Vết trượt đầu đời
Ông Nguyễn Thành Hưng kể chuyện đời mình. Ông trưởng thôn bây giờ không có vẻ mặt bặm trợn của một kẻ từng khét tiếng giang hồ, không có chất tinh quái của một người từng là tay đột vòm chuyên nghiệp. Ông phong thái đĩnh đạc, nho nhã như một thầy giáo. |
Rít liền lúc mấy bi thuốc lào, ông “lật trang” đầu tiên cuốn “tiểu thuyết đời mình”. Ông sinh năm 1953, 17 tuổi thì xa nhà và bắt đầu phần đời giông tố. Ngày ấy, ông đã thi đỗ vào trường trung cấp sư phạm ở ngoài thị xã. Nơi phố thị, bản chất thật thà, ngoan lành của ông đã rụng rơi, phai nhạt. Ông thấy thích bộ quần áo mới, thích những buổi chơi đêm cùng chúng bạn thị thành. Nhà nghèo, không thể đáp ứng được nhu cầu ấy nên ông đã… nghĩ cách làm liều.
Nơi thôn quê ông ở có một bà lão rất giàu. Bà này có con gái làm việc trên Hà Nội, thường gửi về cho mẹ tiền, vàng. Biết chắc thông tin đó, ông lên kế hoạch… kiếm tiền. Một bận về quê, đợi mọi người đi ngủ hết, ông lẻn dậy, mò sang nhà bà lão. Chỉ trong nháy mắt, ông đã nằm lọt vào ngôi nhà vốn vắng người qua lại ấy. Nhẹ nhàng cạy cánh cửa tủ, ông đã bất ngờ vì không nghĩ bà lão lại giàu đến vậy. Trong ngăn tủ có vô số dây chuyền vàng và tiền. Nhét hết những thứ đó vào các túi áo quần, ông lại khẽ khàng vọt ra rồi về nhà đi ngủ…
Giỡn mặt sĩ quan quân báo
Vụ trộm ấy đã gây náo động cả miền quê vốn dĩ thanh bình. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, nhưng, lục tung mọi thứ mà chẳng thu được kết quả gì khả quan. “Nhân vật chính” của “vụ đạo chích chấn động” vẫn chỉ là bóng đen lờ mờ trong màn đêm hư ảo. Ông Hưng kể, khi ấy, ông đã thở phào bởi nghĩ phi vụ đầu tiên trong đời của mình đã thành công ngoài sức tưởng tượng, không ai có thể tìm ra mình. Thế nhưng, chừng hơn tuần sau, sự việc đã diễn biến bất ngờ.
Nghe tin nhà bị mất trộm, con gái bà lão đã về quê thăm hỏi mẹ già. Và, chỉ một vài ngày nghe ngóng, nắm bắt tình hình, nghề quân báo đã mách bảo cô rằng, kẻ đã ôm sạch tài sản nhà mình chính là cậu học trò nghèo trong xóm. Đến giờ, ông Hưng vẫn không thể lý giải bằng cách nào mà vị sĩ quan quân báo ấy lại tìm ra thủ phạm là mình. Trước khi trở lại thành phố, chị ta để lại cho ông một lá thư với vài dòng với nội dung: “Cô đã biết tất cả. Cháu nên ra Hà Nội gặp cô và thú nhận mọi thứ. Đó là việc tốt nhất cháu có thể làm!”. Đọc những dòng chữ ấy, ông thấy bủn rủn chân tay, lo sợ tột cùng.
Vậy là ông lên Hà Nội. Gặp ông, vị sĩ quan ấy đã động viên ông viết bản tường trình. Biết chẳng còn gì để mất, ông tả chi tiết việc mình đã làm. Cầm tờ tường trình mà ông đã viết trên tay, bà bắt đầu hỏi ông số tiền, vàng ông đã lấy. Bà bảo, hỏi vậy là để xem những phán đoán của mình có đúng hay không chứ của nả ấy còn hay không với bà cũng không quan trọng. Những câu hỏi kiểu “lấy cung” ấy khiến ông khó chịu. Khi ấy, ông cảm thấy mình bị lừa dối. Tuổi trẻ hiếu thắng, ông quyết chí… trả thù.
Chừng ba tuần sau, ông lại có mặt ở Hà Nội. Vật vờ quanh khu nhà vị sĩ quan trên, đợi khi đêm xuống, khi mọi người chìm sâu trong giấc ngủ vùi, ông băng qua bức tường cao quá đầu người để tót vào trong sân. Chỉ trong vài phút, ông đã “hoàn thành xuất sắc”… nhiệm vụ của mình. Nhà bà sĩ quan đó giàu có hơn ông nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, bởi mục đích là ăn trộm để “dằn mặt” nên ông chỉ lấy một phần số tiền, vàng mà bà giữ trong tủ.
Đúng là “kẻ cắp gặp bà già”, chỉ vài ngày sau, ông lại nhận được “giấy triệu tập” của bà sĩ quan. Bà vẫn khăng khăng khẳng định ông chính là thủ phạm gây ra vụ mất trộm tại nhà bà. Như lần trước, để chứng tỏ mình không sợ hãi, đồng thời, muốn cho bà biết mình là một tên trộm tử tế, ông lại có mặt tại nhà bà ta theo đúng như “giấy hẹn”. Và ông lại viết tường trình như lần trước. Và, lạ lùng, cũng như lần trước, cầm tờ tường trình của ông trên tay, bà sĩ quan lại nở một nụ cười đắc thắng. Nụ cười ấy lại làm ông khó chịu. Vậy là, ngay lúc đó, ông đã lên kế hoạch lần thứ hai “đột kích” vào ngôi nhà tưởng như bất khả xâm phạm của người đàn bà lạ lùng này.
