Dưới cái nhìn của người trong cuộc
Lê Yến Hoa- Nhạc sỹ (1989) Giải thưởng nhạc sỹ trẻ Bài hát Việt 2007
Sáng tác: Cây vĩ cầm, Nhạc khúc ban mai, Tan vào giấc mơ, Đôi mắt, Hạc giấy, Mùa yêu…
Sinh viên khoa sáng tác, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam
Những gì mà mọi người đang gọi là xu hướng “nghệ sỹ hóa” thực ra chỉ là một phần những gì mà thế hệ chúng tôi đang hướng tới. Ở một giai đoạn mới, người ta sẽ đòi hỏi được quyền thưởng thức cái đẹp, nghệ thuật, giải trí, thẩm mỹ…
Chúng tôi nắm bắt được cái đó và thể hiện mình ở đó thì phải đáng mừng chứ? Mỗi thời đại, mỗi xã hội sẽ sản sinh ra những thế hệ khác nhau, cách sống khác nhau. Đừng nhìn vào những gì chúng tôi đang chưa hoàn thiện, mà hãy nhìn vào kết quả chúng tôi đã và sẽ làm được để gọi tên thế hệ chúng tôi.
Đỗ Phương Trang (1991), MC chương trình Dấu hỏi xanh, VTV6.
Bản thân Trang trước kia từng đi làm mẫu ảnh cho một số tờ báo, cũng gọi là tiếp xúc với “nghệ thuật” từ khá sớm. Thực sự từ chuyện làm người mẫu ảnh, tới công việc MC hiện tại đều là do “cơ duyên” tình cờ đến với Trang, và bản thân mình cũng nghĩ khi có cơ hội, tại sao không thử sức nhỉ? Khi mình càng làm thì càng khám phá ra bản thân mình có những khả năng đặc biệt mà lâu nay mình không biết.
Quả thật, lứa 9X tụi mình cũng có một vài bạn lao đầu vào những nghề hot như một cách PR bản thân. Tuy nhiên con số này không nhiều lắm đâu. Mình nghĩ khi nhìn một vấn đề, nên nhìn một cách cởi mở và tích cực. Thế hệ 9X không phải hình tượng “doanh nhân thành đạt” biến mất mà chỉ là không phải tất cả đều coi đó là hình tượng mẫu mực mà thôi. Chúng mình may mắn hơn, khi có sự lựa chọn về nghề nghiệp phong phú hơn.
Trần Thăng Long, bầu sô của ca sỹ Đại Nhân Hòa Mi.
Sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, TP Hồ Chí Minh.
Theo mình hiểu, “nghệ sỹ hóa bản thân” nghĩa là có điều kiện để thể hiện bản thân và thêm gia vị “nghệ thuật” cho cuộc sống của mình. Thực ra thế hệ nào cũng vậy thôi, người trẻ ai chẳng muốn thể hiện mình trong một cái gì đó có liên quan tới nghệ thuật.
Thời xưa là truyện, thơ, thời nay là hình ảnh, là giọng hát. Cơ hội thể hiện bản thân nhờ blog và Internet trở nên dễ dàng hơn nên việc chọn thể hiện và thử sức trong nghệ thuật là một chuyện teen sẵn sàng dám làm và muốn làm hơn. Xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn của thế hệ.
Thời của 8X kinh tế thay đổi rõ rệt, kinh doanh trăm hoa đua nở nên 8X đặt mối quan tâm hàng đầu vào kiếm tiền. Cong người trẻ bây giờ khi kinh tế đã ổn định còn giá trị tinh thần lại phát triển cực mạnh, đương nhiên họ sẽ tìm đến và khẳng định bản thân qua đó.
Huỳnh Minh Thủy- Thủy Top (1989)
Diễn viên phim Chít và Pi, hiện đang đóng phim Đi qua bóng tối của đạo diễn Vũ Minh Trí. Sắp phát hành Album đầu tay, là Stylist, người mẫu ảnh tự do.
