Nghệ thuật sống 2012-01-16 04:32:20

Truyện ngắn viết về cha mẹ


Truyện ngắn viết về cha mẹ.

Câu hỏi

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang, không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi! Dạy hát cho tụi con đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi , cô dạy cho tụi trẻ bài Đi học về .
- Hát theo cô nè, "Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen…"
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ….!
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay….

—————————————


Viết cho cha

Con xin tiền đóng học phí học bằng B Anh văn. Cha nói: "Để cha tính".
Một lần sau giờ học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen - cha của con. Cha chạy honda ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm.


—————————————————–

Lãi

Quán rất nghèo, lèo tèo dăm chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.
Con trai càu nhàu:
- Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.
Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: "Lãi của quán, dành cho con". Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.

—————————————————–

Nhớ mẹ

Mẹ tôi bị chứng lở miệng. Mỗi lần bị lở mẹ ăn rất khó khăn. Khi ấy mẹ chỉ thích có tô cháo hành hoa cho dễ nuốt nhưng tôi thường tìm cớ né tránh để khỏi phải nấu. Thấm thoát mẹ mất cũng đã gần 10 năm.
Mấy hôm nay nuốt thức ăn thấy đau đau. Soi gương thấy hóa ra miệng có vết lở giống như mẹ ngày trước. Cầm tô cháo hành mà nước mắt tôi cứ lăn dài.

—————————————————–

Nguồn cội

Chị sắp có con đầu lòng, bao nhiêu niềm háo hức, mong đợi, hạnh phúc được chị thể hiện bằng cách sắm sửa cho con không thiếu thứ gì. Vậy mà hôm lên đón cháu về, má chị lại rầy: "Sao lại bận cho thằng nhỏ cái áo cũ mèm như vầy?" . Chị cười: "Má không nhớ cái áo này sao?" . Rồi nước mắt chợt rơi. Đó là cái áo má chị may bằng tay khi sinh chị mà chị còn giữ được tới bây giờ. Cái áo đó bốn đứa em của chị lúc nhỏ đứa nào cũng đã từng mặc qua.
—————————————————–

Mẹ ghẻ.

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ…
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc sẽ bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như cái tâm "bà mẹ ghẻ̉" thì ở lại mãi mãi với nấm mồ với dượng , còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu…

———————————————–

Những tờ báo của tôi


Mẹ tôi già, nguồn giải trí duy nhất là đọc báo. Mẹ thích đọc những bài báo của tôi. Có bài, tôi mua một tờ để đọc, tờ báo biếu để lưu. Tờ lưu tôi cất kỹ cho mới. Mẹ qua nhà tôi, lấy báo về đọc: " Mẹ đọc hết, không sót mục nào ". Bài viết của tôi, khi mẹ khen, khi mẹ chê. Thỉnh thoảng, cần lục tìm lại những bài báo, không thấy, tôi cằn nhằn: " Đọc xong mà mẹ không đem qua cho con ".
Bị tiểu đường, mắt mẹ mờ. Đi khám. Có hai hạt cườm đang che lấp dần con ngươi. Chưa mổ được, vì phải trị hết tiểu đường. Mắt mẹ mờ dần. Những tờ báo của tôi bây giờ nằm im gọn gàng trên kệ, hàng ngày từng lớp bụi áo lên. Chẳng có ai qua lấy báo về đọc, để tôi có dịp cằn nhằn mỗi khi tìm không thấy nữa.

—————————————————–

Soong cơm tráng

Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.
Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng soong cá ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!

Nguyễn Thanh Thanh


————————————————-

Cổng trường

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy".
"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy…
…Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".

Thanh Hải

——————————————————

Mẹ & con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.

—————————————————-

Nuôi con !

Nhà có cháu, bố mẹ đi làm cả ngày nên muốn thuê người ngoài. Bà nội muốn tự tay mình chăm sóc.
Mẹ làm ngành y rất kỹ lưỡng về vệ sinh, có ý không thích để bà nuôi. Một hôm mẹ làm về sớm thấy bà mớm cho cháu, không bằng lòng nên nói với bố. Đến tối, bố nói: bà nuôi theo kiểu dân gian, mất vệ sinh lắm nên cháu bệnh hoài, thôi để con thuê người chăm cho cháu.
Bà ngỡ ngàng, chống chế yếu ớt: con cũng lớn, mạnh khỏe mà có sao đâu!

——————

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?

Trời vẫn nắng, vẫn râm…

…Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

————————————————

Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:

- Cua rang muối thật đó mẹ.

Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:

- Còn răng đâu mà ăn?!

————————————————-

Phấn son

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh."
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…"
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

——————————–

Nghỉ lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…”

—————————————————–

Lời cuối

Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường, mắt nhìn đồng hồ: 12 giờ 20 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thoại. Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng, buông xuôi :
- Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa! Anh nói với Má vài tiếng đi!!
Tôi tuyệt vọng :
- Má đâu còn nghe được!?
Thằng em nài nỉ :
- Anh nói với Má vài tiếng đi, Má còn chờ anh đó!!
Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội :
- Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa.
Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại reo vang, giọng thằng em não ruột: "Má đã ra đi!"
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)