Nói lắp với nhiều teen đã trở thành một nỗi ám ảnh, một căn bệnh “khó chữa” khiến cho các bạn ấy trở nên ngại ngùng trong giao tiếp và lâm vào nhiều hoàn cảnh dở khóc dở cười.
Tự ti…. vì nói lắp
Mỗi lần đến tiết kiểm tra đầu giờ là tim Phúc lại đập thình thịch vì lo lắng bị gọi lên bảng trả bài. Không phải vì Phúc không chuẩn bị trước bài ở nhà mà vì mỗi lần lên bảng căn bệnh nói lắp của Phúc lại được dịp “tái phát”. Bình thường Phúc có thể nói chuyện thoải mái với mọi người nhưng cứ bị gọi lên bảng là Phúc lại “ờ ờ, à à…vv” có khi đến 5-10 phút. Mỗi lần như vậy cả lớp lại được dịp cười đùa thỏa thích, thầy cô giáo cũng đành lắc đầu cho Phúc về chỗ. Vì thế nhiều lần thầy cô giáo vừa gọi đến tên Phúc thì lại cho ngồi xuống luôn. Trong lớp Phúc cũng rất ít khi được gọi phát biểu vì ai cũng sợ chờ Phúc nói xong thì sẽ mất cả tiết học. Bạn bè cũng thường lấy chuyện đó để trêu chọc Phúc hay nhại lại những câu Phúc nói “em em eeem thưa cô”. Dần dần Phúc trở nên khép mình hơn vì sợ mình càng nói thì càng trở thành trò hề trong mắt các bạn.
Nhưng trường hợp của Phúc xem ra vẫn “khá khẩm” hơn trường hợp của Thanh. Thanh không chỉ bị nói lắp và còn không phát âm được chuẩn giữa dấu sắc và dấu ngã. Tuy học rất giỏi nhưng trong lớp Thanh hầu như không chơi với ai. Vì khi nói chuyện Thanh thường gặp khó khăn khi nói câu đầu tiên, ề à mất rất nhiều thời gian nên không phải bạn nào cũng đủ kiên nhẫn để ngồi nghe Thanh nói. Do không phát âm rõ giữa dấu sắc và dấu ngã có lần Thanh đã vô tình nói từ “nước dãi” thành “nước …” đã khiến cho cả lớp được dịp cười nghiêng ngả. Câu chuyện đó cũng trở thành giai thoại trong cả khối lớp 9 khiến cho Thanh trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ.
Trong mắt bạn bè ở lớp Khánh được xem là chín chắn, người lớn hơn hẳn mọi người vì cách nói chuyện chậm rãi, từ tốn. Nhưng sự thật thì chỉ có người trong nhà Khánh mới biết nếu Khánh nói nhanh như mọi người thì sẽ bị lắp, nói mãi không thể dứt được một câu. Khánh chia sẻ: “Em cũng chẳng muốn nói chậm ề à như ông già thế nhưng cứ nói nhanh là em bị lắp. Em thích một bạn cùng lớp nhưng chưa bao giờ có đủ tự tin để rủ bạn ấy đi chơi cả. Bình thường trước mặt mọi người thì em có thể nói chậm và bình tĩnh được chứ còn trước mặt bạn ấy thì không biết thế nào. Cứ thế này khéo cả đời em chẳng bao giờ “cưa” được ai mất”.
Phương thuốc nào cho căn bệnh đáng ghét này?
Thông thường bệnh nói lắp, nói nhịu thường chỉ xảy ra khi còn bé và sẽ dần khỏi khi bạn đã lớn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp căn bệnh này theo các bạn ấy đến tận khi lớn. Và nó đã gây ra không biết bao nhiêu phiền toái cho những teen trót “sở hữu” căn bệnh đáng ghét này.
Nói lắp (hay còn gọi là nói cà lăm) là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại.Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Chứng nói lắp cũng có tính di truyền. Nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ. Một vài giả thuyết cho rằng có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não. Nhưng có nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố tâm lí trong việc nói lắp vì người ta thường nói lắp khi tâm trạng căng thẳng, hồi hộp hay lo lắng, run sợ…vv.. hoặc vì tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp.
Vì vậy để khắc phục tật nói lắp, việc đầu tiên teens cần làm là phải xóa bỏ các trở ngại về tâm lí. Các bạn cần phải luyện cách tự tin khi nói trước đám đông, kiềm chế các cảm xúc của mình. Đừng vì sợ nói sai mà e dè không dám nói. Nói chậm, chia lời nói thành các ý đơn gián sẽ khiến bạn dễ dàng hơn khi nói. Teens nên thoải mái tinh thần khi nói đừng vì một vài lời trêu chọc mà đã cảm thấy nản lòng.
Đặc biệt, bạn đừng quá trầm trọng hóa vấn đề, chỉ nên coi nói lắp là một căn bệnh thông thường, một cái tật hoàn toàn có thể chữa khỏi. Như vậy các bạn sẽ có niềm tin và nỗ lực hơn trong việc chữa chứng nói lắp.
Đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân thiết của mình là một trong những cách đem lại hiệu quả cao. Nhưng teens lưu ý là phải luyện tập đều đặn, kiên trì hàng ngày. Ngoài ra các bạn cùng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể dục thể thao và tập thở.