Để rồi sau gần 7 năm nhẫn nhịn chung sống với người vợ bạo lực, anh Hạnh trở thành người đàn ông lầm lì, ít nói, lúc nào cũng thui thủi một mình và mắc bệnh trầm cảm…
Anh Hoàng Văn Hạnh (trú tại 139 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, quê ở Hải Dương.
Cả nhà có 4 anh chị em, trong đó anh Hạnh là con trai trưởng. Phải cố gắng lắm, gia đình anh mới chu cấp được cho anh Hạnh xong cao đẳng nhưng sau khi ra trường, vì không có tiền xin việc nên anh Hạnh phải bươn chải nhiều nghề kiếm sống.
Năm 2001, sau gần 1 năm ra trường chỉ đi bán hàng thuê hoặc phụ giúp ở các công trường xây dựng, anh Hạnh được một người bạn thương tình, xin vào phụ giúp ở một cơ quan nhà nước.
Ban đầu cũng chỉ loay hoay giấy tờ, quét dọn, nước nôi, về sau nhờ sự kiên trì và khéo léo, anh Hạnh được nhận vào làm biên chế chính thức với mức lương 1 triệu/1 tháng.
Đến năm 2003, anh Hạnh tình cờ quen với Mai, một cô gái người Hà Nội đang làm kế toán cho một công ty chuyên kinh doanh hàng may mặc. Mai là một cô gái xinh xắn, con nhà giàu, ăn mặc sành điệu và kém anh Hạnh 2 tuổi.
Ngay từ khi mới biết nhau, anh Hạnh đã chắc mẩm một điều, anh không phải là mẫu người đàn ông mà Mai thích, còn Mai cũng không phải là người phụ nữ dành cho anh.
Ai ngờ, đứng trước một người đàn ông có phần “khù khờ”, chất phác, Mai lại động lòng.
Trước giờ, cô đã quá quen với những gã đàn ông mới gặp lần đầu đã phải quỳ sụp dưới chân cô, lại càng quen với việc đi đến đâu là có người săn đón đến đó.
Thấy anh Hạnh là người hiền lành, lễ nghĩa lại luôn giữ khoảng cách và không có vẻ là động lòng trước cô, Mai cảm thấy vô cùng thú vị. Thay vì được người khác đeo đuổi, Mai dạn dĩ trò chuyện và chủ động nói lời yêu anh Hạnh.
Với xuất thân bần hàn, lương không đủ sống, đừng nói chuyện lập gia đình, ngay cả mong ước có bạn gái vẫn là điều “xa xỉ” với anh Hạnh. Nhiều lúc anh tự nhủ thầm sẽ không bao giờ yêu và kết hôn nếu như không thể tạo dựng được kinh tế ổn định.
Nhưng đứng trước một người con gái “trong mơ” như Mai, anh Hạnh không thể không động lòng. Người con gái đó đã dạy cho anh Hạnh biết thế nào là “yêu” trong một lần quá chén, không thể làm chủ được mình. Kết quả, Mai đã có thai và hai người làm đám cưới.
Mặc dù là đám cưới ngoài ý muốn nhưng anh Hạnh vẫn vô cùng hạnh phúc vì điều mà trước đây anh luôn mơ ước đã trở thành sự thật.
Anh Hoàng Văn Hạnh |
Ngoài công việc hiện tại, anh Hạnh còn xin làm thêm đủ thứ với hy vọng sẽ lo được cuộc sống dư giả cho vợ con.
May nhờ với mức lương cao của vợ, cộng thêm sự nỗ lực của chồng, đời sống của hai vợ chồng anh không có gì đáng chê trách.
Nhưng cưới nhau chẳng được bao lâu thì anh Hạnh mới nhận thấy sự khác biệt giữa suy nghĩ và cách sống của hai vợ chồng.
Anh là người sống vì gia đình, ngoài việc lo kiếm tiền, anh luôn chú tâm chăm sóc Mai và đứa con trong bụng. Nhưng vợ anh thì không như vậy.
Thói ăn chơi, đàn đúm của cô vợ trẻ mới kết hôn vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí đang mang thai mà ngày nào cô cũng đi nhảy nhót đến khuya mới về nhà.
Lo cho vợ, lo cho con, đã nhiều lần anh Hạnh nhỏ nhẹ khuyên nhủ vợ nhưng cái anh nhận định chỉ là ánh mắt khinh bỉ và những lời chửi bới thoát ra từ cái miệng xinh xắn của vợ anh. Dù rất tức giận nhưng nghĩ cho con, anh Hạnh đành cố nhẫn nhịn vợ mình.
Sự khác biệt trong cách sống đã dẫn đến những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng.
Đã cố gắng kiềm chế rất nhiều, nhưng anh Hạnh vẫn thường bị vợ chì chiết là không biết cách làm chồng, làm cha. Khi nóng giận, chị Mai đay nghiến anh vì cái “tội” không biết kiếm tiền.
Anh là một nhân viên nhà nước bình thường, trong khi đó vợ làm bên kinh doanh nên thu nhập cao gấp ba, bốn lần lương của anh. Chính vì vậy mà chị Mai càng được cớ có thái độ coi thường chồng ra mặt.
Vợ anh luôn mang chồng ra so sánh với người này, người kia, với chồng của cô này, cô nọ và dùng những lời lẽ nặng nề xúc phạm chồng.
Chị Mai mắng chửi anh Hạnh là kẻ bỏ đi, là người đàn ông kém cỏi, thất bại, không lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ, đã vậy sau khi cưới còn phải dọn đến sống cùng và ăn bám gia đình nhà vợ.
Anh Hạnh nhiều lần ráng nhịn vì nghĩ rằng vợ mình đang mang thai, công việc của vợ lại căng thẳng nên mới trút giận lên mình.
