Cập nhật lúc 01/08/2011 08:55:07 AM (GMT+7)
- Gần 1 tuần qua, cư dân mạng trong nước không ngừng xôn xao về đoạn video quay một vật thể lạ bay trên bầu trời TP.HCM. Nhưng sau khi phân tích kỹ, nhiều người cho rằng đây chỉ là một trò lừa bịp bằng kỹ xảo công nghệ, có thể được tung ra vì mục đích muốn gây sự chú ý để gián tiếp quảng cáo cho một sản phẩm nào đó.
>> UFO trên trời đêm TP.HCM
Hình ảnh chụp từ video quay UFO xuất hiện trên bầu trời TP.HCM dưới dạng giống một ngôi sao băng và vụt biến mất.
Từng có tiền lệ
Một bài note trên Facebook của phóng viên Nguyễn Quyết (báo NLĐ) đặt vấn đề rằng clip UFO trên bầu trời Sài Gòn này chỉ là chiêu tiếp thị cho một sản phẩm nào đó theo cách tự phát tán như… bệnh dịch (viral marketing).
Để dẫn chứng cho quan điểm của mình, tác giả bài note cho rằng điểm “hở sườn” đầu tiên là việc đoạn clip này khi được một thành viên đưa lên diễn đàn công nghệ Tinhte đã được liệt vào nhóm nội dung quảng cáo với thẻ [QC] ở đầu tiêu đề. Các thành viên trên diễn đàn này cũng xác nhận người đưa clip UFO lên là thành viên chuyên đưa các bài quảng cáo sản phẩm.
Điểm dẫn chứng thứ hai được anh Quyết đưa ra là việc từng có dịp trao đổi với lãnh đạo một công ty bán cơm văn phòng và được biết ông đang có ý tưởng “tiếp thị kiểu dịch bệnh” cho sản phẩm của mình bằng cách thuê dựng một đoạn video clip với kịch bản một người dùng ĐTDĐ chộp được cảnh UFO lượn lờ ngay phía trên Hồ Gươm và phát tán lên mạng. Đến khi nhiều người chú ý thì mới đưa nốt phần quay cuối lên để quảng cáo sản phẩm.
Anh Quyết cũng cho rằng cách làm tiếp thị như vậy sẽ không còn hiệu quả vì thời buổi bây giờ không mấy người quan tâm và tin vào chuyện đĩa bay nữa. Ý tưởng quảng cáo này sau đó không trở thành hiện thực, nhưng đoạn clip cũng đã kịp ra đời và chỉ cần xem qua đã biết là đồ giả vì kỹ xảo quá tệ. (Quý độc giả có thể tham khảo clip tại đây)
Đoạn video được dàn dựng hình ảnh làm giả UFO lượn lờ ngay trên Hồ Gươm ở Hà Nội nhưng kỹ xảo quá tệ. Xem clip tại đây |
Nhưng khi đoạn video về UFO xuất hiện khá thật trên bầu trời TP.HCM thu hút tới hàng trăm ngàn lượt xem trên Youtube, các tờ báo điện tử như VietNamNet, VnExpress, Thanh Niên Online, Tiền Phong Online…các trang tin như Yahoo News và nhiều diễn đàn đều đưa tin, thì việc đoạn clip này là thật hay giả và có phải để tiếp thị cho một sản phẩm nào hay không đang trở thành vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Những điểm đáng ngờ
Các diễn đàn công nghệ đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc với đoạn clip UFO trên bầu trời Sài Gòn và lập tức có các chủ đề bàn luận kéo dài tới hàng chục trang để phân tích mổ xẻ, nhận định về hình ảnh của UFO.
Những thành viên hồn nhiên và mê phim ảnh viễn tưởng lập tức liên tưởng tới đĩa bay của người ngoài hành tinh, tên lửa hay máy bay thử nghiệm bí mật hoặc thậm chí là cả nhân vật Người Sắt (trong phim Iron Man) hay Songoku trong truyện 7 viên ngọc rồng bay tới VN.
Tuy nhiên, những người nghiêm túc và am hiểu kỹ thuật đồ họa vi tính đã tự mầy mò tìm câu trả lời thay vì ngồi phỏng đoán tưởng tượng. Điểm đáng ngờ đầu tiên trong đoạn clip chính là lời thoại của 2 nhân vật một nam một nữ quay clip này. Họ biểu cảm bằng lời khi xem một hiện tượng lạ có phần bình tĩnh quá mức, lặp lại câu “không phải máy bay đâu” một cách đơn điệu và không quá bất ngờ khi UFO vụt bay đi. Đoạn lời thoại ngay trước thời điểm UFO biến mất còn có dấu hiệu bị chỉnh sửa, không ăn khớp với diễn biến hình ảnh.
Một số cư dân mạng phỏng đoán hình ảnh UFO được thực hiện bằng kỹ xảo phản chiếu qua một tấm kính đặt trước thiết bị ghi hình. Tuy nhiên điều này nhanh chóng bị loại trừ vì nếu thế khi zoom sát vào, hình ảnh UFO sẽ to ra nhanh hơn rất nhiều so với tòa nhà.
Điểm bất thường đầu tiên về mặt hình ảnh là ngay ở những giây đầu của đoạn video, UFO bay ngang lại có những thời điểm di chuyển dịch lên xuống không khớp so với tòa nhà có cột tháp gắn đèn tín hiệu màu đỏ nhấp nháy. Kể cả khi thiết bị quay bị rung theo chiều lên xuống thì vị trí tương đối giữa UFO và tòa nhà cũng không thể lên xuống lệch nhau như ở thời điểm cô gái nói “không phải máy bay mà” ở giây thứ 03. Ngay trước khi bay mất, UFO và đuôi sáng cũng đột ngột bị dịch thẳng lên so với góc tòa nhà ở giây thứ 21.
