[justify]Tại World Cup lần này, Hà Lan tiếp tục được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Ngoài một đội hình chất lượng như nhiều năm qua, đội bóng xứ sở hoa tulip đang phô diễn một sức mạnh tập thể và bộ khung được hình thành từ “bộ tứ siêu đẳng” Van Persie, Arjen Robben, Wesley Sneijder và Van der Vaart. Chính bộ tứ ấy là nền tảng cho lối chơi tổng lực mà người Hà Lan lâu nay vẫn tự hào nhưng chưa bao giờ về đến đích ở ngày hội bóng đá thế giới.[/justify]
[justify]“Chưa bao giờ chúng tôi có sự thống nhất cao cả về quan điểm chơi bóng lẫn sơ đồ chiến thuật với tư tưởng tấn công lẫn khả năng sáng tạo mà ai cũng thích thú và rất hưng phấn” – cầu thủ Van Persie đã bộc bạch như vậy. Cũng phải thôi bởi lẽ, nhiều lần trước, họ luôn gặp bất đồng và sự phân hóa từ nội bộ khiến lối chơi của Hà Lan không được phát huy hết hỏa lực. Trong suốt chiến dịch vòng loại World Cup 2010, dù chưa tái hiện hoàn toàn được lối chơi tổng lực nhưng sự hiệu quả và đẹp mắt (toàn thắng cả 8 trận, ghi 17 bàn và chỉ để thủng lưới 2 bàn) trong từng trận đấu của Hà Lan là điều không phải bàn cãi.[/justify]
[justify][/justify]
Lối chơi tổng lực của ĐT Hà Lan đang được những con người này kéo trở lại với NHM
[justify]Tiêu diệt kẻ ngáng đường[/justify]
[justify]Hà Lan là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng túc cầu giáo khi họ chưa bao giờ đoạt cúp vàng thế giới. Nhưng trước khi nghĩ tới những thử thách hạng nặng, Oranje cần phải triệt hạ 3 đối thủ nằm cùng bảng với mình là Cameroon, Đan Mạch, Nhật Bản. Tất nhiên, nếu đặt lên bàn cân, những đội bóng trên không thể sánh cùng Hà Lan. Tuy nhiên, trong bóng đá, khi mọi chuyện còn bắt đầu, thật khó để nói trước hay dự đoán chính xác điều gì. Cameroon – một trong những đại gia của bóng đá châu Phi với năm lần lọt vào vòng chung kết cùng thành tích cao nhất là vào tứ kết World Cup 1990. Dưới bàn tay của chiến lược gia người Pháp, Paul Le Guen, “những chú sư tử bất trị” càng cho thấy sự “ngang ngược” và khó lường của mình. Những cầu thủ thành danh ở châu Âu như Eto’o (Inter Milan), Bassong (Tottenham), Song (Arsenal), Makoun (Lyon)… đều sẵn sàng gây sốc trước Hà Lan hay bất kì đội bóng nào tại Nam Phi. Tương tự, Đan Mạch hay Nhật Bản đều có sự chuẩn bị tốt nhất cho World Cup lần này.[/justify]
[justify]“Chúng tôi chỉ có một nhiệm vụ, đó là trở thành nhà vô địch thế giới” – Đó là tuyên bố của HLV Van Marwijk trước khi cùng ĐT Hà Lan lên đường tới Nam Phi. Những trận giao hữu trong ít ngày qua càng như chất xúc tác mạnh mẽ cho tham vọng ấy của “những bông hoa tulip”. Ngay sau khi “hạ gục” Mexico với một đội hình không phải mạnh nhất, Hà Lan tiếp tục “hủy diệt” Ghana tới 4-1. Đáng mừng nhất trong trận đấu với “những ngôi sao đen” chính là việc những cầu thủ tấn công của họ đều “nổ súng”, từ Kuyt, Van der Vaart, Sneijder, van Persie (Robben không ra sân do đang chấn thương nhẹ).[/justify]
[justify]Khắc phục điểm yếu[/justify]
[justify]Trong khi nhiều đội đang cố tạo tâm lý tự tin cho cầu thủ thì HLV Van Marwijk lại chỉ ra một thực tế mà ông nghiên cứu được nơi đội Hà Lan: “Hà Lan là một quốc gia mà có người có óc sáng tạo mạnh mẽ. Nhưng chính điều đó đã tạo nên điều mà Johan Cruyff gọi là thói kiêu căng mạn tính trong bóng đá. Với World Cup này, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là không để thói tự mãn hủy hoại sức mạnh của đội tuyển”. Chính vì lẽ đó, HLV này đã có cuộc nói chuyện hàng giờ đồng hồ với “bộ tứ siêu đẳng” và yêu cầu họ phải luôn có thái độ tôn trọng các thành viên khác trong đội để tạo ra sự hòa hợp với tiêu chí quan trọng nhất là vì tập thể, vì đội bóng. Thậm chí, ông còn cấm họ “bàn tán” với đồng đội về mức lương cao ngất mà họ được hưởng tại các CLB. Ngoài ra, hàng phòng ngự cũng là một “tử huyệt” cần phải được khắc phục với Hà Lan. Ở vòng loại Andre Ooijer từng khiến các CĐV nước nhà phải lo sợ, nhưng tới Nam Phi, điểm yếu đó chưa chắc được “giấu đi” bởi Pepe chỉ trở lại sau thời gian dài chấn thương còn Heitinga hay van der Wiel đều không xuất sắc khi chơi vị trí trung vệ.[/justify]
[justify]Hà Lan năm nào cũng được đánh giá cao về chuyên môn và về những cá nhân xuất sắc nhưng hay gặp các vấn đề nội bộ. Năm nay thì “cơn lốc màu da cam” lại có thêm sức mạnh từ lối chơi tập thể. Chức vô địch duy nhất của Hà Lan tại một giải đấu lớn cho tới nay là vào Euro 1988 khi họ có những ngôi sao như Marco van Basten và Ruud Gullit. Hơn bao giờ hết, người dân xứ sở hoa tulip đang rất chờ mong vào một kì World Cup 2010 thành công của đội nhà với thứ bóng đá tổng lực năm nào.[/justify]