Hiện nay tình trạng nạo phá thai đang là một vấn đề xã hội nóng trên toàn thế giới, là một chủ đề gây tranh luận gay gắt với những quan điểm khác nhau bởi liên quan đến giá trị đạo đức, chủng tộc, sinh học và pháp lý phức tạp.
Tình trạng này đang diễn ra ngày càng nhiều, nhất là ở đối tượng trẻ tuổi, người ta cho rằng nguồn gốc của điều đó chính là cuộc cách mạng tình dục, lối sống buông thả, sự thiếu hiểu biết về vấn đề sức khỏe sinh sản. Ở nước ta, thời Lê Thánh Tông trị vì, để bảo đảm trật tự xã hội trong khuôn khổ Nho giáo, ông đã ban hành lệnh cấm phá thai và đây được coi là quy định đầu tiên đề cập tới vấn đề này.
Trên phương diện quản lý nhà nước, các triều đại phong kiến Việt Nam từ việc kết hợp Phật, Nho, Lão trong điều hành đất nước dần dần đến thời Lê đã lấy Nho giáo làm cơ sở xây dựng bộ máy chính quyền và thiết chế xã hội.
Đặc biệt là đến đời Lê Thánh Tông, Nho giáo đã chiếm vị trí độc tôn, trở thành chỗ dựa chủ đạo của chính quyền cai trị; để làm đời sống tư tưởng của xã hội quy về với Nho giáo, ông đã tìm cách “làm sáng tỏ đạo thánh hiền” khiến muôn người tin theo. Chính vì thế các hành động, việc làm bị coi là trái với đạo lý, làm tổn hại đến trật tự, kỷ cương đều bị xử tội nghiêm khắc, trong đó có việc phá thai.
Tranh minh họa. |
Không chỉ vị hoàng đế theo tư tưởng Nho giáo có quan điểm cứng rắn về vấn đề này mà trong dân gian cũng không đồng tình về chuyện phá thai bởi người Việt coi có con là phúc lớn, có nhiều con là đại phúc, đó là tài sản quý giá hơn tất cả bạc tiền, châu báu, ngọc ngà: “Có vàng vàng chẳng biết phô/ Có con con nói trầm trồ mẹ nghe” (Ca dao). Con là món quà kì diệu không phải bất kì ai cũng có thể tạo ra được … mà chỉ có cuộc sống ban cho vì thế phải biết quý trọng, bảo vệ.
Từ những nguyên do đó, nhận thấy phá thai là việc làm trái đạo đức đang xảy ra có nguy cơ gây ra những tác động xấu đến xã hội, vua Lê Thánh Tông đã ban hành các quy định ngăn cấm. Trong bộ luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông chỉ đạo biên soạn, ban hành có nhiều quy định liên quan đến nghề y như trừng phạt thầy thuốc kém đức, vấn đề về pháp y…
Đặc biệt, vị hoàng đế này còn ra lệnh cấm phá thai và nhiều lần đã đề cập đến vấn đề này, tại điều 424 bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) quy định: “Đem thuốc đọa thai làm cho người đọa thai, hay là người xin thuốc đọa thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì đọa thai mà chết thì kẻ cho thuốc mắc phải tội giết người”.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Thánh Tông đã có lần công bố lệnh cấm phá thai và cấm phá thai cho người khác nhưng vì hiện tượng đó vẫn gia tăng khiến vua rất bực tức, ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (1484) ông lại ban lệnh: “Nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác.
Trước đây có lệnh cấm rằng: loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp.
Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Theo các nhà nghiên cứu, phá thai là hành động có chủ đích xuất hiện từ lâu trong các nền văn minh cổ đại, nó được thực hiện bằng nhiều phương pháp như sử dụng vật dụng sắc nhọn, tác động lực lên bụng và các kỹ thuật khác, nhưng chủ yếu là sử dụng các thảo dược bào chế từ các loại cây cỏ có tính năng kích thích gây ra việc sảy thai như cúc ngải, bạc hà hăng…
Việc sử dụng cây cỏ theo cách này ngoài việc không đảm bảo yếu tố vệ sinh mà còn gây ra nhiều hiệu ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Chính vì vậy trong việc ngăn cấm phá thai, hoàng đế Lê Thánh Tông còn chú ý việc xử lý hoạt động mua bán thuốc phá thai cũng như trách nhiệm của quan lại địa phương khi xảy ra hiện tượng này.
Trong sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết vào năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận thứ 8, Lê Thánh Tông ban lệnh về cấm uống thuốc đọa thai như sau: “Kẻ nào dùng thuốc đọa thai để phá thai cho người khác hoặc đi tìm thuốc đọa thai đều bị xử tội đồ. Do cố ý dẫn đến chết người thì xử theo tội sát nhân, xã nào có người như vậy mà không biết cấm đoán thì xã trưởng xã đó sẽ bị xử nặng hơn luật thường, các quan phủ huyện châu sẽ bị bãi chức”.
Theo pháp luật thời Hậu Lê, khi phát hiện ra một người chết với những biểu hiện nghi vấn, hoặc trên thân thể có vết thương hay có những lời tố cáo, đồn đại quanh cái chết của người đó thì quan chức địa phương phải tiến hành giám định, lập biên bản, thu thập lời khai của nhân chứng để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Triều đại này cũng đã tổ chức biên soạn ra các tài liệu pháp y đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trên cơ sở tham khảo các tài liệu của phương Bắc và cùng những kinh nghiệm đúc rút trong thực tế hoạt động.
Đối với việc phá thai dẫn đến chết người, để quy kết tội trạng cần phải có bằng chứng xác thực, do đó tài liệu pháp y thời Hậu Lê là cuốn “Nhân mạng tra nghiệm pháp” đã đề cập đến việc giám định trường hợp khám nghiệm tử thi là phụ nữ có thai như sau: "Phụ nữ có thai bị chết, nếu vội liệm, cho vào áo quan hoặc vội đem chôn thì thi thể trương lên, các đốt xương rời ra, cái thai đó tất lộ ra ngoài, phàm lúc khai quật khám nghiệm gặp trường hợp như vậy thì chớ có kinh ngạc.
Thi thể hài nhi trong bụng mẹ nếu do kinh hãi mà chết thì nhau thai màu đen sẫm, tụ máu và mềm nhũn. Nếu sinh ra đã chết thì tử thi màu hồng nhạt, nhau bào thai màu trắng, nếu sinh ra người mẹ mới chết thì thân thể có vết thương, hoặc yết hầu rách ra bởi người chết do kinh hãi, tay chân thường dãy đạp, cào cấu yết hầu, tử vong là do ngạt thở vậy.
Phàm thai bị trụy phải sai bà đỡ xác định, thai được mấy tháng, đã thành hình hài chưa, lấy lời khai kèm vào hồ sơ. Nếu chưa thành hình hài, chỉ có một khối màu đỏ, lâu ngày rữa ra thì hóa thành nước sệt đặc mà thôi.
Con gái có thai thì sai bà đỡ dùng lụa bọc ngón tay thọc vào trong âm hộ để thử, có thấy dính máu tức là còn trinh, không có máu tức là mất trinh. Người nào có thai không rõ ràng mà bị chết thì sai bà đỡ khám nghiệm từ tim đến rốn, lấy tay vỗ vào, nếu có thai thì cứng như sắt đá, không có thì mềm”.
Trong các cách phá thai được sử dụng, ngoài việc dùng các loại thuốc thì còn có cách khác là dùng đồ vật nhất định hay dùng tay hoặc chân tác động làm gây chấn thương bụng. Mức độ lực, nếu mạnh, có thể gây nội thương nghiêm trọng nhưng cũng không chắc chắn dẫn tới sảy thai mà có khi làm chết người.
Theo các nhà nghiên cứu, tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, có một truyền thống cũ cố gắng phá thai bằng cách tác động lực mạnh vào bụng. Một trong những bức phù điêu trang trí đền Angkor Wat tại Campuchia vào khoảng năm 1150 thể hiện hình ảnh một con quỷ đang thực hiện phá thai như vậy bằng cách dùng chày nện vào bụng một phụ nữ đang mang thai.
Đối với trường hợp sử dụng phương cách này để phá thai hoặc trường hợp có kẻ gây án nhằm vào đối tượng là phụ nữ có thai, pháp luật triều Hậu Lê cũng đã lường trước các tình huống như vậy để xử lý, thậm chí còn hướng dẫn cách thức giải quyết các vấn đề có liên quan.
Thí dụ trong sách “Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức” hướng dẫn cách làm đơn từ, mẫu biên bản các vụ án, thể thức lấy cung… được ban hành vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Lê Thánh Tông, theo đó thể thức làm tờ trình về vụ án mạng do bị đánh trụy thai quy định cụ thể như sau: “Các quan nha, môn, phủ, huyện lập biên bản về vụ án mạng do trụy thai. Vào giờ…, ngày…, tháng…năm nay, Nguyễn mỗ người xã… trình báo rằng có Nguyễn mỗ, người xã … đánh Trần Thị mỗ trụy thai.
Vào giờ…, ngày hôm đó đã triệu tập bọn Nguyễn mỗ, người thôn, xã, bản xã đến đó để cùng khám nghiệm tử thi thì thấy Trần Thị mỗ nằm ở dưới đất, bị thương tích sưng tấy, chảy máu bao nhiêu chỗ, vết thương dài bao nhiêu phân. Nếu trụy thai thì con trai hay con gái, đã thành hình chưa, nằm sấp hay nằm ngửa, đầu đã có tóc chưa, dài mấy thước, tấc; cả người đen hay trắng, hay chưa thành hình”.
Qua các quy định pháp luật thời Lê Thánh Tông, chúng ta có thể thấy việc ông nghiêm cấm phá thai, cấm giúp đỡ việc phá thai không chỉ bởi lòng nhân từ, xót thương cho những sinh linh bé nhỏ không có cơ may được làm người mà mặt khác nhằm ngăn chặn việc phá thai với động cơ không tốt như “muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc”.
Ngăn cấm phá thai vừa để bảo vệ luân thường, đạo lý xã hội mà còn bảo vệ chính tính mạng của người phụ nữ mang thai. Cách nay hàng mấy trăm năm, người xưa đã nghĩ đến những vấn đề về đạo đức, sức khỏe liên quan đến việc phá thai; cho dù chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo khắt khe dưới chế độ phong kiến theo hình thức quân chủ chuyên chế nhưng khi “ôn cố tri tân” chúng ta vẫn thấy được cái hay, điểm hạn chế trong các quy định ấy. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của lịch sử có giá trị nhất định đối với chúng ta ngày hôm nay.
Theo kienthuc.net.vn
tccl.info