[justify]Phương pháp khoa học
Tính đến ngày 3-12, đã 44 ngày trôi qua kể từ khi chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân bị GĐ thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong rồi vứt xác phi tang, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Sáng cùng ngày, đoàn tìm kiếm thi thể nạn nhân gồm đoàn nhà khoa học Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và 8 thợ lặn chuyên nghiệp trường Trung cấp nghề GTVT Thăng Long tiến hành bằng phương pháp mới. Hơn 9g sáng, đoàn bắt đầu tìm kiếm từ cầu Thanh Trì.
Ông Hoàng Xuân Trịnh là người lập đàn cúng giúp gia đình.
“CATP Hà Nội đã mời các nhà khoa học vào cuộc, tiến hành khảo sát được hai ngày và trả lời được câu hỏi hung thủ có thật sự đã ném xác nạn nhân xuống sông hay không. Qua đo đạc và khám nghiệm hiện trường với máy bức xạ từ thứ cấp, chúng tôi xác định có dấu vết kéo tử thi qua lan can và ném xuống sông. Chúng tôi đo được đoạn sông từ cầu Thanh Trì tới Bát Tràng có phát hiện 5 địa điểm có dấu vết xác chết đã lưu lại trong quá trình trôi. Sau khi xác định được các vị trí có dấu hiệu thì đoàn tiến hành cho thợ xuống mò tìm luôn. Điểm gần nhất cách cầu Thanh Trì 700m xuôi dòng, tiếp theo là các điểm còn lại dọc bờ Bát Tràng.
Hình ảnh đoàn tìm kiếm trên sông Hồng chiều ngày 3-12. Trong ảnh, TS Vũ Văn Bằng (ngoài cùng bên phải) đang điều khiển máy bức xạ từ xác định vị trí.
Ảnh: Quân Nguyễn
Ảnh: Quân Nguyễn
Phương pháp tìm kiếm hoàn toàn dựa vào khoa học không phải là tưởng tượng, suy luận, phán đoán hay mang tính chất tâm linh, ngoại cảm. Máy bức xạ từ thứ cấp dựa vào hiện tượng vật lý của vật chất. Mọi vật chất đều bức xạ ra trường điện từ. Trường hợp các xác chết sẽ phát ra trường điện từ lớn gấp hàng nghìn lần so với người sống. Để nhận biết được từ trường đó thì chúng tôi dựa vào nguyên lý vật lý tương tác điện từ, dùng dòng điện để thử nghiệm. Tính chất của từ trường sẽ tác động vào dòng điện. Vì thế có thể phát hiện được xương cốt hoặc thi thể người đã mất dưới sông.” – TS Vũ Văn Bằng, thành viên Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết.
Hình ảnh đoàn tìm kiếm trên sông Hồng chiều ngày 3-12. Trong ảnh, TS Vũ Văn Bằng (ngoài cùng bên phải) đang điều khiển máy bức xạ từ xác định vị trí.
Ảnh: Quân Nguyễn
Ảnh: Quân Nguyễn
Ông Bằng cũng cho biết thêm, sau ngày đầu tiên tìm kiếm thì tất cả các điểm được đánh dấu và được xác định có dấu vết tử thi để lại trong quá trình trôi đều được nhóm thợ lặn mò, tìm cẩn thẩn nhưng chưa có gì mới. Tại 5 điểm đầu sau khi sử dụng mẫu nước khám nghiệm và máy bức xạ từ, nhóm thợ lặn sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các thiết bị chuyên nghiệp như quần áo chống áp suất, ống thở, kính mắt cùng xuồng, canô hỗ trợ xung quanh. Có nhiều điểm như điểm số 3, số 4 thì độ sâu lòng sông lên tới 16m khiến công tác mò, lặn khó khăn. Đội thợ lặn đã phải sử dụng tới những miếng chì nặng cả chục kg buộc vào chân, sử dụng tới các thiết bị chống áp suất dưới nước. Đồng thời, các thợ lặn liên tục thay phiên vì thời tiết cũng lạnh để công tác có thể tiến hành nhanh nhất có thể. Còn các vị trí khác, lòng sông có độ sâu đều khoảng 6-10m. Sau ngày đầu tiên đoàn đã tìm kiếm hết 5 điểm nhưng vẫn chưa có kết quả mới. Đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm ở các đoạn hạ lưu sông.
Một thợ lặn chia sẻ, nhóm thợ lặn đều đã thay phiên nhau xuống nhiều điểm khác nhau. Lòng sông cát phẳng và mịn không có gì. Theo kinh nghiệm các vụ trước thì lòng sông thường có các hiện vật như gạch, đá, bát, đĩa nhưng ở các điểm này không thấy có gì ngoài cát. Một điểm nữa là dòng nước tuy không dâng cao như mùa mưa nhưng lượng phù sa khiến nước đục rất khó nhìn. Thông thường bằng ống dây dẫn khí và đồ chống áp suất thì thợ lặn có thể ở dưới nước cả tiếng đồng hồ nhưng thời tiết khá lạnh và tính chất công việc nên mỗi thợ lặn sẽ xuống 10-15 phút rồi lên đổi thợ khác.
