Đua nhau cai nghiện
“Đoàn kết là sức mạnh, tinh thần của chúng ta còn mạnh mẽ hơn sắt thép” - Đó là những khẩu hiệu mà vài chục thiếu niên Trung Quốc đứng trong một đội hình hô lên trước khi “hành quân” về phía căng- tin để ăn trưa. Đây không phải là một trại lính. Đây là một “trại” cai nghiện Internet.
Tại một trong những “trại” cai nghiện net đầu tiên của Trung Quốc như Trung tâm Phát triển Tâm lý vị thành niên, mỗi thiếu niên phải trải qua ít nhất 3 tháng được “điều trị” để giảm bớt bệnh nghiện net. Trung tâm này có thể điều trị khoảng 100 đứa trẻ một lúc. Nhưng con số đó vẫn là rất nhỏ tại Trung Quốc, nơi có khoảng 10 triệu thiếu niên và trẻ em bị xếp vào dạng nghiện Internet trong tổng số 340 triệu người nghiện.
Nghiện Internet đang là một vấn nạn ở Trung Quốc, từ thanh niên tới các em nhỏ.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Internet Thanh thiếu niên Trung Quốc, cả nước này hiện đang có 400 trung tâm điều trị tư nhân. Tuy nhiên Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, không một trung tâm nào đăng ký với nhà chức trách. Hoạt động điều trị bệnh của các trung tâm này đã gây ra nhiều tranh cãi bởi phần lớn chúng đều dùng bạo lực hoặc kỷ luật sắt để uốn nắn “con nghiện”.
Đào Nhiên, giám đốc một viện chữa nghiện net ở cạnh Bắc Kinh nói rằng bạo lực là chuyện chẳng có gì ngạc nhiên trong các trung tâm chống nghiện. “Gần như toàn bộ những đứa trẻ đó đều có vấn đề thực sự về tâm lý. Chúng có thể gặp khó khăn trong cách hành xử và các cô giáo bình thường không được huấn luyện chúng. Các cô sẽ coi những đứa trẻ đó là cá biệt và không hề biết rằng chúng đang mắc bệnh” - ông Đào nói.
Đủ loại biện pháp
Để chữa bệnh, các trung tâm đã tìm ra hàng loạt phương thức điều trị khác nhau. Như tại trung tâm của Đào Nhiên, liệu pháp điều trị là sự kết hợp giữa khuyên răn, kỷ luật, dược phẩm và thôi miên. Trung tâm của Đào được tổ chức như một doanh trại quân đội, trong đó người nghiện phải dậy từ 6 giờ để thực hiện các bài tập đội hình, thể lực quân sự và được tư vấn trong cả ngày đến lúc 21 giờ 30.
Ngoài việc trên, bệnh nhân còn phải theo học một khoá đào tạo 3 tháng để tham gia các hoạt động thiết lập sự tự tin, giáo dục giới tính và sử dụng dược phẩm. Mở cửa từ năm 2004, trung tâm của ông Đào đã là địa chỉ được nhiều phụ huynh Trung Quốc tin tưởng gửi gắm con.
Cai nghiện bằng… kỷ luật quân đội.
Tương tự, bệnh viện Đại Hưng ở phía nam thủ đô Bắc Kinh cũng là địa chỉ điều trị cho các thanh niên nghiện Internet ở Trung Quốc. Để cai nghiện, các bác sĩ áp dụng các phương pháp như trò chuyện, tư vấn, thiết quân luật, thôi miên và châm cứu. Bác sĩ luôn khuyến khích người nghiện đối mặt với thế giới thực tại. Tất cả bệnh nhân phải tự giặt quần áo, chơi với đồ chơi thật và vẽ tranh bằng bút vẽ thông thường, dậy từ 6h30 sáng, tập thể dục và trị liệu.
Mới nhất, tân tiến nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất tại Trung Quốc là phương pháp cai nghiện Internet bằng… điện! Người tiên phong trong liệu pháp này là bác sĩ Dương Vĩnh Tín, 46 tuổi, ở Bệnh viện Nhân dân số 4 tại Lân Nghi, tỉnh Sơn Đông. Báo giới Trung Quốc đã có nhiều bài phỏng vấn, bài viết ca ngợi chiến công của bác sĩ Dương cũng như miêu tả liệu pháp xung điện, thực chất là cho điện giật vào người bệnh nhân mà giúp họ rời xa được Internet.