Trong toàn bộ quá trình quay UFO, có một điểm trắng mờ ngay bên phải chấm đèn đỏ nhấp nháy giống hiệu ứng xóa mờ (như hiệu ứng người biên tập hình muốn che mặt người xuất hiện trong đoạn video). Nhưng khi UFO bay tới đúng điểm trắng mờ này thì lóe sáng và bay đi, đồng thời chấm mờ cũng biến mất.
Rất nhiều thành viên trên các diễn đàn cũng đều phát hiện một chi tiết rất phi lý. Đó là vào mọi thời điểm dừng hình đoạn video, UFO và vệt đuôi sáng đều không bị nhòe nét một chút nào, trong khi các vật cùng trong khung hình như đèn tín hiệu đỏ và đèn của tòa nhà đều bị nhòe hình do thiết bị quay khi zoom xa khiến hình bị rung.
Chỉ cần có đôi chút kiến thức về màn cảm biến (sensor) để ghi nhận hình ảnh của các thiết bị như máy ảnh số, máy quay camera và các tham số như ISO, độ nhậy sáng, có thể thấy ngay sự khác biệt này hoàn toàn không thể xảy ra nếu cùng được quay bằng một thiết bị.
Tại mọi thời điểm dừng hình đoạn video trên Youtube, trong khi hình ảnh tòa nhà và đèn tín hiệu đỏ bị nhòe hình do rung lắc vì thiết bị quay zoom cận cảnh, hình ảnh của UFO vẫn luôn sắc nét và đôi khi "rung lệch"so với tòa nhà. (ảnh chụp từ video) |
Giả thuyết kỹ xảo đồ họa
Theo ý kiến phỏng đoán trên các diễn đàn, giả thiết hợp lý nhất là việc quay tòa nhà và zoom vào cận cảnh được thực hiện trước, sau đó mới tiến hành ghép hình UFO vào đoạn video quay trước bằng phần mềm Adobe After Effect, một phần mềm xử lý hình ảnh video chuyên dụng với tính năng Motion Tracking giúp tạo chuyển động các hình ảnh được ghép sao cho đồng bộ với các chi tiết trên video gốc.
Đây chính là cách để có thể tạo ra hình ảnh UFO được phóng to ra cũng như có được hiệu ứng bị rung lắc cùng tòa nhà và cột tháp gắn đèn đỏ. Tuy nhiên với hiệu ứng xử lý này, nếu dừng hình video thì độ nhòe nét của tòa nhà và đèn đỏ không thể khớp được với UFO vì chúng được quay từ 2 thiết bị khác nhau. Đặc điểm UFO không bị nhòe hình trong mọi hình ảnh dừng hình càng thể hiện giả thuyết sử dụng kỹ xảo Motion Tracking là có cơ sở.
Chấm trắng mờ bên phải đèn đỏ có thể là một vị trí căn mốc vì luôn được nằm giữa khung hình của thiết bị quay (không thể thiếu khi sử dụng hiệu ứng Motion Tracking). Khi hình ảnh UFO được ghép để di chuyển tới đúng điểm căn mốc này sẽ lóe sáng và bay vụt đi, điểm trắng mờ cũng biến mất luôn vì không còn cần căn vị trí nữa.
Theo phân tích của những người có kiến thức về thiên văn, một điểm vô lý nữa là phần đuôi sáng của UFO. Những vật thể tạo ra dải đuôi sáng này khi bay thường là sao chổi hoặc sao băng (thiên thạch), khi bay chạm vào bầu khí quyển trái đất với tốc độ rất lớn sẽ ma sát với không khí và bị cháy một phần vật chất bên ngoài thiên thạch. Với giả thiết vỏ UFO bị cháy tạo ra vệt đuôi sáng như vậy thì khi tăng tốc đột ngột để biến mất, vệt sáng sẽ phải kéo dài hơn. Nhưng thực tế khi dừng hình, ở mọi thời điểm, vệt sáng của UFO vẫn chỉ dài giống như lúc bay chậm ban đầu.
Nguồn gốc mơ hồ
Người tung đoạn video clip “UFO trên bầu trời Sài Gòn” dài 26 giây nói trên có tên đăng nhập trên mạng Youtube là antoinepallard. Đây là một tài khoản chỉ vừa được đăng ký cùng vào ngày upload đoạn video, cũng có thể hiểu là được tạo chỉ với mục đích đưa đoạn video này lên và không muốn tiết lộ danh tính thật.
Trong hơn 1000 ý kiến bình luận trực tiếp vào trang web của tài khoản này trên Youtube, chủ tài khoản không trả lời hay bình luận một ý kiến nào. Theo kết quả tìm kiếm trên Google, nickname antoinepallard cũng chưa từng xuất hiện trên một diễn đàn hay trang web nào của Việt Nam.
Ở góc độ phân tích về mặt công nghệ, đoạn video UFO này có quá nhiều điểm bất hợp lý và có dấu hiệu các hiệu ứng kỹ xảo đồ họa trong các hình ảnh chứ không giống hình ảnh quay gốc từ một thiết bị quay video đơn giản.
Tuy nhiên, nếu đúng đây là cách tạo sự chú ý của dư luận để tiếp thị “kiểu dịch bệnh tự phát tán”, thì dù là với sản phẩm nào, theo quan điểm anh Nguyễn Quyết thì cũng là cách tiếp cận thể hiện sự thiếu tôn trọng tới các khách hàng vì đã nghĩ họ quá khờ khạo, hoặc người đưa ra ý tưởng quá ngờ nghệch khi tin khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm sau khi xem clip.