Thịt trâu sau khi xẻo, ướp gia vị chừng 5-10 phút đã có thể dùng. Thậm chí, người dân Lào còn thích ăn thịt động vật bốc mùi sau khi chết vài ngày.
Khác với thành phố cổ Luang Prabang hay thị xã sôi động Phonesavanh, nhiều bản làng ngoại ô tỉnh Xiêng Khoảng cuộc sống của bà con còn nhiều hoang dã, đi kèm là những món ăn độc đáo đến mức sởn da gà, gây tò mò cho mỗi du khách lần đầu đặt chân đến Lào.
Hàng xóm của anh Khăm Thiêu (cựu du học sinh ở Việt Nam - đang công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Xiêng Khoảng) tổ chức đám cưới cho cậu con trai. Chưa đến ngày rước dâu, nhưng gia chủ đã mổ trâu, mổ bò… mời bà con bản làng tới uống rượu. Người Lào, dù ở nông thôn hay thành thị, cán bộ hay nông dân đều rất ý tứ, điềm đạm trong giao tiếp và tôn trọng khách một cách đặc biệt.
Người dân trên cao nguyên Lào uống rượu nhiều, nhưng không uống cấp tập. Để phục vụ bữa tiệc, gia chủ chọc tiết và lột da một con trâu, lấy dao cắt xẻo từng miếng thịt nạc trên thân, trên đùi trâu rồi thái nhỏ. Sau đó họ lấy một số gia vị, trong đó có muối, chanh, ớt tiêu… ướp lên chừng 5-10 phút. Xong, đặt vào bát, đĩa mang ra đãi khách. Mọi người ăn thịt tươi sống một cách ngon lành. Chưa đầy buổi tối, con trâu to đùng chỉ còn trơ lại bộ xương và lòng.
Thấy khách lạ có vẻ e ngại, không dám ăn thịt sống, một người Lào nói bằng giọng khôi hài: “Ăn thử xem, thịt trâu Lào có khác thịt trâu Việt Nam không nhé?”. Với bạn Lào, đây quả là món ăn rất độc đáo của các bản làng trên cao nguyên nước họ. “Mỗi lần gia đình nào có sự kiện rất đặc biệt, khi ấy mọi người mới được ăn thịt ướp sống kiểu này”, một người dân tâm sự.
Da trâu bò. |
Bước vào bữa tiệc, thực khách thường được thưởng thức món tiết canh đầu tiên. Vì không “hãm” tiết nên chốc lát cả chậu tiết trâu đông cứng lại. Khi ăn, phải dùng thìa xắn từng cục rồi cho vào bát. Mỗi thìa tiết canh xong là một chén rượu nồng đi cùng.
Món tiết canh và thịt nạc con trâu đã hết. Người ta tiếp tục lấy bao tử của con trâu để nấu cháo. Bao tử để nguyên, cột chặt hai đầu cuống lại rồi bỏ vào cái nồi to đùng để nấu. Khi cháo chín, ăn vào có vị đắng rất đặc trưng. Sau đó, người ta vớt bọc bao tử ra, lột thức ăn cũ bên trong, rửa sạch rồi tiếp tục luộc lại một lần nữa mới đem ra thái nhỏ vào đĩa làm mồi uống rượu. Người dân giải thích, ăn cháo bao tử như vậy vẫn đảm bảo vệ sinh và rất tốt cho sức khỏe của con người.
Người dân vùng nông thôn ở Lào nhiều nơi còn đang phải tự cung tự cấp thực phẩm. Ngoài làm nương rẫy, bà con trên cao nguyên Luang Prabang và Xiêng Khoảng sống bằng nghề săn bắn. Vì thế, dọc hai bên QL7A và QL13A, thú rừng được bày bán khắp nơi.
Với các loài vật rừng được bày bán nhưng đã chết và bắt đầu bốc mùi, một chị bán hàng có tên KhengThen ở khu vực Mương Pắc Cụt (thuộc tỉnh Luang Prabang) cho biết, hầu hết các con thú này đều bị chết do trúng đạn của người đi săn. Các loài thú rừng được bày bán công khai chủ yếu là chồn, dúi, don, nhím và các loại chim muông.
Kheng Then cho biết thêm, trong vùng trung tâm của bản làng thường có một vài người đứng ra thu mua các con vật sau khi bị bắn. Họ đưa thú ra các khu vực trung tâm, đặc biệt hai bên tuyến đường có nhiều người đi lại, để bày bán.
Hầu hết bà con các vùng nông thôn nuôi kiến để lấy trứng nhập cho các nhà hàng lớn ở các đô thị. Vì thế, mặc dù cao nguyên Xiêng Khoảng và Luang Prabang là nơi sản xuất trứng kiến nhưng, hiếm khi người nông dân được thưởng thức món ăn độc đáo này.
Gà rừng và chồn được bày bán ở Luang Prabang. |
Bữa ăn của người Lào rất hấp dẫn với ẩm thực nướng và quay. Dù là thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, thịt gà nhà, hay thịt thú rừng, người ta đều chuộng nướng. Chị Mayva, người chuyên bán thịt thú rừng nướng ở ngã ba Phau Khuôn (nơi tiếp giáp QL7A và QL13A) tâm sự, trước khi nướng thịt, phải ướp đều. Lò than phải đỏ rực nhưng không có ngọn lửa, tránh thịt bị cháy khét.
Tại một điểm bán động vật rừng trên QL13A, đoạn qua Mương Pắc Cụt (thuộc tỉnh Luang Prabang), hầu hết con vật ở đây đều đã chết, nhiều nhất vẫn là gà rừng và chồn. Các loài vật được bán theo con, tùy lớn nhỏ để tính tiền, không dùng cân. Khoảng 100.000 kíp (Lào) cho một con chồn nhỏ (gần 270.000 đồng), 500.000 kíp một con chồn lớn, 100-200.000 kíp một con gà rừng, 200.000 kíp một xâu chim trời…
Xuôi theo QL13 và QL7A, dọc hai tuyến đường, nhất là đoạn qua cao nguyên Xiêng Khoảng, người dân Lào bày bán nhan nhản ếch, nhái, châu chấu (tôm bay), cào cào, trứng kiến, nhện nhện, nhộng con ong… Riêng nhái được kẹp vào cái nẹp bằng tre hoặc nứa sấy khô. Còn món trứng kiến ở Lào đã trở thành đặc sản hiếm của vùng đất cao nguyên. Trứng kiến dùng để xào với rau củ, khi ăn vừa bùi, vừa thơm ngon.