(TT&VH) - Hôm qua 31/5, Sở Y tế TP.HCM đã công bố: chính thức phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam. Bệnh nhân là nam, sinh năm 1986, trú tại quận Tân Bình, là du học sinh bang Wisconsin của Mỹ, về từ sân bay Chicago đến Hong Kong rồi tới Việt Nam trong chuyến bay số 869 của hãng United Airlines ngày 26/5/2009. Đến thời điểm này tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới.
Nhân viên kiểm dịch ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trang bị để đưa hành khách có thân nhiệt cao đến nơi cách ly. |
Qua tình hình trên, Sở Y tế đã cùng với công an cửa khẩu và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế lấy lại danh sách hành khách đã đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Theo đó, có 188 hành khách đã đi cùng với bệnh nhân trên chuyến bay 869, trong đó có 55 hành khách lưu trú tại các tỉnh phía Nam, số còn lại lưu trú tại TP.HCM.
Sở Y tế TP đã triển khai cho 24 Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) quận, huyện để giám sát cách ly tại cộng đồng 7 ngày đối với những hành khách đi chung chuyến bay, nhằm theo dõi sức khỏe để kịp thời xử lý, tránh lây lan trong cộng đồng. Riêng danh sách 55 hành khách lưu trú tại các tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo cho Cục Y tế dự phòng và Môi trường của các tỉnh có liên quan tiến hành giám sát, cách ly.
Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân như người nhà bệnh nhân đã được cách ly tại bệnh viện, cho uống thuốc dự phòng, tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp phân tích sinh học phân tử (PCR) và cho kết quả âm tính đối với virus cúm A/H1N1. Mặt khác, những nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân này tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Nhiệt đới, TTYTDP quận Tân Bình và bộ phận kiểm dịch y tế trong chuyến bay ngày 26/5/2009 đã được TTYTDP thành phố hướng dẫn cách ly, phòng lây lan và đồng thời báo cáo tình trạng sức khỏe của các nhân viên này về TTYTDP thành phố và Sở Y tế khi có dấu hiệu bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn cùng với Bệnh viện Nhiệt đới, TTYTDP thành phố và Viện Pasteur để tìm giải pháp khống chế lây lan. Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước tình hình nghiêm trọng này, Sở Y tế thông báo đến người dân không quá lo sợ, nhưng cũng cần phải cùng ngành y tế thực hiện một số biện pháp phòng ngừa lây nhiễm nhiều bệnh trong cộng đồng không chỉ riêng đối với dịch cúm A/H1N1 như: Giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt mũi và miệng; vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tăng cường thông thoáng nhà ở, sử dụng các chất tẩy rửa Chloramin B, Javel để vệ sinh nhà và vật dụng.
“Hầu như 133 hành khách đi cùng bệnh nhân cúm A/H1N1 lưu trú tại TP.HCM và 5 thành viên trong gia đình bệnh nhân cùng tài xế taxi chở bệnh nhân này đã được kiểm soát toàn bộ. Đặc biệt, 5 thành viên trong gia đình bệnh nhân đã được cách ly và cho uống thuốc dự phòng, đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính” - ông Châu nói.
Các cảng hàng không hiện là nơi phát hiện nhiều ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 nhất. Sự kiện này cho thấy, người dân chưa thể thực sự yên tâm với công tác kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay để phát hiện sớm các ca nghi nhiễm cúm A/H1N1. Tại TP.HCM, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón từ 6.000 đến 7.000 lượt khách trong đó khoảng 2/3 số hành khách đến từ vùng dịch. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế dùng máy đo thân nhiệt để phát hiện những hành khách thân nhiệt cao. Do đó, những người nhiễm virus cúm nhưng chưa lên cơn sốt sẽ không được giám sát. |
Cũng trong ngày hôm qua 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký thông báo số 470-TB/BYT, yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau: yêu cầu 24 tỉnh, TP có số hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân trên khẩn trương giám sát chặt chẽ các trường hợp đã được thông báo trong vòng 7 ngày; Kể cả các thành viên trong gia đình đã tiếp xúc với hành khách, báo cáo hàng ngày về Cục YTDP&MT diễn biến tình hình của những người đã tiếp xúc trên. Tiếp tục thực hiện 3 khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch tại cộng đồng: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng mà đi từ vùng dịch thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị mắc bệnh; thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ biến chứng dẫn đến tử vong.
Theo tin mới nhận từ Cục Y tế Dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế, 24 tỉnh, thành phố có trường hợp liên quan đến bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam gồm: TP.HCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Được biết tình trạng bệnh nhân đầu tiên (L.Q.T.) nhiễm cúm A/ H1N1 tại TP.HCM cho tới tối qua 31/5 đã ổn định. Bệnh nhân không còn sốt, ăn uống bình thường và vẫn đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới.
Anh Đức - Phan Vũ - Khánh Vân