Nếu bạn có dịp tới thăm hòn đảo Caribe này, bạn sẽ được nghe rất nhiều lời giải thích về việc tại sao các VĐV chạy nước rút Jamaica lại xuất sắc như thế, nhưng hãy bắt đầu bằng một điều hết sức rõ ràng: ở đây, mọi đứa trẻ đều thích chạy. Locksley Anderson là HLV ở trường Mona Preparatory, một trường tư ở thủ đô Kingston. Những đứa trẻ ông đào tạo sau này sẽ vào đội tuyển điền kinh của Đại học công nghệ Jamaica, hay Utech, ở chân núi Blue xinh đẹp. Những học trò của Anderson tuổi từ 6 tới 12. “Chúng tới trường này từ năm 3 tuổi”, Anderson nói. “Ở khoảng từ 3-5 tuổi là độ tuổi dễ phát hiện tài năng tự nhiên nhất. Bạn xem cách chúng đi lại, cách chúng chạy và đưa chúng tới đây”.
Usain Bolt (trái), Yohan Blake (giữa) và Warren Weir của Jamaica lần lượt giành HCV, HCB, HCĐ ở cự ly 200m nam. - Ảnh: Getty
Những người hùng Jamaica
Những đứa trẻ của Anderson, ngoài việc được rèn luyện bài bản ngay từ khi còn nhỏ, còn có một niềm cảm hứng mà gần như không quốc gia nào có được: gặp mặt những nhà vô địch thế giới và Olympic rất thường xuyên. Fraser-Pryce, cao 1m60, rất hay tới trường Mona Prep để gặp các em nhỏ và sự có mặt của cô, cũng như Bolt, giúp các em có những người hùng bằng xương bằng thịt để noi theo.
“Tôi luôn cười khi thấy chúng vì chúng sẽ túm tụm lại và kêu to “Shelly-Ann””, cô kể. “Và nếu tôi nói “chào các em” với chúng đến 10 lần, chúng vẫn cứ kêu: “Shelly-Ann””. Fraser-Pryce, 25 tuổi, lớn lên trong nghèo khó. Cô là con gái của một bà mẹ đơn thân làm nghề buôn gánh bán bưng trên đường phố. Fraser-Pryce chỉ bắt đầu chạy thật sự nghiêm túc vào năm 21 tuổi, dưới sự huấn luyện của Stephen Francis ở UTech.
Fraser-Pryce hiện tập tại CLB điền kinh MVP, viết tắt của Maximizing Velocity and Power (tối đa hóa tốc độ và sức mạnh), cũng như tại sân tập của đội Utech, một trong những sân tập tiêu chuẩn thế giới ở Jamaica. HLV của cô, Stephen Francis, làm việc ở cả MVP và Utech. Ông là một người cao to vạm vỡ và rất ít nói. Francis sẽ ngồi ở ngoài đường chạy, đưa ra những hướng dẫn ngắn gọn những khi ông không nhìn vào đồng hồ tính giờ.
Buổi tập sáng bắt đầu lúc 6 giờ. CLB lúc đó vắng lặng, các VĐV mới đến và bắt đầu khởi động, rồi sau đó là vài cuộc chạy ngắn. Fraser-Pryce thường chạy 7 lần, một số người khác 9 lần. Nhưng đến đầu giờ trưa, sân tập ở MVP trở thành nơi tập hợp đông đảo một cách khó tin những người chạy nhanh nhất thế giới. CLB hiện đang sở hữu 3 thành viên của đội Olympic 4x100 mét Jamaica giành HCV tại Bắc Kinh 2008, bao gồm Asafa Powell, cựu kỷ lục gia thế giới nội dung 100 mét và cả nhà vô địch chạy vượt rào thế giới Brigitte Ann Foster-Hylton. Nhưng MVP chỉ là một trong hai CLB điền kinh hàng đầu ở Jamaica. CLB kia là Racers Track, nơi Bolt và Yohan Blake đang tập luyện.
Nhà hiền triết của điền kinh Jamaica
Thành công của điền kinh Jamaica hiện đại trước hết phải kể đến công sức của những HLV. Trong quá khứ, do Jamaica là một nước nghèo, thường các VĐV có năng khiếu nhất sẽ tìm cách xin học bổng tại các trường đại học ở Mỹ, nơi cơ sở vật chất và chất lượng huấn luyện điền kinh tốt hơn nhiều. Nhưng giờ đây, với nhiều HLV giỏi hơn, hầu hết những nhà vô địch Olympic của Jamaica đều được đào tạo ở quê nhà.