Khi xuống dưới đáy thì nhóm sử dụng một quả dọi buộc sợi dây chắc chắn rồi cầm đầu dây kia đi vòng quanh quả dọi một lượt tạo thành một vòng tròn bán kính khoảng 10m. Trong quá trình thợ lặn di chuyển dưới đáy và sử dụng dây dọi, nếu dây dọi cào dưới cát gặp vật thể gì thì thợ lặn sẽ biết và cảm nhận. Dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm thợ lặn sẽ phán đoán và tiến lại vị trí dây dọi va chạm với vật thể để xem đó là vật gì. Trong các điểm tìm kiếm ấy thì có điểm số 3 là sâu nhất gần 20m, thợ lặn xuống tới đáy khá chật vật và phải nhờ sự trợ giúp của các tấm chì buộc vào chân. Ống dây dẫn thở cũng được vận dụng hết công suất.
Lập đàn cầu siêu
Sáng ngày 3-12, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã tới chân cầu Thanh Trì lập đàn cầu siêu với hy vọng sẽ tìm thấy thi thể trước 49 ngày kể từ ngày mất. Ông Phạm Đức Quang là cậu ruột chồng nạn nhân cho biết: “Giờ giấc, địa điểm lập đàn cúng do nhà ngoại cảm chỉ định. Đến giờ họ sẽ tự đến, gia đình chúng tôi chỉ cần thuê tàu hút bùn. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì 14g tàu hút cát sẽ đến. Gia đình tôi vẫn chưa tin việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác cháu Huyền xuống sông để phi tang vì hơn một tháng qua, chúng tôi đã dùng hết các biện pháp tìm kiếm. Gia đình thường xuyên nhờ thuyền, xuồng nhỏ đi dọc sông xem thi thể cháu Huyền có dạt vào bờ nhưng đều không có dấu hiệu gì. Tới thời điểm này gia đình đang chuẩn bị 49 ngày của cháu Huyền nhưng việc tìm kiếm trên sông không thể lơ là”.
Tới 11g, vợ chồng ông Hoàng Xuân Trịnh – Nguyễn Bích Vân (người được ông Quang cho là nhà ngoại cảm) ở tổ 3, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tới chuẩn bị lễ lập đàn để hi vọng có thể tìm được xác chị Huyền. Mọi chi phí của buổi lễ đều do vợ chồng ông Trịnh ủng hộ. Một người thân của gia đình chị Huyền chia sẻ sau khi lập đàn cúng, gia đình sẽ tìm kiếm theo chỉ dẫn. Khi xác định vị trí tìm kiếm, chúng tôi sẽ thuê tàu sục xuống nước thổi cát rẽ ra sau đó thuê người xuống lặn tìm.
Bà Nguyễn Bích Vân dự tính đúng 14g buổi lễ lập đàn xong. Việc tìm kiếm bằng phương pháp sục bùn diễn ra ở khu vực chân cầu Thanh Trì.
Ngoài người nhà nạn nhân còn có GS Phan Văn Quýnh – nguyên giảng viên cao cấp khoa địa chất dầu khí của trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông Quýnh có một thời gian dài nghiên cứu về sóng điện từ và sóng địa chấn. Ông Quýnh nói: “Tôi có đọc tin tức biết rằng các nhà khoa học định tìm kiếm thi thể bằng phương pháp xét nghiệm mẫu nước và máy địa bức xạ từ thứ cấp. Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn vô ích”.
GS Phan Văn Quýnh phản bác phương pháp của TS Vũ Văn Bằng không hiệu quả.
Ông Quýnh giải thích, việc xét nghiệm mẫu nước không có hiệu quả gì vì cả khu vực sông rộng lớn như vậy, nước trôi chảy liên tục, không thể dùng một mẫu nước để biết rằng ở đó có thi thể hoặc từng có thi thể. Đó là chưa kể đến việc không thể xác định được đó có phải thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền hay không.
Về chiếc máy địa bức xạ từ thứ cấp của GS Vũ Văn Bằng, ông Quýnh cho rằng không thể tìm được thi thể vì việc xác định bằng sóng điện từ thì xương người hay xương động vật đều phát ra tín hiệu giống hệt nhau. “Trong trường hợp tìm kiếm này, kể cả có dùng máy rada phát tần sóng cực mạnh cũng chỉ phát hiện những vật phát ra phổ phản xạ chứ không thể dùng máy này mà tìm thấy được thi thể người chết”, ông Quýnh phân tích.
Ông Quýnh nói thêm, mọi vật đều có phổ phản xạ nên việc xác định được vị trí của thi thể không khác gì “mò kim đáy bể”. Việc đưa phương pháp mới của các nhà khoa học vào tìm kiếm cũng sẽ không thể đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ở diễn biến khác, TS Vũ Văn Bằng cho biết: “Đoàn và thợ lặn tiến hành rà soát và tìm kiếm ở các đoạn sông hạ lưu cách cầu Thanh Trì khoảng 20km xuôi theo dòng. Dù rất nỗ lực làm việc nhưng tới thời điểm hiện tại, nhóm thợ lặn và đoàn khoa học chưa có dấu hiệu gì mới”.
TS Vũ Văn Bằng cùng chiếc máy bức xạ từ thứ cấp dùng trong việc rà soát, xác định vị trí để thợ lặn mò tìm.
Tới 15g chiều 4-12, tàu hút thổi cát đã tới chân cầu Thanh Trì tiến hành theo nguyện vọng, mong muốn của gia đình. Công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn đang được các nhà khoa học, nhóm thợ lặn cùng gia đình nỗ lực tiến hành.[/justify]