“Nghệ sỹ hóa bản thân” với tôi thực chất là cơ hội và nắm bắt cơ hội. Tại sao có những cơ hội đóng phim, stylist lại luôn đến với tôi? Có lẽ bởi tôi luôn tự tạo ra cơ hội cho mình và biết lựa chọn những cơ hội hợp lý.
Tôi chủ động tham gia những cuộc thi tài năng (MIC vàng, Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn) và từ đó tôi có những mối quan hệ. Người ta mời tôi làm stylist cho một bộ phim và nhờ thế tôi được tiếp xúc với đạo diễn và ông này mời tôi tham gia một vai phụ trong phim. Rồi tư vai phụ bộ phim này tôi đóng ổn, người ta biết đến tôi và nhờ tôi tham gia vai chính trong một bộ phim khác.
Lý do vì sao họ chọn tôi? Có thể vì tôi lạ và khác biệt. Tôi chưa bao giờ muốn mình giống người khác, vì thế cho nên nếu người ta muốn tìm đến cái gì đó mới, người ta sẽ tìm đến với tôi. Còn sự thành công, tôi tin là nó sẽ đến khi anh lao động hết mình, dù anh chọn nghệ thuật hay kinh doanh. Khi đã nhận việc gì thì tôi cực kỳ cố gắng làm việc và học hỏi, làm sao để người cho tôi cơ hội không bao giờ phải thất vọng khi đã chọn tôi.
Người lớn nhìn nhận gì
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: “Nghệ sỹ hóa”- chuyện bình thường của mọi thời.
Ở bất kỳ thời điểm nào, không gian sống nào, con người nói chung chứ không riêng về giới trẻ cũng tìm một hình tượng để noi theo, một hình mẫu lý tưởng để vươn tới. Tôi hoan nghênh khi các bạn chọn, bắt chước một hình mẫu lý tưởng nào đó. Vấn đề ở đây là sau khi học xong, các bạn chắt lọc lại được những gì cho riêng bản thân mình mới là quan trọng.
Hơn nữa việc các bạn cố học hỏi, hóa thân vào một hình mẫu lý tưởng sẽ giúp cho các bạn nhận định được mục tiêu của bản thân mình.
Còn việc có phù hợp hay không khi một bản trẻ bình thường theo phong cách của một nghệ sỹ, theo tôi nó còn tùy thuộc vào mỗi thời điểm. Ví dụ ở thời điểm này theo phong cách thời trang đó là phù hợp, là đẹp nhưng sau mỗi thời gian nó trở nên lỗi thời, cũ kỹ.
Các bạn đã từng chứng kiến thời trang Unisex du nhập và trở thành một trào lưu trong giới trẻ ta nhưng về sau trào lưu này mất điểm. Bất kỳ một xu hướng nào cũng có đỉnh điểm và sẽ thoái trào. Trong quá trình “nghệ sỹ hóa” của mình, các bạn trẻ sẽ phải nhận ra được cái gì phù hợp nhất với mình, cái gì ta nên giữ. hãy tự do học hỏi. Có hành động, có phạm sai lầm thì mới có thành công.
Ca sỹ Nhật Tinh Anh: Không nên chạy theo “Phần nổi của nghệ sỹ”
Xu hướng “Nghệ sỹ hóa” chứng tỏ rằng ngành giải trí của nước ta đang phát triển mạnh và thu hút đặc biệt sự quan tâm của người trẻ. Xu hướng ấy chứng tỏ người nghệ sỹ đã thực sự có một hình tượng rất đẹp trong lòng các bạn đọc.
Theo Nhật Tinh Anh nếu không có trào lưu “nghệ sỹ hóa” trong giới trẻ thì coi như ngành giải trí đã thất bại một phần. Và nếu xu hướng nghệ sỹ hóa bị xã hội lên án thì ngành giải trí và những người làm giải trí cũng phải nhìn nhận lại. Nhật Tinh Anh không phản đối bạn trẻ theo trào lưu ấy vì đó là quyền tự do của các bạn muốn thế hiện cá tính của mình.
