Tin tức - pháp luật 2011-07-13 18:12:55

Vụ án oan hiếp dâm: Yêu không hối tiếc


Chỉ vì 2 chữ "tình yêu", cô mới vượt qua những rào cản sắt đá từ gia đình, dư luận để kết hôn với người đàn ông có HIV sau 10 năm đi tù oan trái.

Chỉ vì đôi mắt u uẩn của người con trai lạ cô nhìn trên mặt báo, cô đã mạnh dạn viết thư thăm hỏi. Chỉ sau một tháng nhắn tin, trò chuyện qua điện thoại, cô quyết định gặp mặt anh trong sinh nhật của mình và chấp nhận lời yêu từ anh.

Và cũng chỉ vì TÌNH YÊU, cô mới vượt qua những rào cản sắt đá từ gia đình, dư luận để kết hôn với người đàn ông có HIV sau 10 năm đi tù oan trái.

Tôi hẹn gặp chị Thủy tại spa của chị. Khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc của cô dâu mới lấp lánh suốt buổi trò chuyện. Thuỷ cẩn thận rửa những chiếc chiếc ly thuỷ tinh trước khi pha cho tôi một cốc café đen.

Tôi tranh thủ nhìn quanh phòng spa, hai chiếc giường trắng tinh quện mùi sâm thơm mát. Bình hoa Lan Tường mầu tím đặt trên bàn, mấy tờ tạp chí làm đẹp. Cuốn sách “Tình sử Angiêlic” của tác giả Sergeane Golon để riêng biệt với tập báo cũ, cuốn sách nằm sát chậu Trúc phong thuỷ, như thể trước khi tôi xuất hiện, chủ nhân của nó đã cầm đọc.

Thuỷ cho biết mình là người lãng mạn, yêu hoa Phong Lan tím, thích những câu chuyện cổ tích có Hoàng Tử, Công Chúa từ khi còn bé và cho đến giờ thì vẫn nhớ toàn bộ cốt truyện “Nữ hoàng Ai Cập”.

Chị sinh ra trong một gia đình 4 anh em, trên cô là 3 anh trai, gia đình chị ở ngay gần ga Yên Bái, nơi có tiếng ăn chơi và sầm uất nhất Thành Phố. Bố Thuỷ làm nghề quản lý thị trường, với cô, ông là người đàn ông hài hước, biết thương yêu con và nhường nhịn vợ. Ông là người lý tưởng và tuyệt vời nhất đối với cô. Còn mẹ Thuỷ, bà chỉ học hết lớp 2, làm công nhân, bà thẳng thắn, tốt tính nhưng giao tiếp kém và thiếu hiểu biết quanh mình. Thế nên, cuộc hôn nhân của bố mẹ đối với chị không phải là hôn nhân đáng ngưỡng mộ.

Khi còn là nữ sinh Trung học, chị có một mối tình đầu với lính, rất trong sáng và lãng mạn. Sự lãng mạn ấy chị giữ làm tính cách của mình cho đến ngày hôm nay. “Cuộc sống không là những câu chuyện lãng mạn, bay bổng nhưng cuộc sống cần chút mầu hồng chứ đừng cứng nhắc, máy móc.”

Thuỷ hồi tưởng về mối tình đầu: “Hồi ấy tôi đang là nữ sinh cấp III, anh là bộ đội đóng quân gần nhà, mỗi lần nghỉ cuối tuần, anh hay qua nhà tôi chơi.

Thấy tôi chẻ củi nấu cơm, anh tranh làm hết, rồi anh nấu cơm cho gia đình tôi ăn. Anh nói không muốn tôi vất vả, nếu sau này có về nhà anh ấy, cũng không muốn tôi làm những việc này, việc đó là của anh ấy. Hay là anh thấy tôi rửa tay, anh ấy rửa tay cho tôi… Anh vào Nam công tác, sau 3 năm thư từ thì tôi nghe anh có bạn gái, chúng tôi chia tay thật nhẹ nhàng”.

Chuyện Thuỷ lấy chồng, bạn gái thân khóc ngay tại rạp cưới, trách móc Thuỷ kín tiếng, dại dột. Họ hàng thân thích từ mặt… thế nhưng Thuỷ vẫn lạc quan mà rằng: “Rồi mọi thứ sẽ qua, ngày mai trời sẽ lại sáng.

Tình đến không là thơ

PV:- Vậy là tình duyên của chị bắt nguồn từ một bài báo. Chị có hay đọc báo không?

