"Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả", GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Ảnh minh họa. |
Tại hội thảo tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam được tổ chức ngày 19/11, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho biết, ngay những nước có thể coi là tụt hậu như Campuchia, Lào và Myanmar cũng đang có chuyển động mạnh với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây cao hơn Việt Nam.
Ông chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là có ngập ngừng nhất định khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường với bộ máy cồng kềnh, sự can thiệp làm méo mó thị trường nên các khó khăn khách quan thêm nặng, khó khắc phục. Vị chuyên gia này cho rằng, cần nói những điểm tụt hậu để tìm ra các giải pháp.
"Cách đây một tuần, trong cuộc làm việc trực tiếp với Ngân hàng thế giới WB, họ đã ca ngợi Việt Nam rất tốt, đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được, tôi đã nói các bạn yêu Việt Nam nên tô hồng Việt Nam quá nhiều, các bạn muốn để Việt Nam tiến lên phải nói rõ những mặt yếu kém để Việt Nam vươn lên được. Trong bối cảnh hiện nay không thể lấy mô hình Trung Quốc, Hàn Quốc để theo mà nên có cách đi căn cơ hơn, nhìn tương lai bình tĩnh hơn", ông Thái nói.
"Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả", GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tiếp lời.
Lý giải thêm, theo ông Thái, Việt Nam đang lỗi hệ thống, từ tư duy phát triển đến việc chọn sai mô hình, thậm chí "lạc điệu" so với thế giới.
"Chúng ta đã chọn mô hình không đúng. Cách đây 25 năm chúng tôi nói là lạc điệu vì thế giới đi một kiểu, Việt Nam đi một kiểu không giống ai, từ công nghiệp hoá chỉ muốn công nghiệp nặng, từ nước nông nghiệp đòi xây ngay công nghiệp nặng", ông Thái thẳng thắn chỉ ra.
Bên cạnh đó, ông Thái cũng phê phán việc thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua khi môt nhà máy có 4.000 công nhân, xưởng nghiên cứu 400 kỹ sư Việt Nam nhưng làm thạo việc lại là người nước ngoài.
Từ trái qua: Ông Nguyễn Quang Thái, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, ông Trần Đình Thiên |
Tại hội thảo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đưa ra những nhận xét cho rằng, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và khoảng cách ngày càng nới rộng. Đồng thời, dự báo kém lạc quan về kinh tế Việt Nam trong 5-10-20 năm tiếp theo.
Từ các dữ liệu được phân tích, ông Thiên cho biết, đến năm 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011, và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore.
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.
“Nếu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi,” ông Trần Đình Thiên cảnh báo.
Trong khi đó, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan lưu ý, đánh giá lạc hậu hay không cần căn cứ vào tiêu chí. Bên cạnh đó, muốn đánh giá cần cái nhìn toàn diện là vấn đề phát triển đất nước không phải tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, để đánh giá cần dựa vào thời điểm và hoàn cảnh của mỗi quốc gia, không thể so sánh với Isarel, Trung Quốc.
"So sánh phải dựa trên thời điểm và hoàn cảnh. Hoàn ảnh ta khác các nước khác, không thể so sánh vì có sự khác nhau giữa văn hoá, hoàn cảnh khách quan", nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.