Những VĐV chạy nước rút đẳng cấp thế giới tại hòn đảo này được tạo ra chủ yếu bởi Dennis Johnson, giờ đã 72 tuổi và được xưng tụng là nhà hiền triết của điền kinh Jamaica. Bản thân Johnson là một người từng phải khăn gói sang Mỹ tập luyện. Ông là VĐV chạy nước rút đẳng cấp thế giới tại Đại học bang California, San Jose vào những năm 1960 và trở về nhà với một HLV huyền thoại ở ngôi trường đó, Bud Winter. Winter từng có thời gian huấn luyện cho các phi công lái máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ, không phải chạy nước rút, mà là làm chủ sự tập trung và thư giãn.
“Ông ấy (Winter) cho rằng bạn sẽ thi đấu tốt hơn nhiều nếu thấy thư giãn và ông đã xây dựng phương pháp luận cũng như một số kỹ năng để triển khai ý tưởng đó. Nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nội dung điền kinh nước rút”, Johnson nói. Theo Johnson, trước đó nhiều người hiểu sai lầm về việc chạy tốc độ cao. Ông khẳng định một VĐV chạy nước rút thư giãn, thoải mái sẽ chạy tốt hơn nhiều so với một người căng thẳng, tập trung quá mức và ham ăn thua.
Johnson hỏi: Bạn đã bao giờ thấy Usain Bolt chạy sau xong rồi vượt lên trong khoảng vài chục mét cuối cùng? Có đúng không? Thật ra không phải như vậy. “Những gì bạn thấy là do các VĐV khác chậm lại, chứ không phải Bolt nhanh lên”, Johnson giải thích. “Với nội dung nước rút, bạn không thể tăng tốc nữa sau 6 giây hay 60 mét đầu tiên. Đó là điều bất khả thi về mặt tâm lý”. Tức là, ảo giác về việc nhà vô địch Olympic tăng tốc vượt qua đối thủ, thực ra là việc các đối thủ của anh chạy chậm lại.
Những HLV giỏi nhất của Jamaica đều là học trò của Dennis Johnson, hoặc là học trò của học trò ông. Nhưng lời giải thích cho thành công của Jamaica trên đường chạy nước rút không chỉ dừng lại ở kỹ năng thư giãn…
Giải thích của khoa học
Tại nhà hàng thức ăn nhanh Juici Patties trong khuôn viên Đại học West Indies, Jamaica, nhà nghiên cứu Rachael Irving vừa gọi một bữa sáng có cá muối với khoai lang, chuối và một tách trà bạc hà. “Đây là những gì người Jamaica thường hay ăn trước khi bắt đầu chạy”, Irving nói.
Thật ra, đó gần như là những thứ thức ăn của mọi người dân Jamaica và nhiều người tin rằng thành phần dinh dưỡng từ các loại thực phẩm trên có vai trò quan trọng trong những tấm huy chương Olympic của đảo quốc Caribe. “Đó là carbohydrate mà các VĐV chạy bộ rất cần vì nó giúp sản sinh ra glucose tạo năng lượng cho các cơ bắp vận động”, Irving nói.
Tiến sĩ Errol Morrison, một chuyên gia nội tiết và là chủ tịch UTech, nói trẻ em ở Jamaica lớn lên với một khẩu phần ăn rất có ích cho cơ thể, kết hợp với những tố chất di truyền, vậy là Jamaica có được những VĐV chạy hàng đầu thế giới. “Những VĐV chạy giỏi đều có gốc gác da đen”, Morrison giải thích. “Họ có các chi dài, ít mỡ, eo thon và thể trạng lý tưởng cho chạy nước rút. Trong chạy nước rút, việc nhấc đầu gối là điều quan trọng nhất. Các VĐV của chúng tôi không chỉ có chi dài, mà còn có xương chậu rắn chắc, tạo thành góc và phát triển, giúp cho việc nhấc các khớp gối nhanh và trực tiếp, trái với xương chậu thường có phần to bè ở người da trắng hay người châu Á”.