Tin tức - pháp luật 2014-01-12 15:00:37

"Cán bộ nội vụ" khiến dân nghèo khóc ròng, nợ nần chồng chất


Khoe mẽ tài ngoại giao, đi xe biển Hà Nội, cán bộ "phòng nội vụ" đã khiến hàng chục hộ dân nghèo tại các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Để chứng tỏ tài ngoại giao của mình, "cán bộ phòng nội vụ" tên C. “nổ” rằng hiện một cán bộ cấp cao tên B. đang công tác tại tỉnh Phú Thọ đang nợ C. hơn 3 tỷ đồng nên sẽ trả nợ C. bằng các "suất" chạy việc, do vậy các khoản tiền chi phí cho các "suất" biên chế sẽ không nhiều, chỉ chừng 50 - 70 triệu đồng. Hơn nữa, sau khi các nạn nhân sập bẫy đồng ý giao tiền để "cán bộ" xin việc, C. lặn mất hút khiến các khổ chủ vật vã vì "tiền mất, tật mang"…

Bà T., vợ ông C., trong một lần đến "giao dịch" tại nhà các nạn nhân.

Nhận tiền chạy việc bằng giấy… vay nợ
Những ngày cuối năm này, hàng chục hộ dân nghèo tại tỉnh Phú Thọ đang khốn khổ bởi những khoản vay nợ chồng chất từ các đầu "tín dụng", vay từ các anh em gia đình người thân. Những hộ dân này đã phải chạy vạy, vay nóng tiền để "đút" cho một cán bộ tên C. mà theo những nạn nhân này, ông ta đang công tác tại phòng nội vụ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) để cán bộ này lo vào biên chế cho con em họ. Thế nhưng khi tiền đã giao, vị cán bộ này cũng chẳng thể lo cho con em họ một suất biên chế như họ đã kỳ vọng. Một tháng, hai tháng rồi một năm đến hai năm, con em những lương dân này vẫn trong tình trạng thất nghiệp còn vị cán bộ phòng nội vụ tên C. bắt đầu "khất nợ" và tìm mọi cách thoái thác khi người dân muốn xin lại kinh phí đã giao cho C..
Một câu hỏi được đặt ra, đó là không hiểu bằng chiêu trò gì mà ông C. liên tục "vay nợ" người dân hứa xin việc cho con em họ rồi vòng vo trốn nợ mà chưa hề bị cơ quan pháp luậtxử lý? Những nạn nhân mà PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp xúc đều có chung một tâm lý và nguyện vọng đó là đòi lại tiền vị cán bộ C. chứ không dám đứng ra tố cáo trước cơ quan công an. Bởi theo họ, trong mọi giấy tờ giao kèo giữa họ với ông C. đơn thuần chỉ viết là giấy vay nợ giữa cá nhân với cá nhân, không nêu rõ ông C. dùng tiền để chạy việc nên rất khó trình báo các cơ quan chức năng. Chính với chiêu "vay nợ" này, ông C. đã khiến những nạn nhân phải khổ cực, lạy lục để xin lấy lại tiền nhưng đều vô vọng.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Đình Sơn, SN 1964 trú tại khu 5, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy (một nạn nhân - PV) cho biết, khoảng tháng 9/2011, ông Sơn có quen biết với chị Đinh Thị L. trú tại xã Cự Đồng (Thanh Thủy), qua trò chuyện, ông Sơn than phiền có đứa con vừa mới ra trường mà chưa xin được việc và hỏi chị L. có quen biết ai có thể lo việc được không? Vài ngày sau chị L. bảo là có chỗ họ nhận xin cho con trai ông Sơn và nói phải có hồ sơ ngay, mức chi phí khoảng 70 triệu đồng. Mừng vì con mình sẽ có được công việc ổn định, ông Sơn liền vay mượn anh em trong gia đình và chuẩn bị sẵn để chờ ngày giao nộp tiền và hồ sơ cho người đứng ra xin việc. Khoảng một tháng sau, chị L. và ông Sơn được gặp trực tiếp "ân nhân" của mình tên Phan Hữu C.. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Sơn choáng ngợp bởi "ân nhân" của mình nói đang công tác tại phòng nội vụ huyện Thanh Sơn và vợ cũng đang công tác tại phòng văn hóa của huyện Thanh Sơn. Qua nhiều nguồn thông tin, ông Sơn chắc chắn chỗ mình nhờ cậy là "có cơ sở" nên quyết định giao tiền. "Tôi nói có cậu ruột tên S. đang công tác tại đó những năm trước thì ông C. bảo "tôi có biết vì ông S. làm cùng phòng văn hóa với vợ tôi tên T.", hơn nữa lại có cháu đang công tác tại phòng tài nguyên huyện Thanh Thủy nên tôi tin tưởng. Không ngờ sự việc lại ra nông nỗi này", ông Sơn bức xúc cho biết thêm.
Cũng theo tường trình của ông Sơn, sau khi nhận được tiền của gia đình, ông C. có viết giấy "vay nợ" và cầm hồ sơ, hứa sẽ lo việc cho con ông Sơn vào biên chế tại huyện Thanh Sơn. Tuy nhiên thời điểm 2012, con ông Sơn vẫn không đỗ vào biên chế, khi hỏi thì ông C. nói để đợt xét tuyển lần sau.
