Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit và nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát đảo địa chấn đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, khoảng 90-116 hải lý. Trung Quốc còn cho san lấp đảo mở rộng Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo.
"Những việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với tinh thần tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định.
Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam. Ảnh: Trí Tín. |
Bà Phương Nga cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với các cấp của Trung Quốc để bày tỏ ý kiến chính thức về vấn đề này, nhưng cho đến nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động nói trên.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông", bà Phương Nga nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thừa nhận rằng trong thời gian qua trên biển Đông "có những diễn biến phức tạp". "Vì vậy cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông và khu vực", bà Nga nói.
Hồi tháng 6, Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa và khuyến khích đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không có người ở. Việc này, một lần nữa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần tuyên bố DOC.
Trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, tháng 4/2010, nhóm công tác về DOC của Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc họp. Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ gặp để bàn về việc thực hiện DOC trong thời gian tới.
Thời gian gần đây vấn đề Biển Đông thu hút sự chú ý của giới quan sát, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết ổn thỏa các tranh chấp ở biển Đông, và rằng Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện giúp các bên thương lượng để đạt được giải pháp. Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề này.
Biển Đông là nơi có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và thế giới, chứa nhiều trữ lượng khoáng sản và có tuyến đường biển quan trọng nối từ Ấn Độ Dương sang Đông Á.