Thủy: - Tôi cũng hay đọc báo, vì công việc Spa này lúc nhàn rỗi lúc lại bận rộn. Tôi đọc bài báo viết về anh Tình, tôi đã thương cảm và nể phục anh. Bài viết cho thấy anh ấy đã trải qua những gian khổ, uất ức khi hoàn cảnh khách quan mang lại. Tôi còn nhớ chi tiết bài báo nhắc lại lời anh ấy: “Cháu bị oan, nếu các chú bắt cháu thì sau này các chú phải xin lỗi cháu”.

Câu chuyện của anh Tình làm xáo trộn tâm lý tôi rất nhiều. Tôi từng đọc những bài báo thương tâm, phía sau đó là những con người biết vươn lên, bài báo về anh Tình chỉ đơn thuần là sự chia sẻ. Tôi đi ra đi vào rồi cầm lại tờ báo đọc, nhìn lâu hơn vào đôi mắt tấm hình anh trên báo, một đôi mắt cho tôi cảm giác thân quen, đồng cảm. Nó chứa sự u uẩn. Tôi thấy mình muốn được chia sẻ, động viên, quan tâm đến anh ấy.

Tôi cũng nhìn hình ảnh bố mẹ anh, tôi đã nghĩ trong suốt 10 năm qua, ông bà đã mất bao nhiêu nước mắt để khóc thương con giai mình. Tôi bất chợt xé giấy rồi viết, rồi lại xé… Cứ như vậy, tôi đắn đo việc viết hay không. Tôi khóc, tôi thấy ngạc nhiên vì mình đã khóc và tôi quyết định viết một lá thư gửi anh ấy.

Trong bức thư, tôi đứng dưới góc độ một người bạn xa lạ, động viên anh ấy cố gắng vượt qua những khó khăn, sống tốt với đời. Tôi đã để lại số điện thoại của mình trên thư.

Bức thư gửi đi ngày 4-5-2010 thì ngày 7-5-2010 tôi đã nhận được một cú điện thoại lạ gọi đến, khi anh ấy xưng tên là Tình, tôi giật mình. Chúng tôi trò chuyện, nhắn tin hỏi thăm nhau từ đó, bố anh Tình cũng đã gọi điện cảm ơn tôi viết thư động viên anh ấy.

Một tháng quen anh Tình, tôi mời anh ấy đến dự sinh nhật mình, cũng là lần đầu tiên anh ấy và tôi gặp mặt nhau. Anh đến cùng một người bạn, ăn mặc khá trịnh trọng và tặng tôi hoa. Tôi thấy anh gầy và đen đúa. Anh ấy không để lại ấn tượng với tôi nhiều như khi hai đứa nhắn tin hay trò chuyện qua điện thoại. Dường như, con người thật và con người trên điện thoại kia hoàn khác nhau.

Một tháng nhắn tin qua lại với anh ấy tôi đủ nhận ra anh Tình là người chân thành, thật thà, cởi mở và hài hước, đó là tính cách mà tôi thích ở một người đàn ông. Nhưng về dáng vẻ bên ngoài thì anh ấy không phải hình tượng tôi thích. Tôi vẫn thường thích một người đàn ông cao ráo, lịch lãm, nhưng anh Tình lại có một tâm hồn đẹp…

PV:- Vì sao chị biết được tính cách một người đàn ông khi chị chỉ nhắn tin và trò chuyện với anh ta qua điện thoại trong một tháng?

Tôi là người hay hỏi, hỏi những điều tỉ mỉ, nhỏ nhặt. Nhiều người không hiểu sẽ cho rằng tôi tò mò. Nhưng vì mến nhau, yêu quý nhau qua điện thoại nên bắt buộc tôi phải hỏi chi tiết, tỉ mỉ như vậy. Vì chỉ có chi tiết mới nói lên được người đàn ông đấy như thế nào. Đàn ông, nhiều anh thường nói dối quen miệng (cười)

PV:- Chị và anh ấy có tình cảm với nhau nhiều không? Khi đó, chị đã biết anh có HIV chưa?

Thủy: - Thú thật là nhiều! Vì chúng tôi chia sẻ được mọi điều với nhau. Dự sinh nhật tôi về, anh đã nhắn tin “anh yêu em” và tôi cũng chấp nhận tình cảm của anh ấy.

Vài ngày sau đó, anh Tình có nhắn cho tôi một tin nhắn rất dài, tôi đọc xong cảm thấy bất an.

Vài hôm sau, anh gọi điện muốn gặp tôi “để chia sẻ một nỗi đau riêng”. Tôi cũng nói: “Em sẽ sắp xếp thời gian để chia sẻ nỗi đau đó với anh”.

