> Tàu hỏa húc xe tải, 3 toa lật nghiêng
Sau vụ tàu hỏa húc xe tải sáng 6/8 ở xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), hơn 300 hành khách đều bình an, nhưng người lái tàu, ông Trương Xuân Thức, đang phải vật vã với những vết thương trên khắp cơ thể.
Một phần ba cánh tay trái của ông đã bị cắt vì dập nát, được bó bột trắng xóa. Chân phải cũng bị băng vì cơ đùi dập nát, vỡ gót chân phải. Khuôn mặt có hàng chục mũi khâu ngang dọc. Đã sang ngày thứ sáu sau vụ tai nạn, ông Thức vẫn chưa nói được. Nhìn ông trên giường bệnh, người nhà và đồng nghiệp ai cũng rơm rớm nước mắt.
Ông Trương Xuân Thức đang được vợ chăm sóc tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Nhưng khi tàu qua khỏi khúc cua thì phía trước khoảng 100 mét xuất hiện một xe ben màu vàng đang cố băng sang đường sắt. Ngay lập tức, ông Thức kéo cần hãm độc và giữ chặt cần cho đến khi đầu tàu va chạm với xe tải.
Sau khi đâm và đẩy xe tải trên đường ray vài chục mét, đầu tàu cùng hai toa sau bị lật nghiêng. Tay chân ông Thức bị kẹt chặt bởi các thiết bị bên trong buồng lái, người ở tư thế treo. Phải nhờ một người dân ở huyện Duy Tiên dũng cảm lao vào cứu mới đưa được ông Thức đến bệnh viện.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho rằng, trong trường hợp gặp chướng ngại vật như vậy, ông Thức có thể hãm phanh rồi nhảy ra ngoài, hoặc gạt cần hãm độc, lùi lại khoảng 50 đến 70 cm thì sẽ không bị thương, hoặc nếu có chỉ bị nhẹ. Nhưng ngược lại, tốc độ đoàn tàu sẽ giảm rất chậm, và tai nạn sẽ vô cùng thảm khốc bởi sẽ không chỉ 3 toa bị lật như đã xảy ra.
“Nhưng anh Thức đã không làm vậy. Anh dùng hết sức mình để giữ chặt cần gạt hãm dù biết sẽ bị thương. Chính hành động của anh đã cứu hơn 300 hành khách trong chuyến tàu ấy”, ông Thông nghẹn ngào nói.
Ông Trương Xuân Thức bị kẹt trong buồng lái khi đầu tàu lật nghiêng. Ảnh: Quang Xuân. |
“Anh Thức đã chấp nhận hy sinh để cứu hành khách, cứu đoàn tàu. Khi đưa được anh ra khỏi buồng lái, chúng tôi đã mời các giáo sư, bác sĩ đầu ngành để cố giữ lại bàn tay trái cho anh, nhưng không thể. Anh ấy đã vĩnh viễn không thể lái tàu”, ông Thắng ngậm ngùi cho hay.
Người gầy rộc, mắt đỏ hoe, vợ ông Thức, bà Lê Kim Thoa kể lại bà đã gần như chết ngất khi tin nghe chồng bị nạn. Túc trực cả ngày ở bệnh viện, thấy ông ú ớ không nói được, nhăn mặt vì vết thương hành hạ, bà nhói lòng. “Ông ấy chẳng chịu ăn gì. Lúc ngủ vẫn còn giật mình vì trong giấc mơ vụ tai nạn khủng khiếp ấy vẫn cứ hiện về”, bà Thoa nói.
Bà Thoa đau đáu nỗi lo khi chồng, người kiếm tiền nuôi cả gia đình, sẽ không còn khả năng lái tàu. Bà chỉ là nhân viên tạp vụ cho một cơ quan nhà nước, thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi lại phải nuôi con gái duy nhất đang học cao đẳng năm thứ hai.
"Rời quân ngũ, anh Thức đi học lái tàu, rồi về học tiếp, thi lên phụ bậc 1 rồi phụ bậc 2. 22 năm công tác trong ngành đường sắt, anh Thức vẫn đạp xe đi làm. Vợ chồng sống tằn tiện và nuôi cô con gái đi học”, giám đốc Nguyễn Đình Thông nói.