn lòng nói.
Container chứa tro cốt người xấu số vô danh tại lò thiêu Bình Hưng Hòa
Có hai loại xác chết vô danh thường được đưa về đây. Một là chết trên đường do tai nạn hoặc đột tử, không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính. Hai là chết do bệnh tật ở các bệnh viện, nhà tù mà không có người nhà nhận về. Còn có trường hợp, người thân cố tình không nhận, thường những người này khi sống không thuộc hạng độc ác cùng cực thì cũng thuộc hạng phá gia chi tử, hoặc cũng có khi vì nhà quá nghèo, có nhận về thì cũng chẳng lo chu toàn được nên đành bỏ lại đây.
Nghề kén người Anh Nhiều kể: “Tôi kết hôn đã 15 năm, có hai con, cháu lớn giờ cũng đã lên lớp 9. Cuối tuần, khi không phải học, vợ con vẫn ghé qua chơi luôn. Có cha làm công việc kì lạ nhưng hình như đã quen nên hai đứa con cũng học được cách thân thiện với những con người bất hạnh này. Đó cũng là một cách để các cháu học được làm điều thiện ở đời”. Anh Nhiều cho rằng, cái nghề của anh cũng như bao nghề khác. Mỗi nghề cần có những đặc thù riêng và cũng đòi hỏi những kĩ năng riêng. Đối với nghề này, ngoài các kĩ năng về bảo quản, xử lí các thi hài thì phải… to gan và biết thương cảm với những số phận hẩm hiu thì mới làm tốt được. |
Mỗi thi thể được lưu giữ trong những khoảng thời gian khác nhau. Khi hết thời gian điều tra, cơ quan công an cho phép hỏa thiêu thì phía lưu giữ mới tiến hành phần hậu sự cuối cùng cho người đã mất. Ngay phía trước căn phòng lạnh chứa thi hài là một dãy dài áo quan dùng phục vụ cho việc hỏa táng. Khi đó, những người như anh Nhiều, anh Tròn, anh Nam sẽ chịu trách nhiệm rửa váy vệ sinh lần cuối cùng cho thi thể, tiến hành khâm liệm. Anh Nhiều cho hay: “Các xác này hầu hết đều được hỏa táng để đảm bảo vệ sinh và dễ dàng lưu giữ. Chỉ trong một số trường hợp, khi cơ quan công an yêu cầu thì mới chôn để sau này có thể khai quật khám nghiệm, phục vụ công tác điều tra”. Thấm thoát, hết tháng này qua năm khác, số lượng cốt được lưu giữ trong những container này đã lên đến con số hàng nghìn.
Ngoài việc chăm sóc, bảo quản, trao trả thi hài, tro cốt cho người thân, anh Nhiều giúp các bác sĩ pháp y trong việc khám nghiệm tử thi, định vị lại các bộ phận cơ thể, khâu lại vết mổ. Môi trường làm việc độc hại, căng thẳng, mức lương anh nhận được cũng chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng một tháng, giúp cả gia đình anh có thể sống ổn định. Toàn bộ những chi phí về lưu giữ, hỏa thiêu đều do Nhà nước chu cấp. Đối với những người đến đón hài cốt người về, sau khi xác minh thông qua hồ sơ pháp y, hình ảnh, dấu vân tay phía bên công an, thì sẽ được nhận mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào.