“BẠN PHẢI CHỐNG CỰ, KHÔNG THỂ ĐỂ NÓ ĐÂM VÀO MÌNH!”
Bài học sau những gì đã xảy ra, với Lê là gì?
Đối với bất kỳ chuyện gì xảy ra người ta phải tìm cách giải quyết thấu đáo nhất có thể, và tiếp tục cuộc sống. Phải càng làm thế nào để mọi việc tốt hơn, hoàn thiện hơn.Đối với tôi, sự việc đó là một điều không may, hay nói chính xác hơn, là một tai họa.
Dù bất cứ ai chăng nữa khi gặp tai họa người ta cũng phải tìm cách để đối diện với nó.Ví dụ như đi trên đường gặp một chiếc xe mà tài xế buồn ngủ hay say rượu. Bạn phải chống cự bằng cách tránh đi, không thể để nó đâm vào mình như vậy. Với tôi, dù có rơi vào hoàn cảnh nào cũng phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết vấn đề. Trong tất cả mọi trường hợp thì sự bình tĩnh luôn là yếu tố trước tiên và cần thiết nhất với tất cả mọi người. Không bình tĩnh sẽ không làm được điều gì cả.
Liệu lúc đấy Lê có tin là vấn đề sẽ được rõ ràng?
Dĩ nhiên. Sự thật chỉ có một. Và sẽ được sáng tỏ nếu mình biết cách làm cho nó được sáng tỏ. Nhưng trong lúc nó chưa sáng tỏ, bạn vẫn phải đối mặt với nó.
Uy tín cũng như danh dự của một con người là cả một quá trình chứ không chỉ bằng sự việc. Nhân cách được khẳng định qua một quá trình, thậm chí một đời người. Tôi đã 26 tuổi thì nhân cách cũng đã hình thành đến năm 26 tuổi, và mọi người nhìn vào nhân cách đấy, chứ không chỉ bằng sự việc.
Cho nên, nói là may mắn cũng không hẳn, nhưng tôi đã có sự ủng hộ của tất cả mọi người bên cạnh. Từ người thân, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Đấy là điều mà tôi cho rằng tôi đã thành công.
Lê tự tin vào niềm tin của mọi người vào mình?
Tất nhiên, nếu không có lòng tin của mọi người, tôi nghĩ mình không vượt qua mọi việc một cách dễ dàng như thế.
Nhưng có lẽ sẽ khó tránh sự xì xầm của mọi người, gặp tình huống đó, bạn sẽ ứng xử thế nào?
Im lặng. Tất nhiên. Chẳng lẽ ra đôi co với người ta? Mà dù có đôi co người ta cũng sẽ không hiểu. Trong những ngày đó, tôi tránh đến những nơi công cộng.
Đó là sự trốn tránh?
Không, đó chỉ là việc bạn không muốn tự làm tổn thương bản thân. Tránh càng nhiều sự tổn thương càng tốt.
Nói đến sự vượt qua, trong thời gian vừa rồi, không chỉ có Lê, mà nhiều người khác – là nghệ sĩ, là người của công chúng - cũng phải vượt qua, nhiều chuyện!
Sự vượt qua chỉ nên để dành cho những người thực sự gặp khó khăn và vượt qua, nó không dành cho những ai bắt buộc phải đối mặt với những gì mình gây ra. Người ta đã nói, gieo gió thì phải gặt bão, những việc mình làm ra thì phải chấp nhận hậu quả của nó. Đấy không được tính là sự vượt qua cũng như là bản lĩnh. Tôi nghĩ là như thế.
Quan điểm của Lê về vấn đề này có vẻ khá rõ ràng và khắt khe, nhưng là con người, ai cũng cần một sự bao dung?
Dĩ nhiên, việc tạo cơ hội, điều kiện cho mọi người là lòng nhân ái và cách nhìn của nhiều người về điều đó cũng khác nhau. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ rằng mình phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, với những gì mình tạo nên. Còn trong cuộc sống sẽ có rất nhiều điều đến với mình mà mình không lường trước được, cách tốt nhất là hãy tự rèn luyện hàng ngày.
Lê nói gì về việc kiện báo “NN VN”?
Việc tôi kiện báo “NNVN” đến giờ này đã kết thúc khoảng 2, 3 tháng rồi. Báo NNVN đã phải viết bài cải chính, xin lỗi, cũng như bồi thường những thiệt hại về nhân phẩm uy tín cho tôi. Sau đó hầu như các đầu báo về pháp luật đã đăng.
Nhưng có lẽ vì hằng ngày có hàng loạt những sự kiện, những tin tức liên tiếp xô nhau và không ai có thể dành thời gian để theo dõi một sự việc từ đầu đến cuối, nên có rất nhiều người đến giờ phút này vẫn không biết rằng là những người phao tin vịt, tiếp tay cho tin vịt đều phải trả giá cho hành động của mình. Đấy là một trong những điều mà đến giờ vẫn không thể giải quyết được, và bản thân tôi vẫn chịu thiệt thòi. Lê có cho rằng cách hành xử của mình là quá quyết liệt so với những người khác?
Có, tôi nghĩ là như thế. Và tôi nghĩ rằng nếu có điều kiện và nếu người ta cảm thấy quyền lợi về pháp luật của họ bị xâm hại, thì họ nên làm theo cách như thế. Đấy không chỉ bảo vệ một mình cá nhân mình, mà còn cho xã hội. Bởi nếu như tất cả những hành vi sai phạm trong cuộc sống đều được bỏ qua một cách dễ dàng như vậy thì sẽ không ai phải cẩn trọng với hành động của mình cả.
Nhưng những người có cách hành xử khác có thể lại cho rằng không hơi đâu phải làm những chuyện như vậy, miễn bản thân thấy thanh thản là được?
Làm như đã làm tôi thấy thanh thản! Tôi không thuộc người của giới giải trí. Tôi làm báo, làm truyền hình. Và phải nói thật rằng là, ai từng học ngành báo, biết được luật báo chí thì hiểu rằng bạn đang bị xâm phạm quyền lợi. Hơn nữa tôi yêu nghề của tôi, tôi muốn giữ sự trong sạch của nó trong mức có thể, và tôi không dung thứ cho những việc đó.
Có người tư lự: Biết đâu, sau những sự việc như thế người ta lại được biết đến nhiều hơn? Bạn nghĩ sao?
Bạn có thấy điều đó ngược quá với những logic bình thường không? Bản thân tôi, “scandal” theo ý nghĩa thông thường của người Việt – không phải theo nghĩa dịch ra từ tiếng Anh nhé - là một điều mà bất cứ một người nào muốn công tác nghiêm túc, làm việc nghiêm túc và có năng lực đều không muốn mắc phải.
Bởi vì để có được một chỗ đứng trong nghề nghiệp, họ đã phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức, đổ rất nhiều tâm huyết - để có được một chút ít thành công như họ mong muốn, thì không vì lí do gì họ đánh đổi nó, đánh mất nó, hay nói một cách khác hơn là để cho mọi người đánh giá sai về mình.
Không ai muốn trả cái giá quá đắt như thế cả. Và, như cách nói vui. Tôi không muốn nổi tiếng bằng một lệnh truy nã. Tôi cũng không muốn người ta nhắc đến Đan Lê là nhắc đến scandal.
Lê có nghĩ mình nổi tiếng hơn trước?
Tôi không so sánh.
Lê có vẻ rất cẩn thận?
Tôi là người cẩn trọng. Không phải là “rất”, mà chỉ là cẩn trọng. Có mâu thuẫn không khi một người cẩn trọng như thế lại gặp một tin đồn như vụ việc vừa rồi? Tôi không nghĩ là mâu thuẫn. Như tôi đã nói, tai họa là một thứ không thể nào biết trước được vì sao lại có và sẽ xảy ra lúc nào.
Lê đã nhiều lần phát biểu rằng mình là người kín tiếng, nhưng sự kín tiếng đôi khi cũng không phải là điều có lợi khi bạn là một người của công chúng và nhận được nhiều sự quan tâm.
Không có cái gì là có lợi hoàn toàn và cũng không có gì là bất lợi hoàn toàn. Với tôi, tất cả mọi việc đều là tương đối, và khi mình lựa chọn cách sống nào mình sẽ chấp nhận tất cả những điều tốt cũng như điều xấu nó mang tới. Nó cũng như một câu nói mà tôi tâm niệm: Làm cái gì không quan trọng mà làm như thế nào mới quan trọng.
Xin cảm ơn Đan Lê về cuộc trao đổi!
Trích H2T