Vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam, Vinasat-2, được hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất xong và sắp được phóng vào không gian trong những ngày sắp tới.
Theo bản tin của hãng sản xuất vệ tinh Lockheed Martin, vệ tinh Vinasat-2 đã được chuyển tới trạm phóng vệ tinh Arianespace tại thành phố Kourou, Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ. Các việc chuẩn bị trước khi phóng lên quỹ đạo đang được thực hiện để cùng phóng chung với một vệ tinh của Nhật Bản.
Lockheed Martin nói rằng vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản và vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam đánh dấu tổng số 100 và 101 vệ tinh thương mại do công ty sản xuất.
Cả hai đều dựa trên một mô hình vệ tinh địa tĩnh tiên tiến do Lockheed Martin vẽ kiểu và chế tạo, có tuổi thọ ít nhất 15 năm.
Việt Nam phóng vệ tinh đầu tiên, Vinasat-1 đang hoạt động ở kinh tuyến 132 vào tháng 4, 2008 cũng do Lockheed Matin sản xuất và cùng một mẫu căn bản với Vinasat-2.
Vinasat-2 sẽ được đưa lên tọa độ 131.8 độ kinh tuyến với tầm phủ sóng mở rộng hơn Vinasat-1, thêm cả Cambodia, Singapore, Malaysia, Lào và Thái Lan. Tốn phí sản xuất, phóng, thử nghiệm và bảo hiểm cho Vinasat-2 khoảng $300 triệu USD.
Hiện nay, Vinasat-1 đã sử dụng gần hết dung lượng khai thác, Vinasat-2 sẽ cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, phục vụ an ninh quốc phòng… Ðặc biệt cung cấp đường truyền thông tin cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được, theo bản tin ICT News.
Về mặt kỹ thuật, VINASAT-2 có 24 bộ phát đáp băng tần Ku (băng thông 36Mhz), sau khi tối ưu thiết kế vệ tinh có thể khai thác lên đến 25 bộ phát đáp tính đến cuối thời gian sống.
Theo ICT News, dung lượng truyền dẫn của VINASAT-2 tương đương 13,000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Theo VTC News, lợi tức của Vinasat-1 năm 2010 là 240 tỉ đồng, tăng 80% so với năm 2009.
Ngoài lý do kinh tế, việc phóng vệ tinh giúp Việt Nam xác định được chủ quyền trong không gian. Hiện Việt Nam là nước thứ 6 trong số 10 nước ASEAN có vệ tinh riêng bay trên quỹ đạo.
Tháng trước, Việt Nam ký hợp đồng mua của Bỉ một vệ tinh nhỏ để “giúp Việt Nam thu thập hình ảnh khu vực tự nhiên, quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên…” theo tin báo Tuổi Trẻ ngày 19 tháng 3, 2012. (TN)