Theo điều tra của PV báo Đời sống và Pháp luật, những lần tới nhà ông Sơn để giao dịch, có lần ông C. đưa ra một số hồ sơ và khẳng định có quen biết một cán bộ cấp cao của tỉnh tên là B.. Ông C. còn nói vị cán bộ tên B. đang nợ ông ta hơn 3 tỷ đồng nên cán bộ B. phải "thanh toán" nợ cho ông C. bằng các "suất" biên chế nên các suất này không phải đặt cọc nhiều? Cũng do quá tin tưởng vào ông C. nên ông Sơn mách với những người trong gia đình gom tiền đủ 80 triệu đồng để ông C. lo chạy cho 5 suất biên chế.
Để tạo sự tin tưởng, ông C. còn đưa cả đáp án đề thi của tỉnh cho con em ông Sơn ôn. Tuy nhiên, đến kỳ thi tuyển công chức tại huyện Tân Sơn những người trong gia đình ông Sơn thi, nhưng không có trường hợp nào đỗ.
Cực chẳng đã, nhiều lần gia đình ông Sơn yêu cầu ông C. trả lại tiền nhưng đến thời điểm hiện tại ông C. luôn vòng vo tránh mặt, đôi lúc còn lên tiếng thách thức.
Nhận tiền ngay cổng UBND huyện(?!)
Theo điều tra của PV báo Đời sống và Pháp luật, đến thời điểm hiện tại đã có tới hàng chục hộ dân tại các huyện lân cận dính vào "bẫy lừa" của ông Phan Hữu C.. Tuy nhiên khi được hỏi ông C. "dụ dỗ" như thế nào mà hàng loạt người đều bị lừa giống hệt nhau thì hầu hết các nạn nhân này thú nhận vì quá tin vào diện mạo và khả năng "siêu chém gió" của ông C….
Trong danh sách những khổ chủ mà chúng tôi thu thập được, hầu hết vay mượn để đưa cho ông C. lo chạy việc nhưng đến thời điểm hiện tại đều lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Như ông Nguyễn Ngọc Bích (trú tại xã Thạch Đồng, Thanh Thủy) đưa cho ông C. 55 triệu đồng; ông Trần Quốc Duyệt (trú tại xã Trung Thịnh, Thanh Thủy) đưa cho ông C. 57 triệu đồng; bà Hoàng Thị Dung (trú tại xã Thạch Đồng, Thanh Thủy) 55 triệu đồng; bà Đinh Thị Liên (trú tại huyện Thanh Sơn) đưa cho ông C. 70 triệu đồng. Riêng ông Nguyễn Đình Sơn đưa tổng cộng cho ông C. 150 triệu đồng… Tất cả các giấy ký vay nợ đều có thời hạn do hai bên tự thỏa thuận.
Theo phản ánh của các nạn nhân này, hầu hết những lần nhận tiền, có khi ông C. trực tiếp đến nhà nạn nhân để nhận tiền, có trường hợp ông C. còn đàng hoàng nhận tiền của nạn nhân trước cổng UBND huyện Thanh Thủy? Dư luận cho rằng số tiền mà ông C. thu của nạn nhân đã lên tới con số hơn 1 tỷ đồng…
Để các nạn nhân không biết gì về nhau, ông C. luôn bí mật việc tiếp xúc. Khi sự việc vỡ lở, bị nhiều người dân phát hiện, ông C. lập tức hẹn gặp những nạn nhân này than vãn và ký các giấy gia hạn nợ và trả nợ nhỏ giọt. Khi các nạn nhân có ý định trình báo cơ quan chức năng thì ông C. cố nài nỉ sẽ bán một khu đất tại thị trấn Thanh Thủy để trả nợ, nhưng thực sự khu đất đó ở điểm nào và có giá trị ra sao thì không ai rõ.
Thông tin mới nhất mà PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được thì tới thời điểm hiện tại, một số nạn nhân đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông C. tới cơ quan công an.
Vợ ông C. cũng tham gia nhận tiền?
Theo thông tin mà người dân cung cấp và điều tra của PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phan Hữu C. (SN 1961), nguyên quán tại khu 5 xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), nơi ở hiện nay tại thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Thời gian trước ông C. có công tác trong ngành giáo dục nhưng chưa từng công tác tại phòng nội vụ huyện Thanh Sơn như đã khoe mẽ. Còn vợ ông C. là bà Nguyễn Thị T. trước là cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Thanh Sơn. Trong những lần giao dịch với các nạn nhân, ông C. luôn trang bị cho mình một chiếc ô tô con loại xịn BKS 30M - 8087 nên các nạn nhân đều choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng của ông này. Nhiều lần bà T., vợ ông C. cũng đứng ra nhận tiền của các nạn nhân.

Phạm Hồng Dương
doisongphapluat.com
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)