(VnMedia) - Chiếc xe chở Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã bị hư hỏng nhẹ sau khi nó trở thành mục tiêu của làn sóng biểu tình chống Nhật Bản sôi sùng sục trên khắp đất nước Trung Quốc ngày hôm qua (18/9).
Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm nay (19/9), Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, xe của Đại sứ Gary Locke đã bị tấn công ngay giữa thủ đô Bắc Kinh nhưng rất may ông không bị hề hấn gì. Các nhà ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc diễn ra ngày hôm qua này.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 50 người biểu tình đã bao vây xe của Đại sứ Locke khi chiếc xe đang tiến về khu vực Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh. Sau đó, lực lượng an ninh Trung Quốc đã phải can thiệp vào để giải tán đám đông người biểu tình cuồng nộ.
Vụ tấn công vào xe của Đại sứ Mỹ diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao nước này đang nâng cao cảnh giác lên mức tối đa tại một loạt Đại sứ quán của họ ở Libya, Yemen và Ai Cập. Người Hồi giáo ở các nước Trung Đông đang nổi cơn cuồng nộ trước một bộ phim do một người Mỹ sản xuất được cho là nhạo báng đấng tiên tri của người Hồi giáo. Những cuộc biểu tình bạo lực và có cả đổ máu đã diễn ra tại một loạt Đại sứ quán Mỹ ở nhiều nước Trung Đông. Đáng chú ý nhất là vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Libya khiến Đại sứ nước này cùng với một số nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng.
Trước tình hình bất ổn và có phần hỗn loạn ở Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các cơ sở và nhân viên của Mỹ tại nước này.
Người dân khắp đất nước Trung Quốc đang tham gia vào làn sóng biểu tình bùng lên dữ dội sau khi xảy ra cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa nước này với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vụ đối đầu mới nhất vì tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh được châm ngòi từ sự kiện hôm 15/8 khi một nhóm người Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền”. Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này hồi tuần trước quyết định mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.
Mỹ vốn là một đồng minh thân thiết hàng đầu của Nhật Bản. Mặc dù Washington tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp Trung - Nhật nhưng nước này vẫn trở thành mục tiêu của cơn nổi giận của những người Trung Quốc.
Mỹ kêu gọi Trung, Nhật bình tĩnh
Mỹ đang đứng ở tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Về lý thuyết, Mỹ sẽ phải đứng về phía Nhật Bản bởi Mỹ là đồng minh của nước Châu Á này. Hơn nữa, hai nước Mỹ và Nhật Bản còn có ràng buộc với nhau bởi một Hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, Mỹ không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nước này.
Vì lý do trên, trong chuyến công du Châu Á đang diễn ra hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản bình tĩnh, giữ “cái đầu lạnh” trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Sau chặng dừng chân ở Tokyo, Bộ trưởng Panetta hôm qua đã đến Bắc Kinh với mục đích tìm cách giải quyết một cách khéo léo cuộc tranh chấp lãnh thổ đang hết sức căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay. Ông Panetta tiếp tục khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản nhưng tuyên bố giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
"Rõ ràng, chúng tôi rất quan ngại trước những cuộc biểu tình và chúng tôi cũng lo ngại về cuộc xung đột đang diễn ra ở quần đảo Senkaku”, ông chủ Lầu Năm Góc bày tỏ. “Thông điệp mà tôi cố gắng phát đi là chúng tôi phải kêu gọi các bạn bình tĩnh, tất cả các bên đều cần phải kiềm chế”.
Bộ trưởng Panetta kêu gọi Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp. "Có nguy cơ là, với hết hành động khiêu khích này đến hành động khiêu khích khác, chúng ta có thể sẽ nổ tung. Khi bạn tham gia một trò chơi quyết định ai là người đứng đầu, cuộc chơi đó bao giờ cũng chứa đựng những nguy cơ”, ông Panetta phát biểu.
Trong lúc này, làn sóng biểu tình chống Nhật Bản đang lan rộng khắp đất nước Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang phải nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực. Nước này đã tăng cường sự hiện diện an ninh quanh những văn phòng, doanh nghiệp Nhật Bản từ hôm đầu tuần. Ở thủ đô Bắc Kinh, một hàng rào an ninh được thắt chặt xung quanh Đại sứ quán Nhật Bản và chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép tối đa 50 người được biểu tình ở đây, sau khi xảy ra vụ việc hàng trăm người biểu tình ném trứng, đất đá và chai lọ vào toà nhà Đại sứ quán Nhật hai ngày cuối tuần vừa rồi.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt những người biểu tình quá khích.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta rằng, Tokyo đang xử lý tình hình một cách bình tĩnh. "Chúng tôi sẽ đối phó với tình hình bằng một cái đầu lạnh trên quan điểm vì đại cục”, ông Gemba cho hay.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.