Anh lại rào trước đón sau: “Dù khi gặp anh, em có thể hắt hủi, em bỏ mặc anh và đi về, anh vẫn chấp nhận”. Tôi nghe và cảm nhận thấy điều anh sắp nói không hề đơn giản. Tôi suy nghĩ, một người ở tù 10 năm, ra tù có rất có thể mang bệnh theo mình. Tôi nghĩ bị ung thư, cũng nghĩ anh mất khả năng sinh con, có khi nội tạng anh có vấn đề. 10 năm trong tù, mọi chuyện đều có thể.

Anh có hẹn tôi qua nhà anh. Tôi đi xe từ Spa của mình (trên đường Âu Cơ) về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), anh đi xe máy, đầu đội nắng, đi dép lê, áo mặc sơ mi phanh cúc hở chiếc áo may ô bên trong ra đón tôi. Đấy là lần thứ 2 tôi gặp anh ngoài đời, nhưng lần này tôi thấy anh ấy phong trần, có cái gì đó rất đàn ông, dễ gần hơn nhiều.

Chúng tôi về nhà anh ngồi trò chuyện, anh im lặng trong khi tôi hỏi anh rất nhiều. Một lúc sau, anh ôm tôi rất chặt và nói: “Em có biết rằng anh bị phơi nhiễm không?” Tôi lặng người trong vòng tay anh ấy và khóc rất nhiều sau đó.

…nhưng Yêu là Cưới!

PV:- Thật ra, 2 người mới quen nhau và có “tình ảo” với nhau qua điện thoại, vì sao chị không chọn phương án rút lui khi biết anh Tình có HIV, mà chị lại dấn thân? Liệu chị có nhầm tình thương với tình yêu hay không?

Thủy: - Một tháng nhắn tin đó cũng là hiểu thấu những suy nghĩ, cảm xúc của nhau. Khi anh ấy nói mình có HIV, tôi càng xót xa hơn cho anh hơn. Chúng tôi ra ngoài đi ăn trưa, tôi chỉ ngồi khóc.

Trước khi ra về, tôi có cài lại mấy khuy áo hộ anh. Tối hôm đó, anh nhắn tin rằng: “Anh thấy hạnh phúc và ấm áp, vì giữa phố đông, em cài khuy áo cho anh.”

Tôi yêu anh ấy như yêu một người khỏe mạnh, không có chút nhân nhượng với người có HIV gì. Tôi cũng nói: “Nếu anh để em thất vọng hay tổn thương thì em cũng sẽ chia tay anh”. Tôi không muốn tình yêu của mình bị tình thương lấn át.

PV:- Yêu vì thấy người đàn ông ấy thân quen, đồng cảm… Có phải chị thấy anh Tình giống cha của mình, vì con gái thường yêu người đàn ông mang hình dáng hay tính cách của cha mình.

Thủy: - Anh ấy không giống tính cách bố tôi. Đúng là tôi đã yêu cái không gian ảo của hai người khi nhắn tin cho nhau, ở đó chúng tôi có cảm xúc với nhau.

PV:- Trong thời gian đó, chị có nhiều người đàn ông thích mình không? Khi đó chị cũng 27 tuổi, ở quê, tuổi này cũng đã có chồng có con.

Thủy: - Khi đó, có một người muốn tôi cho anh ấy một cơ hội để đi đến kết hôn chứ không phải tôi không có ai yêu, mới đi yêu anh Tình (cười).

Trong ý niệm của tôi, không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ yêu hay lấy một người đi tù. Vì tôi cứ nghĩ “xã hội” trong tù kia sẽ ảnh hưởng ít nhiều vào con người ta chứ. Thế nhưng, ở anh Tình dường như là miễn nhiễm. Tôi không những nể phục mà còn thấy anh ấy có tính cách mà mình cần ở người đàn ông.

Tôi từ một cô gái làm thuê nghề Spa sạch sẽ với mức lương 1 triệu rưỡi, thuê nhà 600 ngàn, tiền ăn uống, quần áo, son phấn, tiền khóc cười phải chi tiêu trong 900 ngàn đồng. Tôi tự vay mượn tiền bạc, mở spa riêng cho mình trong khi những người bạn mình vẫn đang đi làm thuê.

Trong kinh doanh, có nhiều thứ không được như mình mong muốn, anh Tình phân tích rất rõ ràng các vấn đề tôi gặp phải… Tôi rất nể trọng những suy nghĩ của anh ấy, anh ấy như chỗ dựa

PV:- Chứ không phải anh là người lãng mạn ư? Vì chị vốn là người lãng mạn mà.