Đã nói là làm và đã làm thì lại… thành công mỹ mãn. Dường như dự đoán được ông sẽ quay lại nên bà sĩ quan trên đã cảnh giác. Bà ta nâng cấp hệ thống khóa cửa, khóa tủ của nhà mình. Thế nhưng, những thay đổi đó với ông không có nhiều ý nghĩa. Ông mở tất cả các loại khóa tối tân ấy một cách dễ dàng như ở nhà mình vậy. Vài ngày sau chuyến đột vòm ấy, chẳng chờ giấy “triệu tập”, ông chủ động tìm gặp khổ chủ với tờ tường trình rõ ràng trên tay. Tuy nhiên, lần này, đọc xong tường trình đó của ông, nụ cười đắc thắng trên khuôn mặt bà sĩ quan đã không xuất hiện. Bà chau mày khó chịu. Khi ấy, ông mới nhận ra “đối phương” đã hết kiên nhẫn với mình. Ông biết mình đã đi quá giới hạn.
Đúng như ông dự tính, chỉ ít ngày sau ông bị bắt. Với chứng cớ rõ ràng, ông bị kết án 3 năm tù. Năm đó ông vừa tròn 18 tuổi.
Tù là nhà, lệnh tha là… phép
Năm 1973, bởi cải tạo tốt, ông đã được ra tù trước thời hạn. Thế nhưng, cuộc sống nhàm chán nơi thôn quê đã chẳng thể níu giữ ông, kẻ mang đôi chân của con ngựa bất kham. Khi đó, ông nghĩ nơi bình yên ấy không thích hợp với mình. Vậy là ông đã dứt áo ra đi. Lang bạt khắp các tỉnh thành và ở bất cứ nơi nào, ông cũng lấy “nghề” đạo chích để kiếm tiền tiêu xài, thâu đêm suốt sáng với đám cô hồn dặt dẹo. Biệt hiệu Hưng “sóc” hay “Sóc bay” cũng gắn chặt với ông từ đây.
Tác oai tác quái được chừng 2 năm, năm 1975, ông bị bắt trở lại. Ông kể, lần phải đi “bóc lịch” ấy chẳng phải do “tài nghệ” ông kém mà bởi một chiến hữu khi sa lưới đã khai ra “nhân vật chính” của hàng trăm vụ trộm táo tợn là ông. Với “chiến tích” lẫy lừng đó, ông bị xử kịch khung, án 10 năm đằng đẵng.
Năm 1984, ông hết án. Những ngày đầu trở về, ông đã tự hứa rằng mọi tội tình với mình như vậy là đã quá đủ. Thế nhưng, ngựa quen đường cũ, ông lại sa chân vào vũng lầy tội lỗi lúc nào không hay. Và, chỉ chừng 1 năm sau, ông bị bắt ở Thái Nguyên. Như lần trước, ông “ăn” án kịch khung, 10 năm bóc lịch.
Thêm 10 năm ở tù, thêm hàng nghìn đêm bó gối sám hối, ăn năn, ông già đi trông thấy. Ông kể, năm 1995, khi trở lại quê hương, chẳng mấy ai còn nhận ra ông nữa. Mọi người đã quên sự tồn tại của ông trên cõi đời này. Đương nhiên, niềm tin vào ông cũng đã mất ngay cả ở những người thân yêu nhất. Ông thấy cô đơn, thấy tứ phía đều là ngõ cụt. Chán nản, ông định khăn gói ra đi, định tiếp tục cuộc đời giang hồ nay đây mai đó. Thế nhưng, có một sợi dây đã giữ chân ông ở lại. Sợi dây ấy chính là người mẹ của ông. “Đời người như con thuyền con ạ, trôi nổi dập dềnh thế nào đi chăng nữa thì cũng phải về bến đỗ thôi. Bến đỗ thế nào thì do chính con tìm đến”. Những lời tâm can mẹ ông đã nói ấy, đến giờ ông vẫn nhớ như in. Ông đã thực sự muốn cái tên “Sóc bay” chôn vùi vào quên lãng.
Suốt gần năm trời ông không ra khỏi nhà. Ông bảo, làm nguội lạnh cái máu giang hồ vất vả, khổ cực chẳng khác gì người ta cai nghiện ma túy. Thấy ông đã thực sự tu chí, gia đình giục ông lấy vợ. Chừng độ năm sau, một đám cưới ấm áp được tổ chức trước niềm hoan hỉ của người thân.
Có gia đình, ông cần mẫn hơn với nghề mộc gia truyền. Khi đã lấy lại niềm tin của gia đình, ông muốn khẳng định mình ở ngoài xã hội. Hễ làng, thôn có việc gì là ông lăn xả vào làm. Làm nhiệt tình, làm đâu ra đấy. Chính sự nhiệt tình ấy mà hình ảnh của ông đã dần được khẳng định. Năm 2004, ông đã được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Ông bảo, đó là phần thưởng bất ngờ mà trước đây, dù có nằm mơ ông cũng không bao giờ nghĩ tới.
Phù Khê mấy năm gần đây thay đổi nhiều. Nghề mộc đem lại cho người dân cuộc sống ấm no, sung túc. Bởi thay đổi nên trưởng thôn cũng có… nhiều việc phải làm. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nên ông vắng nhà luôn. Khi thì chỉ đạo người dân làm đường, khi thì tham gia cùng cánh thợ xây chùa, đình… Toàn việc nặng nhọc. Có thời gian thức đêm hôm để xây chùa cho thôn, ông gầy rộc. Nhiều người khuyên ông nghỉ nhưng ông bảo, ông nợ quê hương thì phải làm việc để trả món nợ đó.