Vả lại nhịn cho yên ổn chứ nói ra thì chính bản thân anh Hạnh cũng cảm thấy mất mặt, nên đành mong chờ đến lúc vợ anh sinh con xong sẽ vì gia đình mà thay đổi bản thân.
Nhưng những hy vọng đó chỉ là hão huyền. Sau khi sinh con xong, chẳng những chị Mai không lo cho gia đình mà còn đi chơi nhiều hơn trước.
Sau gần 3 tháng kiêng cữ xong, vợ anh Hạnh giao đứa con còn đỏ hỏn cho chồng chăm sóc, còn mình thì lo đi giảm cân, làm đẹp và tụ tập chơi bời. Không thể nói nổi vợ, nhưng thương con, anh Hạnh lại phải xin nghỉ phép để ở nhà chăm con nhỏ.
Một tay anh bế ẵm, cho con ăn, thay tã, giặt giũ mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào. Từ ngày anh cưới Mai rồi chuyển về nhà bố mẹ Mai sinh sống, cả hai ông bà cũng khinh miệt chàng rể ra mặt.
Chẳng qua họ đồng ý cho cưới vì chị Mai đã trót có bầu, cứ chẳng phải vui vẻ gì. Sống trong căn nhà tiện nghi nhưng anh Hạnh như một người không hề tồn tại.
Không ai nói hay hỏi han anh bất cứ câu nào, còn khi anh quan tâm đến bố mẹ vợ thì ông bà càng tỏ ra khó chịu.
Ngay cả những khi chị Mai bỏ con đi chơi về muộn, quá nóng giận anh Hạnh trách mắng vợ vài câu thì chị cầm ngay chiếc cốc bên cạnh ném thẳng vào đầu anh chảy máu.
Tức giận, anh Hạnh định giơ tay lên đánh vợ, nhưng kịp suy nghĩ lại, anh lại thôi. Chẳng ngờ vợ anh bù lu bù loa lên nói chồng đánh mình rồi lao vào cấu xé anh đến chảy máu. Anh Hạnh lại đành phải nhẫn nhịn để cho qua chuyện…
Thời gian cứ trôi đi và cho đến giờ, con gái anh Hạnh đã gần 7 tuổi. Bao nhiêu năm chung sống là từng đấy năm thường xuyên xô xát, cãi vã và lúc nào người bị thương tích cũng là anh.
Sống trong cảnh bị vợ mắng chửi, nhiếc móc, sỉ nhục và thậm chí là đánh đập đã khiến anh Hạnh không chỉ đau đớn, thất vọng mà thực sự thấy bị xúc phạm và tổn thương sâu sắc.
Nhiều lúc không thể chịu đựng nổi, anh chỉ muốn bỏ nhà ra đi hoặc tìm cái chết để thoát nợ. Dần dần, anh rơi vào trạng thái bị rối loạn tâm thần.
Đó là vào một ngày cách đây gần 1 năm, khi chị Mai trở về nhà trong bộ dạng say xỉn. Quá quen thuộc với hình ảnh đó nên anh Hạnh không nói gì, chỉ ôm con về phòng ngủ.
Thấy thái độ của chồng, chị Mai thấy như bị xúc phạm khi anh Hạnh không thèm đếm xỉa gì đến chị nên lớn tiếng quát tháo.
Nói nhiều, chửi nhiều mà anh Hạnh vẫn im lặng, không tỏ bất cứ thái độ gì nên chị Mai “điên tiết” lên đã lấy cả cái ghế phang vào đầu anh, khiến anh Hạnh ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Theo chuẩn đoán của các bác sỹ, anh Hạnh bị chấn thương vùng đầu, cộng với tâm trạng buồn chán, tổn thương nên anh đã rơi vào trạng thái rối loạn, u uất và dẫn đến trầm cảm. Cũng từ ngày đó mà anh Hạnh sống lầm lì, ít nói, lúc nào cũng thui thủi một mình và ngơ ngơ ngác ngác.
Thấy tình trạng của chồng, ban đầu chị Mai cũng tỏ ra hối hận, lo chạy chữa thuốc thang cho anh, nhưng sau một thời gian không thấy hiệu quả, chị lại đâm ra chán nản.
Vẫn tật cũ, cứ sau giờ làm là chị bỏ nhà cửa, chồng con để đi vũ trường nhảy nhót, uống đến say xỉn mới về nhà.
Từ ngày anh Hạnh mắc bệnh, con gái nhỏ côi cút không người chăm sóc đã đành, giờ phải lãnh cả trách nhiệm trông nom bố. Nhiều lúc thương bố, con gái cứ ôm lấy anh Hạnh mà khóc, và bất chợt nước mắt anh Hạnh cũng tuôn rơi…
“Thấy cảnh con mình thì bệnh tật, cháu gái thì phải vất vả vừa đi học vừa trông bố mà tôi xót quá.
Cái Mai thì chẳng thèm quan tâm gì rồi, trước giờ nó có bao giờ đả động gì đến chồng hay con đâu. Thương con, thương cháu nên dù khó khăn, nghèo đói tôi vẫn phải đón bố con nó về quê sống.
Giờ thì thằng Hạnh đã đỡ hơn trước nhiều, tuy vẫn còn ít nói và lầm lì nhưng nó đã biết lo cho con bé, biết cười nói với mọi người.
Hồi trước cứ tưởng rằng lấy vợ xong sẽ được sướng hơn một tí, nào ngờ lại bị nó đánh ra nông nỗi này… rõ khổ” – Mẹ anh Hạnh ngậm ngùi kể lại.
3bored3 3bored3 3bored3 ko bik kiếm $ đừng mong vk thương