Người đàn ông nhỏ thó mỉm cười trông hiền lành khi nghe cán bộ trại giam gọi riêng ra ngoài. Anh ta là Hồ Thanh Tùng (Hai Lợi, 38 tuổi) một trong những sát thủ gây ra cái chết cho trinh sát hình sự Phan Lê Sơn và một người khác tại quán Cấm Chỉ trên đường Hải Triều (quận 1, TP HCM) hơn 10 năm trước. Tùng thụ án tại trại giam này cùng với những tay giang hồ cộm cán dưới trướng một thời của trùm Năm Cam, hay từng làm mưa làm gió tại chốn giang hồ như Thuyết “Buôn vua", Nguyễn Văn Nên…
Một buổi lao động tại trại giam. Ảnh: Quốc Thắng. |
Thời điểm đầu năm 2000, Tùng vừa ra trại với bản án 10 năm vì tội Giết người và Trộm cắp tài sản. Về địa phương, nam thanh niên ngổ ngáo không có việc làm nên suốt ngày ăn chơi lêu lỏng. Nhờ mối quan hệ của cha mình, Tùng lần lượt thử nhiều việc như bốc vác, buôn bán trái cây… và sau đó vào làm bảo vệ, giữ xe tại quán nhậu 136 Nguyễn Thái Học (quận1).
Đêm 26/1/2000, Nguyễn Hữu Thịnh (con của Thọ “Đại Uý” và gọi ông trùm Năm Cam bằng cậu) ẩu đả với trinh sát hình sự Phan Lê Sơn tại quán Cấm Chỉ. Ngay sau đó, người này gọi điện về cho cha kể sự tình thì được Thọ “Đại Uý” huy động nhiều thanh niên mang theo hung khí đến hỗ trợ. Tùng cũng được huy động tham gia và mang theo con dao bấm. Khi đến nơi, cả bọn lao vào đâm chém khiến anh cảnh sát và một người bạn tử vong. Sau khi gây án, các tên trong nhóm lần lượt bị bắt, Tùng cũng ra đầu thú.
Lúc Tùng bị bắt, vợ mới mang bầu vài tháng. Ngày bị toà tuyên án tử hình thì anh này được gia đình cho hay cô vợ trẻ đã bỏ con lại đi lấy chồng mới. “Nhiều lúc tôi muốn tự tử ngay trong trại giam khi nghĩ đến ngày chết cận kề cũng như gia đình ly tán”, phạm nhân này kể. Nhưng may mắn đến phiên toà phúc thẩm, Tùng được giảm án xuống chung thân.
"Những năm đầu trong trại giam Phước Hoà, tôi liên tiếp gây rối, đánh bạn tù. Nhưng được các quản giáo khuyên nhủ cùng với cậu con trai được ông bà nuôi nấng đã biết bặp bẹ tiếng ba làm tâm trạng tôi cũng phần nào nguôi ngoai. Tôi rất mong muốn được trở về", Tùng nói.
Hồ Thanh Tùng với mẫu thêu tay trong trại. Ảnh: Quốc Thăng. |
“Hơn 10 năm qua, tôi khao khát ngày về để được phụ giúp cha mẹ già và nuôi nấng con trai. Nó nhiều lần đến thăm hỏi động viên tôi. Nó bảo ngoài ông bà nội ra chỉ biết đến tôi và đang rất mong tôi về", Tùng nói về lý do khiến anh càng quyết tâm cải tạo tốt.
Những ngày trả án, Tùng được dạy nhiều nghề từ tách hạt điều, may túi xách, đan ghế…. Ngoài những việc được giao, anh còn phụ thêm việc vặt khác của trại. Những lúc rảnh rỗi, anh lại thêu khăn hay những món đồ chơi nhỏ xinh gửi về cho ba mẹ và con trai. “Một mẫu thêu tay tôi làm khoảng 5-6 ngày, tặng cả các cán bộ trại giam”, anh kể với ánh mắt đầy tự hào.
