Trong vài năm qua, rất nhiều trường hợp xác cá voi khổng lồ dạt vào bờ biển Việt Nam đã được ghi nhận.
Chiều 20/1/2007, người dân thôn Nam Tiến (xã Ngư Thuỷ Nam, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) đã phát hiện một xác cá voi dài độ 15m, ước nặng trên 10 tấn trôi dạt vào bờ trong trình trạng mất hết phần đầu và phần đuôi, trên thân còn lưu lại vết hằn của dây cáp buộc và một đoạn dây thừng. Có thể cá voi này bị con người săn bắt. Các ngành chức năng đã chôn cá để bảo đảm vệ sinh môi trường (ảnh Vietnamnet).
Sáng 3/3/2009, một con cá voi khổng lồ đã chết trôi dạt vào bờ biển xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Xác con cá voi đã không còn nguyên vẹn, chiều dài đo được gần 12m, ước tính trọng lượng lên đến gần 10 tấn. Đặc biệt, lúc mới phát hiện con cá có cả một cái ngà dài 2m phía trên đầu (đã biến mất sau đó). Con cá xấu số đã được chôn cất để đảm bảo vệ sinh môi trường (ảnh Dân Trí).
Ngày 22/02/2010, ngư dân Bạc Liêu đã đưa một xác cá voi nặng gần 15 tấn, dài khoảng 16m cách cửa biển Cái Cùng, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) khoảng 26 hải lý vào đất liền trong tình trạng thân cá bị thối rữa một phần. Chính quyền địa phương đã cho xây mộ lộ thiên, trưng bày xương cá trong lồng kính để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và du lịch (ảnh Tuổi Trẻ).
Ngày 20/10/2010, nhân viên Khu nghỉ mát Thiên Đàng, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã phát hiện một con cá voi dài 4m, nặng nửa tấn, trên phần đầu và thân có thương tích nặng dạt vào bờ. Người dân đã chờ cho cá chết để tiến hành nghi lễ chôn cất theo phong tục địa phương.
Khoảng 18 giờ ngày 30/9/2010, ngư dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện một con cá Nhám voi dài 6m, nặng khoảng gần 4 tấn mắc lưới trong tình trạng suy kiệt, gần chết. Con cá đã được đưa vào bờ và cúng theo tục lệ. theo nguyện vọng của người dân, cá đã được bỏ nội tạng, giữ lại xác ướp phoóc-môn để trưng bày (ảnh Sở TN-VMT Bạc Liêu).
Ngày 3/7/2011 ngư dân P.Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện một xác cá voi dài hơn 12m, nặng trên 8 tấn cách bờ biển 60 hải lý. Theo tín ngưỡng địa phương, xác cá đã được kéo vào bờ tiến hành nghi lễ chôn cất trịnh trọng (ảnh Người Lao Động).
Từ ngày 18 - 20/12/2012, có 4 con cá voi gặp nạn ven biển Bạc Liêu, trọng lượng dao động từ 50-700kg. Ba con trong số đã chết, một con được cứu hộ thành công và trả về biển. Những con cá chết đã được chôn cất tại khuôn viên khu Quán âm Phật theo nghi thức của dân vùng biển (ảnh Khám phá).
Ngày 16/9/2012, xác con cá voi dài trên 12m, nặng trên 7 tấn đã trôi dạt vào gần cửa biển thuộc khu phố 13, thị trấn Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận). Cá voi đã được đưa vào bờ. tiến hành các nghi lễ truyền thống, sau đó an táng xác cá cách xa dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường (ảnh Lao Động).
Chiều ngày 10/2/2013 (mùng 1 tết), người dân thôn Quảng Gia, xã Điện Dương (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) nghe có mùi hôi lạ tỏa khắp thôn nên tổ chức đi tìm và phát hiện một xác cá voi trong giai đoạn phân hủy dạt vào bờ biển. Do đã chết rất lâu, thân thể cá không còn rõ hình hài. Nhiều người cao tuổi còn ước tính con cá này nặng vài chục tấn. Xác cá sau đó đã được người dân tổ chức lễ an táng chu đáo (ảnh Thanh Niên).
Sáng 15/10/2010, năm tàu tàu đánh cá của ngư dân biển xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã kéo một xác cá voi nặng hàng chục tấn từ ngoài biển vào đất liến. Vì lý do môi trường, cơ quan chức năng đã mổ cá tại bờ biển sau đó đốt, tiêu hủy phần thịt, cho toàn bộ xương vào bao tải, dùng ô tô chở về núi Rồng thuộc xã Tiến Thủy để chôn cất (ảnh Dân Việt).
Theo Kiến Thức