Các bạn trẻ hiện nay đã có đầy đủ điều kiện thể hiện mình. Tuy nhiên nếu các bạn chỉ lo thể hiện bên ngoài theo hướng “nghệ sỹ hóa” mà quên chăm lo “nội dung” thì quả là uống phí. Cái làm nên hấp dẫn thực sự của nghệ sỹ là cái bên trong, vì thế các bạn trẻ không nên chạy theo “phẩn nổi” mà quên mất phần chính yếu luôn nằm ở bên trong trái tim và tâm hồn.
Nhạc sỹ Vũ Quốc Bình: Chất nghệ sỹ toát ra từ chính vốn sống mỗi người
Người nghệ sỹ cũng là con người bình thường nhưng có lẽ nhạy cảm hơn trong các vấn đề cuộc sống. Họ không thích ràng buộc, thích tự do, phóng khoáng không có nghĩa là vô trách nhiệm. Gu thẩm mỹ, trang phục, tóc đến phong cách sống, thái độ sống của họ cũng được hình thành từ sở thích cá nhân, từ vốn kiến thức họ tích lũy, trải nghiệm trong cuộc sống nghệ thuật.
Có lẽ xã hội đã có cái nhìn trân trọng hơn với nghệ sỹ, nên đông đảo giới trẻ đi theo phong cách “nghệ sỹ hóa” để có cảm giác được tôn trọng và hòa nhập với thế giới “thượng lưu”. Từ thập kủ 70 trào lưu “Hippi” (tóc dài phủ gáy, quần ống loe…) tràn ngập trong giới trẻ bởi ảnh hưởng của cơn bão Beatles. Hình ảnh người nghệ sỹ thời đó đã trở thành mốt. Nghệ sỹ chúng ta thời nay ăn mặc cũng rất đẹp! Cá nhân tôi nhìn vấn đề này theo hướng tích cực.
Hãy để các bạn trẻ thâm nhập vào thế giới nghệ sỹ theo cách riêng của mình. Tự họ sẽ rút ra được những điều tốt nhất cho bản thân. Biết đâu từ phong trào này, sau này chúng ta có những nghệ sỹ thực thụ, có những tác phẩm làm rạng danh nước nhà. Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng điều đó xảy ra.
Cuối cùng tôi xin nhận mạnh rằng, để có hình thức giống Nghệ sỹ các bạn chỉ cần một ngày, những để trở thành một nghệ sỹ thực thụ đôi khi các bạn phải mất cả đời. Hãy trau dồi kiến thức và vốn sống. Hình ảnh, phong cách nghệ sỹ sẽ toát ra từ chính vốn trải nghiệm cuộc sống của bạn.
Họa sỹ, giảng viên nghệ thuật Phạm Mai Châu: Là nghệ sỹ thực thụ, cần nắm vững căn bản.
Ở đây tôi chỉ muốn nói riền về các “nghệ sỹ” thiết kế. Cần phân định rõ về một nhà thiết kế và một thợ vẽ. Internet và máy tính khiến các em tiếp cận với công việc thiết kế đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng một designer thực thụ phải có những hiểu biết căn bản về thiết kế, các quy luật, lý thuyết về màu sắc, bố cục, phải diễn giải được tại sao thiết kế thế này, thiết kế thế kia, phải nói rõ được lý do tại sao tôi đặt tấm ảnh này ở đây, chữ này ở kia và nói rõ các công nghệ in ấn.
Những cái đó thì mấy designer hiện nay làm được? Sự thiếu hụt kiến thức cơ bản sẽ không thể hiện ngay khi anh mới vào nghề hay trên một vài tác phẩm mà sẽ ảnh hưởng ngay trong quá trình sáng tạo về sau. Do đó “designer- wannabe” đến designer thực thục có cả một nền tảng kiến thức căn bản cần phải học trứpc khi update những cái mới.
Theo Trúc Lê
Sinh viên Việt Nam
Sinh viên Việt Nam