Sự “điên rồ, khác người đó” chỉ đơn giản là Phương muốn khám phá thế giới “bên ngoài lớp học” để tích lũy kiến thức lý thú cho mình.
Phương trên đỉnh đèo Hải Vân |
Trong một trưa nắng gắt bất thường ở tỉnh Bình Phước vào cuối năm 2008, tôi bắt gặp một cô bé nước da ngăm đen, lùn lùn, mặc chiếc áo khoác bạc màu và đeo ba lô có vẻ… bụi bặm đang đứng ven đường lộ. Tiến lại gần, mới nhận ra, con người “bụi bặm” đó chính là cô sinh viên Phạm Lan Phương. Thì ra, Phương vừa đáp chuyến xe khách từ TP HCM lên trường chuyên Lê Hồng Phong, thị xã Đồng Xoài để tìm viết về gương mặt một cậu học trò điển hình về vượt khó học giỏi cho chương trình: “Vượt lên số phận”.
Từ tác phẩm báo viết, Phương đã chuyển thể thành kịch bản phim cho chương trình cùng tên trên Đài truyền hình TP HCM - HTV7. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, khi nói chuyện với tôi, Phương nhẩm tính: “Em viết không biết bao nhiêu mà kể anh ơi!”.
“Lúc còn học ở quê, em chỉ chăm chú học tập, chưa bao giờ đi ra ngoài nên không biết gì về mặt xã hội. Vào Đại học, thấy bạn bè đi đây đi đó, biết và kể hăng say về từng địa danh. Em cảm thấy hụt hẫng. Hơn nữa, là sinh viên báo chí, sau này đi làm báo mà không biết gì về phong cảnh, con người ở những địa danh thì… toi. Thế là em quyết định đi để xem 'thế giới bên ngoài' có gì đặc biệt. Em tâm niệm, trước 20 tuổi phải làm một việc gì đó thật 'điên rồ', khác người”, Lan Phương dí dỏm.
Cô sinh viên trải lòng trước không gian mênh mông trên đỉnh đèo Hải Vân |
Không thể kể hết những chuyện vui, buồn từ những chuyến đi xe đạp ngắn (so với Phương). Đó là lần đi Vũng Tàu, 21h tối, Phương đạp xe đến bùng binh nghĩa trang liệt sĩ (bùng binh lớn nhất Đông Nam Á). Mệt rã rời, Phương căng lều tạm để ngủ qua đêm thì 2 dân phòng xuất hiện. Bác dân phòng bảo: “Con có biết nơi đây đêm tối thanh niên thường đua xe, rượt chém nhau ầm ầm không?”. Phương nghe lạnh nổi gai ốc. Thế là, bác dân phòng gửi Phương ở nhờ nhà một người mẹ trẻ. Thấy cô gái bé nhỏ, tính tình dễ thương, chị chủ nhà cho ở vài ngày liền mà hoàn toàn miễn phí.
Sau chuyến đi Vũng Tàu, thấy chưa… đã. Phương lại cọc cạch đạp xe lên Lâm Đồng, nơi có thành phố Đà Lạt mộng mơ trong sương mù, vi vu ngàn thông. Lúc qua đèo Bảo Lộc đã là đêm khuya. May có một ngôi chùa, Phương vào xin ngủ nhờ… Sáng hôm sau, thầy xoa cho Phương dầu xá xị (thứ dầu do nhà sư tự làm chiết xuất từ tinh dầu của một loại cây thuốc), chân Phương hết bỏng rát và cô bé lại lên đường.
Đến Đà Lạt, do không biết được cái rét buốt nghiệt ngã của thời tiết nơi này, cô bé không chuẩn bị áo ấm nên phải chống chọi cái rét trong cực hình nên đành xuôi xe về TP HCM, kết thúc hành trình 7 ngày lên vùng “Sapa” Tây Nguyên với lộ phí chỉ vỏn vẹn 400.000 đồng.
