Theo dự đoán, châu Âu, châu Phi và Australia có thể là nơi mảnh vỡ vệ tinh rơi xuống. Trung tâm Vũ trụ Đức lo ngại: “Mảnh vỡ lớn nhất là gương của kính viễn vọng bởi nó có khả năng chịu nhiệt rất lớn đồng thời nặng tới 1,7 tấn”.
Thời gian và vị trí chính xác kính thiên văn Rosat “về nhà” chưa được xác định. Tuy nhiên, quá trình bốc cháy do ma sát giữa vệ tinh và tầng khí dự kiến vào lúc 8h30 đến 11h30 ngày 23/10 giờ Việt Nam.
Vệ tinh Rosat của Đức đang lao vào trái đất. |
Vệ tinh không được thiết kế hệ thống đẩy thế nên quá trình về nhà của Rosat hoàn toàn tự nhiên. Các mảnh vỡ sẽ rơi trên một khu vực hình elip rộng khoảng 565 đến 582 km vuông trên bề mặt trái đất.
Triển khai tháng 6/1990, Rosat được sử dụng để khảo sát không gian bằng tia X đồng thời kính viễn vọng sẽ chụp ảnh tất cả những vật thể trong không gian phát ra tia phóng xạ này. Dù được đưa lên không gian với xứ mệnh kéo dài 18 tháng nhưng Rosat đã thực sự “thành công hơn mong đợi” khi nó hoạt động tốt trong vòng gần 9 năm. Nhiệm vụ cuối cùng của nó kết thúc vào năm 1998. Rosat bị đóng cửa ngày 12/2/1999.
Chỉ trong tháng trước, một vệ tinh khác của NASA cũng đã lao vào trái đất với 26 mảnh vụn có tổng trọng lượng hơn 500kg. Ngay cả khi nó rơi xuống bề mặt trái đất, người ta cũng không thể xác định được chính xác vị trí các mảnh vỡ. Hiện không có báo cáo thương vong về vụ việc.