1. Bún mắm nêm thịt heo quay
Tuy nhiên, cái quyết định hương vị, làm nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn bình dị này chính là chén mắm nêm ăn kèm. Ngoài thành phần mắm cái được pha thêm nhiều nguyên liệu khác như dứa bằm nhỏ, tỏi giã nhuyễn, ớt xay và đường… tùy theo khẩu vị mà chén mắm được gia giảm để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm ngon. Một tô bún mắm nêm ngoài bún, thịt heo quay còn có các loại rau thái nhỏ đúng kiểu người miền Trung cùng ít lạc rang. Mang đậm văn hóa của người miền Trung nên tô bún mắm nêm thường rất đậm đà cùng với vị cay xé lưỡi đặc trưng, nên nhiều thực khách vừa ăn vừa phải xuýt xoa.
2. Bún gà xé mắm gừng
Bát bún gà xé rất đơn giản, bên dưới là các loại rau sống quen thuộc như: xà lách, húng quế, tía tô, húng thơm… được thái nhỏ cùng ít giá sống, bên trên là bún tươi, thịt gà xé và ít đậu phộng rang. Khi ăn, múc từng thìa nước mắm gừng, chan vào bát bún trộn đều để mắm gừng thấm đều trong các nguyên liệu. Cái vị ngọt, béo của thịt gà, hương vị thơm mát của các loại rau hòa quyện trong cái vị đậm đà của nước mắm, cùng với đó là hương vị cay nồng của gừng đem đến cho người ăn sự ngon miệng và không hề ngấy.
3. Bún cua Gia Lai
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
4. Bún mắm miền Tây
Thành phần nước dùng được nấu từ mắm các loài cá linh, cá sặc, cá lóc hay cá trèn… được gia giảm để tránh đi cái nặng mùi cũng như vị gắt của mắm mà không làm mất đi hương vị đậm đà đặc trưng của món ăn. Ăn kèm bún mắm là đĩa rau với các loại đặc trưng của miền Tây như cọng bông súng, rau đắng, kèo nèo, bắp chuối, rau muống chẻ… Đĩa rau chính là thành phần quan trọng làm cân bằng vị mặn của mắm trong món ăn.