Phương cùng “bạn đường” Lê Văn Sơn trong chuyến đi xuyên Việt |
Những chuyến đi ngắn ngày thành công, tạo cho Phương sự tự tin cho hành trình xuyên Việt từ TPHCM ra Hà Nội với chặng đường dài 1.700km. Sau khi nghiên cứu kỹ vị trí địa lý, khí hậu từng vùng miền, văn hóa dân tộc… Phương cùng cậu bạn học chung lớp Báo chí Lê Văn Sơn quyết định lên đường. Hành trang của họ lần này có thêm bếp gas di động, lương khô, đồ ăn bổ dưỡng, gia vị. Để tới đâu cũng có thể tự nấu ăn được.
Mục đích của chuyến đi rất đơn giản: để biết thủ đô Hà Nội của nước ta như thế nào. Thế là hè năm thứ 2 trên giảng đường đại học (2007), 2 cô cậu sinh viên Phạm Lan Phương và Lê Văn Sơn xuất phát lên đường. Qua mỗi tỉnh, thành cả 2 lại dừng xe, vào tiệm internet post hình lên blog để cho bạn bè xem và an tâm khi biết họ vẫn an toàn. Thế là ròng rã qua 45 ngày, cả 2 cũng đã đến Hà Nội, rồi cùng nhau leo lên đỉnh Fansipan để ghi tên mình trên nóc nhà… Việt Nam.
Bỏ qua hết những khó khăn, điều đọng lại trong chuyến đi của Phương chính là tình người. Cho đến bây giờ, Phương còn nhớ như in, một chiều dưới chân đèo Hải Vân phía thành phố Đà Nẵng. Phương và Sơn định leo đèo xong, đến Lăng Cô (Huế) là kịp nghỉ tối. Nhưng một chị dân địa phương khuyên can họ không được leo núi trong đêm với những nguy hiểm đang rình rập rồi dẫn về nhà nấu ăn và cho ngủ nhờ. Sáng hôm sau, 2 bạn lại lên đường. Khi vừa xã dốc xuống phía Lăng Cô thì xe Phương gãy liền 5 cây tăm. “Hú hồn… may mà gãy ban ngày, chứ tối hôm trước mà liều leo đèo, gãy tăm giữa núi rừng chắc em chết mất”, Phương rùng mình hồi tưởng lại.
Rồi Phương tiếp: “Không biết em có phải là loại người may mắn hay sao nhưng em luôn luôn được mọi người giúp đỡ trong những phút bất ngờ như thế”.
Phương ở Angco Thom - Campuchia |
Cô sinh viên Phạm Lan Phương với bút danh Khải Đơn từng xuất hiện khá nhiều trên báo Tuổi trẻ, Áo Trắng, Sài gòn tiếp thị, truyền hình HTV7 và trên các tạp chí…
Ban đầu, Phương rất muốn làm tin thời sự. Được xông xáo trên từng cây số với những tin nóng hổi thật là hấp dẫn. Nhưng yêu cầu của thể loại này lại đòi hỏi nghiêm ngặt tính: nhanh - đúng - kỹ. Phương cảm thấy “ngộp” trước quy định “bất di bất dịch” của thể loại này. Phương xoay ngòi bút của mình qua thể loại ký sự, chân dung. Thể loại này trở thành thế mạnh sở trường và Phương khẳng định được mình qua từng bài viết.
Ngoài giờ lên lớp, cô sinh viên lặn lội từng ngõ ngách để phác họa chân dung những nhân vật mà mình gặp. Trong một lần tình cờ, nhà báo Võ Đắc Danh thử nghiệm năng lực cô học trò mình bằng những bài viết cho chương trình: “Vượt lên số phận”. Thế là, không quản ngại khó khăn, Phương khăn gói lên đường đến tận nhà của những mảnh đời để viết về họ. Từ những bài viết của Phương, đạo diễn chuyển thể dựng thành phim phát trên đài truyền hình TP HCM - HTV7.
Phương trên đỉnh Fansipan |
Nói về kế hoạch sắp tới, Phương cho biết sẽ cố gắng thi lấy bằng Cử nhân báo chí và làm việc chính thức ở một tờ báo với mảng chuyên sâu vẫn là Chân dung, ký sự.
Theo Dân Trí