Nói về dự định tương lai, Tùng khẳng định sẽ không để mình dính vào vòng lao lý một lần nào nữa. “Cả đời tôi gần như chỉ ở trong tù. Có cơ hội trở lại với đời tôi chắc chắn sẽ tu tỉnh và dạy con để đời nó không bao giờ sa ngã như tôi. Tôi nghĩ mình có thể nhận thêu tay trên quạt, khăn, quần áo… để sống và lo cho con", Tùng nói và khoe mảnh thêu có hình một thiên thần nhỏ nhiều màu sắc với đôi cánh hướng lên cao. Với phạm nhân này, hình ảnh đó chính là suy nghĩ của anh về cậu con trai đang ở với ba mẹ và ước mơ hướng thiện trong những ngày tù tội.
Cũng bị bắt trong chuyên án Năm Cam, ông Nguyễn Văn Nhã (tự “Sáu Nhà”, 69 tuổi) cũng chịu cảnh tù đày hơn 10 năm qua tại trại giam này. Ông lão có mái tóc bạc và gương mặt gân guốc này trước đây từng có thời làm mưa, làm gió khi đứng ra quản lý sòng bạc của Năm Cam ở quận 8. Là một trong những phạm nhân lớn tuổi nhất trong trại, “Sáu Nhà” từng chứng kiến nhiều người trong băng nhóm của trùm Năm Cam bị bắt chung với mình lần lượt được chuyển trại, tha tù.
Thời điểm năm 2000, là sĩ quan chế độ cũ, sau thời gian cải tạo, “Sáu Nhà” trở về nhà tại quận 4 để đạp xích lô nhưng công việc nặng nhọc này không phù hợp với người đàn ông ngoài 50. Do ở cạnh nhà Năm Cam, ông được trùm giang hồ thu nạp làm tay chân thân tín và cho đứng ra điều hành nhiều sòng bạc tại quận 4. Khi hệ thống cờ bạc của Nam Cam bị xoá xổ, Sáu Nhà bị buộc hàng loạt tội danh như tổ chức đánh bạc, đánh bạc và đưa hối lộ và lãnh án chung thân.
Phạm nhân "Sáu Nhà" nói về ước muốn tương lai. Ảnh: Thiên Chương |
Vào trại khi đã lớn tuổi, thời gian đầu ông được các quản giáo phân việc nhẹ nhàng là chăm sóc quản lý những vườn thuốc nam. Lão phạm nhân kể những năm tù tội thì gia đình vợ và các con ly tán mỗi người một nơi. Phần hình phạt tiền gần một tỷ đồng ông vẫn chưa trả được, căn nhà tại quận 4 kê biên suốt nhiều năm vẫn chưa xong. “Vợ tôi cũng lớn tuổi và đã chuyển lên Lâm Đồng sống bằng những công việc vặt và nhận giữ trẻ cho các gia đình”, ông lão kể tiếp.
Mang bản án chung thân, phạm nhân này không nghĩ rằng mình có ngày được quay về cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, nhờ quá trình cải tạo tốt, Tết vừa qua ông đã được giảm án chung thân xuống còn 30 năm. Ông nhẩm tính, nếu tính hơn 12 năm chịu án vừa qua thì phải hơn 17 năm nữa ông mới được tha thù. “Tôi đang chờ vào chính sách của nhà nước đối với những phạm nhân 70 tuổi để mong được sớm được tha tù về với vợ con”, ông lão nói và hy vọng còn được sống và gặp mặt vợ con trong quãng đời ít ỏi còn lại.
Trại giam Phước Hoà (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) thuộc Tổng Cục VIII, Bộ công an hiện giam giữ hơn 2.600 phạm nhân. Nơi đây là trại giam loại một với thành phần chủ yếu là những người phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo giám thị trại thì dịp 2/9 năm nay, trại có hơn 463 phạm nhân được giảm án và 23 người trong số đó được tha trước hạn. |