Thủy: - Anh ấy chỉ tặng hoa đúng một lần vào hôm sinh nhật đó thôi. Anh ấy không lãng mạn khi tôi là người lãng mạn. Khi yêu, chúng tôi khá thực tế mà không như các đôi trẻ chở nhau đi Hồ Tây hay quán café uống nước. Tôi rất nương và chiều theo anh, anh không thích chỗ đông đúc. Anh thích không gian ấm áp của gia đình.

PV:- Yêu nhau, anh chị có khó khăn khi quyết định kết hôn không?

Thủy: - Khi đến với nhau, chúng tôi đã rất dùng dằng vì anh Tình đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Anh Tình suy nghĩ cho tôi, không muốn đem thêm gánh nặng cho tôi khi anh ấy không trình độ, việc làm, tương lai… Anh nói: “Anh không muốn là con người ích kỷ”. Lúc đó, tôi chỉ biết im lặng, vì tôi biết nói gì đây? Tôi chỉ đến với anh bằng tình yêu rất đời thường.

PV:- Yêu anh Tình, biết chắc gia đình sẽ cấm đoán, tại sao chị vẫn lao vào?

Thủy: - Thời gian đầu, chỉ đấu tranh giữa hai đứa với nhau mà đã rất mệt mỏi. Tôi không nói chia tay hay là vẫn nói yêu. Tôi cứ để mọi việc bình thường diễn tiến theo tình cảm mặc dù có lúc tôi đã buông xuôi, đến đâu thì đến. Anh Tình thì vẫn khuyên: “Em nên suy nghĩ kỹ vì quyết định này là ở em.

Tôi nghĩ đến tương lai công việc của mình rồi sẽ khó khăn vì khi yêu, kết hôn với anh ấy, báo giới sẽ biết, khách hàng của tôi cũng sẽ bỏ tôi mà đi, vì dù sao vẫn còn sự kỳ thị trong xã hội. Cùng đó, gia đình tôi có thông cảm cho tôi hay không? Tôi đã phải giải quyết nhiều câu hỏi của anh ấy, của mình đặt ra. Có lúc anh ấy mệt mỏi quá, anh ấy nói: “Hai anh em mình làm 2 cái lễ đưa về 2 gia đình để xin làm con nuôi, vì có như vậy chúng ta vẫn được quan tâm đến nhau và nhìn thấy nhau.

PV:- Chị đã vấp phải sự cản trở quyết liệt từ gia đình mình thế nào?

Thủy: - Tôi đã bắt đầu gọi điện về nhà trò chuyện với mẹ, tôi tâm sự là mình có anh trai, một người anh rất tốt, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Mẹ có thể nhận anh ấy làm con nuôi được không? Vài ngày sau, tôi trò chuyện về việc anh Tình có HIV. Rồi mãi sau này, tôi tâm sự: “Mẹ ơi! Nếu con chót yêu anh trai rồi thì làm thế nào”. Mẹ tôi gào lên: “Tao cấm tuyệt đối mày đưa nó về đây, nó về lây bệnh cho cả nhà à?”

Nhiều lần sau đó, tôi đã phải giải thích cho mẹ rất nhiều bằng khoa học, bằng những ví dụ cụ thể. Mẹ hỏi chuyện con cái thì tôi cứ nói: Chúng con sẽ thụ tinh ống nghiệm hoặc con sẽ xin con nuôi.

Nhà tôi, bố đã mất chỉ còn mẹ, nên tôi muốn mẹ vui vẻ đồng thuận ủng hộ. Riêng với 3 anh trai và các chị dâu tôi quyết liệt khẳng định mình sẽ kết hôn với anh Tình. Một trong 3 anh tuyên bố phá nhà không cho cưới nếu chúng tôi vẫn tổ chức. Có anh không khuyên bỏ nhưng cũng không tác thành.

Nhưng cho đến khi một anh trai tôi nói: “Cô đến với người ta thiệt thòi rất nhiều. Anh không nói đến mặt tình cảm, tiền bạc, anh chỉ nói tới tương lai của cô thôi nếu cố chấp nhận, cô phải cố gắng đặt tất cả nghị lực của mình vào. Khi cô có con, cô mới xót xa cho nó. Khi con cô đi học người ta nhìn con cô, hoặc bạn bè con cô sẽ chế giễu con cô là: Bố mày là thằng tù, bố mày là thằng HIV thì lúc đó cô có chịu đựng được không?” Còn họ hàng như các cậu, mợ thì từ mặt tôi, họ không đến dự đám cưới…

Tôi chỉ suy nghĩ và làm theo những gì mình cảm nhận được trong cuộc sống. Có những người không trải qua sóng gió nên không biết trân trọng những thứ hiện hữu bên mình. Thậm chí có những người hạnh phúc ngay bên cạnh còn không biết mà gạt bỏ đi.

