- [*]Thoạt nghe qua nhiều người tưởng rằng đó một loại bánh, thứ quà dân dã làng quê nào cũng có, hay xuất hiện ở các phiên chợ quê, gắn với các nhân vật nữ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân hay truyện ngắn Nam Cao. Thực ra không phải, bánh đúc sốt là món ăn chỉ có ở xứ Thanh với hương vị riêng biệt và màu sắc khá đẹp mắt: màu xanh ngọc.
Bánh đúc sốt phải ăn khi nóng hổi - Ảnh: H.Sơn
Làng Cốc (thị xã Thanh Hóa) được cho là nơi sản sinh ra món ăn dân dã nhưng đặc biệt này. Cách làm bánh đúc sốt không khó, nhưng đòi hỏi người làm thật khéo léo và tinh tế trong việc định lượng nguyên liệu và tỉ lệ cần có, để có được độ mịn, độ sánh, không đặc quá cũng không “lõm bõm” quá.
Bột gạo tẻ nấu cùng ít nước vôi trong, phải có cả mỡ và hành phi để dậy mùi thơm. Rau ngót hoặc rau cải giã, lấy nước cốt pha vào nồi bánh, ấy chính là tạo nên màu xanh ngọc của bánh đúc sốt. Cứ đun trên lửa liu riu cho tới khi bánh chín, liên tục đảo đều tay bằng đũa cả để bánh được sánh, không bị vón cục.
Đúng như tên gọi, bánh đúc sốt phải ăn nóng, nồi bánh nhấc khỏi bếp được đặt trong thúng có lớp vải và nilông bao bọc kỹ để giữ nhiệt. Khi có khách ăn, cô bán hàng mới múc bánh ra bát, khói tỏa nghi ngút cùng mùi thơm ngào ngạt. Rải lên bát bánh một vài thìa đỗ xanh đã được nấu chín, đánh tơi.
Thức quà quê dân dã gắn bó tuổi thơ - Ảnh: H.Sơn
Bát bánh đúc sốt có màu xanh ngọc sóng sánh, lại thêm màu vàng của đỗ xanh phía trên, hương vị thì khỏi chê bởi vị là lạ, ngầy ngậy của bột gạo nấu nước ngót, lại có đỗ xanh bùi bùi. Đặc biệt, phần cháy nồi của bánh đúc sốt cũng rất ngon, giòn giòn, muốn ăn phải dặn cô bán hàng để dành thì mới có.
Bát bánh đúc sốt có màu xanh ngọc sóng sánh, lại thêm màu vàng của đỗ xanh phía trên, hương vị thì khỏi chê bởi vị là lạ, ngầy ngậy của bột gạo nấu nước ngót, lại có đỗ xanh bùi bùi. Đặc biệt, phần cháy nồi của bánh đúc sốt cũng rất ngon, giòn giòn, muốn ăn phải dặn cô bán hàng để dành thì mới có.
Cháy bánh đúc sốt - Ảnh: H.Sơn
Nhiều lớp tuổi nhỏ xứ Thanh Hóa vẫn quen mỗi chiều lại ngóng tiếng rao “Ai bánh đúc sốt đây!…” của cô hàng rong. Món ăn đơn giản, dân dã, không đắt tiền, nhưng bổ dưỡng và đặc biệt hơn, nó là cả tuổi thơ khiến ai đi xa quê cũng có lúc đau đáu nhớ về tiếng rao ấy, mùi vị ấy…