"Du khách không mua vé thám hiểm, vượt thác của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Hướng dẫn viên đã đưa họ đi dạo ở khu thác nguy hiểm", đại diện đơn vị quản lý khu du lịch Datanla nói.
Sáng 27/2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp khẩn cấp sau khi xảy ra sự việc 3 khách du lịch nước ngoài tử vong tại thác Datanla (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Cuộc họp có sự tham gia của các ngành liên quan cùng những công ty khai thác du lịch, lữ hành tại tỉnh này.
Ba du khách người Anh tử nạn tại thác Datanla được xác định không mua vé thám hiểm thác. Ảnh: Ngọc An.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở, Công ty du lịch Đam Mê là đơn vị trực tiếp bán vé cho các du khách tử nạn. Công ty có giấy phép kinh doanh và đủ điều kiện khai thác loại hình du lịch mạo hiểm, leo núi, vượt thác, dạo rừng.
Hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ (26 tuổi, quê Gia Lai) là người trực tiếp hướng dẫn nhóm du khách tham quan. Người này cũng được Sở VHTTDL Lâm Đồng cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế năm 2015. Tuy nhiên, người đại diện Công ty Đam Mê và hướng dẫn viên không đến cuộc họp sáng nay.
Bà Nguyên nói: “Hướng dẫn viên khai nhận khách đến khu vực thác và trượt chân ngã. Vậy nhưng cần chờ kết quả và thông tin chính thức từ cơ quan điều tra".
Theo bà, trong sáng 27/2, lãnh sự quán Anh tại TP HCM đã đến Lâm Đồng để làm việc. Chiều cùng ngày, đại sứ quán Anh tại Hà Nội cũng có mặt tại Lâm Đồng để đến ghi nhận hiện trường vụ tai nạn. Họ sẽ làm việc với các cơ quan địa phương tại UBND tỉnh.
Khu vực thác xảy ra tai nạn. Ảnh: SGGP.
Sau khi tai nạn xảy ra, nhà chức trách tìm thấy những tấm vé du lịch mà các du khách nước ngoài mua. Theo đó, những người này không mua vé vượt thác mà chỉ mua vé dạo rừng phát hành tại Công ty Đam Mê.
Khu du lịch Datanla thuộc quản lý của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Sau tai nạn, công ty này đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan xử lý vụ việc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng điều hành Công ty Du lịch Lâm Đồng nói: “Nhóm du khách mua vé dạo rừng tại Công ty Đam Mê và không hề mua vé thám hiểm, vượt thác của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Hướng dẫn viên đã đưa họ đi dạo ở khu thác nguy hiểm. Do vậy, người hướng dẫn có lỗi lớn trong vụ việc".
Theo ông Quang, tai nạn cướp đi sinh mạng 3 du khách đã cho ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng bài học đắt giá về cách quản lý và phát triển du lịch tại địa phương.
Tỉnh này hiện có khoảng 12 công ty lữ hành, du lịch quốc tế. Trong đó có 8 công ty đăng ký loại hình du lịch mạo hiểm. Vậy nhưng các công ty tiếp nhận, hướng dẫn du khách chưa khoa học, chưa đề cao trách nhiệm.
Công ty du lịch Đam Mê tại Đà Lạt là đơn vị trực tiếp bán vé và cử hướng dẫn viên đưa 3 du khách đi dạo rừng. Ảnh: Ngọc An.
Theo đại diện công ty chuyên khai thác loại hình du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng, nhiều hướng dẫn viên chưa được đào tạo chuyên nghiệp vẫn được nhận vào làm việc. Có những đơn vị tiếp nhận từ 15 - 20 hành khách nhưng chỉ 2 người hướng dẫn thì không thể quản lý, đảm bảo an toàn.
“Du lịch Lâm Đồng đang phát triển du khách quốc tế với mức xấp xỉ 7% và kế hoạch thời gian tới kéo lên 12%. Vậy nhưng du lịch lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho du khách thì khó có thể phát triển”, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTTDL quan ngại.
Sự việc xảy ra trưa 26/2 khi 3 du khách người Anh đến thác Datanla (TP Đà Lạt) thì gặp nạn tử vong. Các nạn nhân gồm Anderson Beth Giserne (nữ 25 tuổi), Squire Isoben Mackensie (nữ, 18 tuổi) và Sloan (nam, 25 tuổi). Khuya cùng ngày, thi thể họ được lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng di chuyển về TP HCM để người thân sang tiếp nhận.
Ông Mai Viết Đ.ảng - Chánh thanh tra Sở VHTTDL cho biết, qua đầu tuần UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra tất cả điểm, khu du lịch trên địa bàn. Trong đó, đoàn sẽ chú trọng vào các phương tiện trong khu du lịch, các khu du lịch có trò chơi mạo hiểm. Trong quá trình kiểm tra nếu đơn vị nào vi phạm sẽ cho tạm dừng đến khi nào đủ điều kiện mới cho hoạt động trở lại.
Theo ZingNews.