Chuyện là ở chỗ, khi bia đổ ra đường, hàng chục, rồi hàng trăm người xông vào hôi của. Họ đánh cả xe ba gác tới để chở bia, có người leo vào xe để lấy luôn cả những thùng bia chưa rơi ra trước sự bất lực của tài xế. Mặc cho tài xế và phụ xe van lạy, những kẻ cướp vẫn không động lòng trắc ẩn. Họ không cần biết anh tài xế đó sẽ phải gánh hết toàn bộ hậu quả, phải sửa chữa xe, phải đền bù số bia bị mất cho chủ hàng.
Đây là một vụ ăn cướp đúng hơn là một vụ hôi của. Ăn cướp công khai, ăn cướp tập thể, ăn cướp mà không biết mình đang là kẻ cướp. Họ tự biện minh cho mình rằng họ chỉ nhặt của rơi.
Đây là một vụ ăn cướp đúng hơn là một vụ hôi của. Ảnh: tuoitre.vn |
Còn nhiều vụ tương tự như thế. Người ta lao vào hôi của khi có đám cháy, khi có tai nạn giao thông xảy ra.
Trong những vụ cướp được gọi là hôi của này, có người lớn và có cả trẻ em tham gia. Có những người đem tài sản cướp được về nhà như một thành tích và con cái họ sẽ được giáo dục về cái thành tích “làm người” của họ. Quá nguy hiểm.
Còn nạn nhân của các vụ lợi dụng người khác lâm nạn để cướp của công khai này vừa bị mất tài sản vừa bị mất niềm tin vào xã hội mà họ đang sống. Khi con người ta bị mất niềm tin vào tha nhân, vào cộng đồng thì họ sẽ khó có thể đối xử tốt với chính cộng đồng đó.
Cái xấu, cái ác cứ thế mà xâm chiếm lấy xã hội cho đến khi lòng tốt, tình người không còn đất sống.
Những gì vừa xảy ra cho thấy con người cấu xé, cướp giật nhau để kiếm sống. Thậm chí, không phải để kiếm sống mà chỉ vì thói quen, vì quán tính của cái xấu, cái ác trong con người. Cũng cần phải nghiền ngẫm một câu hỏi, tại sao hôm nay chúng ta rêu rao nhiều giá trị đạo đức, nhưng cũng là lúc mà lòng nhân ái, tình người bị xem thường nhất, thiếu vắng nhất.
Có thể chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, một ngành kinh tế nghèo nàn, giáo dục, y tế lạc hậu, hạ tầng giao thông yếu kém. Nhưng thật khó để chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về một nền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng hiện nay.