Trung Quốc là một trong 22 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 theo lời mời của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận này, nhưng số tàu mà Bắc Kinh mang tới RIMPAC 2014 đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.
Chiến hạm Trung Quốc tới Trân Châu Cảng để tham dự tập trận RIMPAC 2014. Ảnh:Tân Hoa Xã |
Tạp chí Diplomat của Nhật Bản nhận định, trước năm 2010, RIMPAC không thực sự gây sự chú ý của toàn thế giới do chỉ 14 quốc gia thường xuyên tham gia cuộc tập trận hai năm một lần ngoài khơi quần đảo Hawai. Tuy nhiên, số quốc gia tham dự RIMPAC lần thứ 22 (vào năm 2010) bất ngờ tăng lên 22. Số nước đưa quân tới tham dự RIMPAC giữ nguyên trong năm 2012 và 2014.
Trong quá khứ, do Mỹ không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC nên các nhà phê bình Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Washington cố tình cô lập họ. Giới truyền thông Trung Quốc thường gọi tập trận RIMPAC do Mỹ dẫn đầu là nỗ lực trắng trợn chống lại Bắc Kinh, song những lời chỉ trích đã giảm trong năm nay. Việc Lầu Năm Góc mời Trung Quốc sẽ minh bạch hóa hoạt động của hải quân các nước, đồng thời ngăn chặn những hiểu lầm. Nó rất có lợi cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đặt mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự, đặc biệt là hải quân, với quân đội Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đội tàu của Bắc Kinh chỉ xếp sau nước chủ nhà về số lượng. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Mỹ hy vọng sự tham dự của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi hành động cứng rắn nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc còn góp phần củng cố uy tín của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Á và cho thế giới thấy ảnh hưởng của Washington. Ngoài ra, RIMPAC 2014 sẽ giúp Washington và Bắc Kinh phối hợp ăn ý trong các hoạt động cứu trợ thiên tai trong tương lai.
Mỹ biết rõ sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không làm thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực hay khiến giới lãnh đạo Trung Quốc dè chừng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.