Nhà ảo thích hơn nhà mình
4 giờ sáng, đang còn say ngủ thì anh Minh giật bắn vì tiếng chuông điện thoại. Là giọng thất thanh của chị Hằng, vợ anh, đang công tác tỉnh xa: “Anh, mở máy, vào Facebook thu hoạch quả giúp em! Chậm năm, mười phút là người ta vào hái hết của em đó. Nhanh lên anh, ở ngoài này em không vào mạng được”. Bực mình vì đòi hỏi hết sức vô lý của vợ, nhưng anh Minh cũng lọ mọ vào mạng. Xong nhiệm vụ, anh lại nhận tiếp tin nhắn: “Sẵn anh sang mấy vườn nhà kia, giờ này chưa ai dậy đâu, hái trộm giúp em, vậy mới đủ tiền cho em mua thêm đất”. Làm xong vụ ăn trộm, anh Minh mới có thể tiếp tục giấc ngủ. Lên cơ quan, nghe mấy đồng nghiệp nam ca thán vợ họ mua sắm quần áo xa xỉ chật cả tủ, nghĩ lại vợ mình, anh Minh thở phào: “Thôi, vậy cũng hơn là đổ tiền vào cái đống quần áo, mỹ phẩm tốn kém kia”.
Nhưng thói mê game của chị Hằng lắm khi làm chồng con lao đao: nhiều hôm vừa mở cửa vào, khét lẹt cả nhà là nồi cá kho cháy đen, còn vợ đang mải mê làm món bánh bông lan cho nhà hàng ảo trên mạng. Có hôm thấy hai mắt vợ thâm quầng, mặt hốc hác vì những đêm thức trắng lên mạng, anh Minh trách: “Em xem mấy cái nhà trên mạng hơn cái nhà của mấy bố con anh”, chị Hằng vẫn điềm nhiên “chỉ là trò chơi thôi mà”.
Một hôm mẹ chồng lên thăm, thấy con dâu cứ cặm cụi bên máy tính, bà cụ tranh thủ dọn dẹp, chợ búa, nấu nướng giúp. Về nhà thấy chỉ có mấy bà cháu quây quần bên mâm cơm, anh Minh hỏi vợ đâu, bà cụ chỉ vào phòng, “cô ấy bận làm cái mô hình chi đó”. Nóng tính, anh Minh giựt cái laptop vợ đang chơi, quăng xuống đất. Trận chiến giữa hai vợ chồng họ thật sự bùng nổ. Anh Minh hối tiếc vì đã không can vợ ngay từ đầu để dẫn đến cảnh hôm nay.
Lấy game làm chồng
Từ lúc được đề bạt lên chức giám đốc quảng cáo của một tập đoàn nước ngoài, hầu như chưa có hôm nào anh Quân về nhà trước 11 giờ đêm. Một tuần hết bảy bữa, mâm cơm dọn sẵn trên bàn thì chị Thuỳ nhận tin nhắn của chồng: “Anh tiếp khách, về muộn”. Cả tháng hai vợ chồng mới có dịp đi chơi với nhau, nhưng vừa dắt xe ra cổng, anh Quân lại có điện thoại, phải xử lý gấp sự cố ở công ty. Vậy là Thuỳ phải ngồi nhà đợi chồng đến khuya vẫn chẳng thấy bóng anh đâu.
Mua sắm, càphê với bạn hoài cũng chán, chị lò mò lên mạng, rồi được người bạn chỉ cho một vài trò chơi. Một thế giới khác rộng mở. Ban đầu chị chơi làm vườn, trồng cây, xây nhà, nuôi thú vật. Dần dà, chị bị cuốn vào những chiếu bạc, lúc ăn mấy chục đô, khi thua cả trăm đô. Thuỳ như con nghiện, chị xin nghỉ ốm cả tháng trời, ôm máy tính và dính vào mấy quân bài từ sáng đến khuya, quên cả ăn uống. Bẵng đi một thời gian không thấy những cuộc gọi, những tin nhắn giận hờn của vợ, Quân sinh ngạc nhiên. Anh về nhà lúc nào cũng có vợ sẵn trong phòng, nhưng vợ dường như không đoái hoài đến sự có mặt của chồng! Lần nọ ra ngân hàng, Quân bần thần không hiểu vì sao tài khoản chung của hai vợ chồng vốn cả trăm triệu trước đó nay bị âm. Tìm hiểu anh mới vỡ lẽ vì vợ chơi bài trên mạng, thua sạch! Nặng, nhẹ khuyên nhủ nhưng vợ không nghe, anh Quân tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ cứu giúp. Mọi thủ thuật cứu giải đều không thành, chị Thuỳ giờ như một cái xác chỉ biết chơi game. Đường cùng, anh Quân đưa đơn xin ly dị ra doạ, không ngờ Thuỳ điềm nhiên ký vào.
Nói chuyện với luật sư, Quân chỉ có khóc: “Tại tôi ham công việc, cứ nghĩ làm ra nhiều tiền để lo cho gia đình, không ngờ sự cô đơn đưa vợ tôi vào thế giới ảo rồi sống luôn trong đó”.
Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, hội Liên hiệp thanh niên Việt nam, chia sẻ: “Ma tuý, game, mạng ảo… thứ nào cũng nguy hiểm một khi con người ta đã nghiện chúng. Chính sự yêu thương chiều chuộng thái quá của người chồng đã làm hư người vợ. Hay như sự thờ ơ của chồng, chỉ quan tâm đến sự nghiệp, công việc đã làm cho người vợ cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Và trong sự cô đơn đó, con người ta sẽ tìm cho họ hướng giải toả, có thể là ngoại tình, hoặc thú vui riêng như chơi game, để rồi sinh nghiện. Khi trách cứ một hành vi xấu của ai đó, hãy xem xét ngọn nguồn gây nên. Nghiện bất cứ thứ gì cũng đều khó chữa trị, cho dù đó chỉ là một trò chơi. Tốt nhất, người thân trong nhà nên nhẹ nhàng khuyên bảo, và tìm một bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý giúp họ trị liệu cho con bệnh. Quá trình điều trị là cả một thời gian dài, trong đó luôn kèm theo sự yêu thương, khuyến khích con người ta vượt qua, để trở về với bản thân họ trước kia”.