Tôi kiên quyết nên mọi người cũng phải dịu đi, trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời thôi. Tôi biết các anh trai tôi trách mẹ đã không cản tôi đến cùng. Ngày cưới của mình, mấy cô bạn thân giận dỗi và hờn trách khi tôi đến với anh Tình. Còn anh trai đòi “phá đám cưới” thì không về dự, anh ấy lấy lý do bận rộn.

Tôi chỉ đỡ tủi hơn khi anh ấy gọi điện về dặn: “Cô đã quyết tâm như thế rồi anh sẽ không nói gì nữa, nhưng anh chỉ muốn là cô hãy chứng minh cho mọi người thấy cô sống hạnh phúc và chứng minh cho mọi người thấy không ai cần phải lo lắng cho cô nữa. Đó là điều cô cần phải chứng minh cho mọi người thấy.”

Đúng là: “Yêu là không nói từ hối tiếc” (Cười!)

Và hồn nhiên tiếp nhận kỳ thị

PV:- Chị về làm dâu, gia đình nhà anh Tình cũng vui nhà vui nhà hơn ấy nhỉ?

Thủy: - Bố mẹ tôi tính vui lắm, em dâu tôi cũng lém lỉnh nên trong nhà cũng nhiều tiếng cười đùa. Về làm dâu, tôi thấy bố mẹ tôi khỏe ra, vui hơn, sự u uẩn trên nét mặt đã dần vơi đi, không còn hằn sâu nữa.

Ở với bố mẹ chồng thật nhưng tôi có cảm giác đó là bố mẹ mình chứ không có sự xa cách con dâu. Quan điểm của tôi về bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng đều gọi hai từ “bố mẹ”. Tôi biết ơn bố mẹ đã sinh ra anh Tình, nếu không sao tôi có thể gặp và yêu anh ấy được. Bố mẹ tôi đã rất khổ cho đến bây giờ mới nhàn một chút, nhìn khuôn mặt hai người đều già hơn so với tuổi thật.

PV:- Bản thân chị công khai mình là vợ người có HIV với báo chí truyền hình, công việc Spa của chị có bị ảnh hưởng không?

Thủy: - Ngày hôm nay lại có thêm môt khách hàng của tôi trả lại thẻ, họ chỉ nói “Thuỷ thông cảm, chị không thể đến được với Thuỷ nữa” nhưng tôi hiểu là họ e ngại, kỳ thị. Điều này khiến tôi rất buồn và chạnh lòng, cứ buồn miên man vậy. Nhưng tôi chấp nhận, tôi đã đoán trước được vấn đề này nên tôi phải cố gắng tiếp nhận nó một cách hồn nhiên thôi. Vì ngay như ở những nước phương Tây còn có sự kỳ thị huống hồ một nước như Việt Nam mình.

PV:- Công việc gặp khó khăn như vậy, chị có định chuyển nghề không?

Thủy: - Tôi yêu anh Tình bao nhiêu thì yêu cái nghề này cũng không kém là mấy. Nhưng nếu như không thể theo được thì chắc tôi sẽ phải chuyển, sau này người ta bớt kỳ thị mình sẽ mở lại.

Tôi có trêu mẹ: Nếu con không làm Spa nữa, mẹ dậy con trồng rau, con làm nghề nông cũng tốt. Thế nhưng cũng có nhiều khách hàng biết về con người tôi, về chuyện tôi yêu và kết hôn với anh Tình, họ lại quý và ủng hộ tôi hơn bằng cách mua thêm thẻ để dùng. Có một khách hàng ruột của tôi từ nhiều năm nay, chị là giảng viên Đại Học. Chị động viên tôi và nói quý tôi hơn vì tôi có nghị lực khi kết hôn với người có HIV. Chị cũng tin đạo đức nghề nghiệp của tôi, nếu như biết bản thân có HIV, tôi sẽ tự bỏ nghề vì giữ an toàn cho khách hàng.

PV:- Bản thân anh Tình lại không gặp phải sự kỳ thị, được biết, anh Tình làm Đại lý sơn cho hãng sơn Pháp cho nhà Việt?

Thủy: - Vâng! Họ biết hoàn cảnh và đầu tư hoàn toàn cho anh Tình. Đại lý sơn cũng ngay gần nhà. Một cái làng đến 1/3 số người trong làng là họ bên nhà mẹ, còn 1/2 số người còn lại là họ bên nhà bố anh ấy rồi. Tôi thấy hàng xóm láng giềng đều quý mến anh ấy, thương anh ấy nhiều lắm.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)