Bệnh nhân sẽ được điều trị kết hợp nhiều biện pháp, gồm uống thuốc an thần, tư vấn tâm lý và đặc biệt là sốc điện trị liệu (ECT). Phương pháp này vốn sử dụng cho các bệnh nhân tâm thần hoặc người bị trầm cảm nặng và muốn tự sát. Người ta đấu điện cực vào thái dương hoặc ngón tay của người nghiện, rồi dùng dòng điện có cường độ từ 1- 5 milliampere gây giật để kích thích não bộ tạo ra phản xạ có điều kiện. Khi con nghiện muốn sử dụng Internet, phản xạ từ việc điều trị sốc điện sẽ khiến họ nhớ lại cảm giác đau đớn và không còn ham muốn nữa.
Các "con nghiện" trong một trung tâm cai nghiện Internet kêu cứu.
Theo điều tra của tờ China Daily, mỗi bậc phụ huynh đưa con tới điều trị ở chỗ của Dương phải ký một thỏa thuận trong đó cho phép con cái họ được điều trị bằng sốc điện. Họ cũng phải đóng khoản tiền khổng lồ lên tới 6.000 NDT (878USD)/tháng cho việc chữa bệnh vốn kéo dài liên tục trong 4 tháng.
Suốt một thời gian dài, khoảng 3.000 thanh thiếu niên Trung Quốc đã bị lừa hoặc bị ép tới tham gia chương trình cai nghiện của Dương. Song chi tiết của hoạt động điều trị gây sốc này mới chỉ được tiết lộ gần đây, sau khi một số bệnh nhân đã được điều trị “thành công” tiết lộ rằng họ thường xuyên bị trích điện và dòng điện rất mạnh, có lúc lên tới 200 milliampere. Tháng trước, Bộ Y tế Trung Quốc đã cấm việc sử dụng liệu pháp sốc điện để điều trị nghiện Internet.
Những hệ quả thương tâm
Nạn nhân Đặng Xà San bị đánh chết trong một trung tâm cai nghiện.
Tuần này, báo chí Trung Quốc cho biết gia đình Đặng Xà San, 16 tuổi, đã được đền bù 1 triệu NDT (khoảng 146.000 USD) tiền bồi thường do cậu bé bị đánh chết chỉ vài giờ sau khi được đưa tới một trung tâm cai nghiện. Đặng Phi, bố của nạn nhân nói rằng ông đã chi khoảng 1.000 USD để gửi con trai tới học tại một trường giáo dưỡng ở Quảng Tây trong một tháng, mục đích là để cậu thoát khỏi chứng nghiện Internet.
Tuy nhiên, theo ông, đứa con trai đã bị biệt giam ngay sau khi chuyển đến và bị đánh đến chết bởi các giám thị. “Con trai tôi rất khỏe mạnh và không phải là một tội phạm. Nó chỉ nghiện Internet khi tôi gửi nó tới trại”, ông Đặng nói với tờ Global Times - “Chúng tôi không thể tin nổi đứa con trai duy nhất trong gia đình đã bị đánh đến chết”.
Một cậu bé 14 tuổi khác cũng bị đánh tới hỏng thận và thiệt mạng tại miền Trung và gia đình em sẽ được nhận số tiền bồi thường 250.000 NDT (36.500 USD). Yao Jun, 37 tuổi, cha đẻ đứa trẻ thứ 2 thiệt mạng cho biết: “Tiền sẽ không thể xoa dịu nỗi đau mất con của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hy vọng tấn thảm kịch này sẽ dóng lên hồi chuông cho các bậc phụ huynh và chính phủ để tránh xảy ra những thảm kịch tương tự”.
Chữa nghiện bằng giật điện.
Điều đáng nói là phản ứng của những đứa trẻ, các nạn nhân trực tiếp trong chuyện này. Không ít em đã coi việc cha mẹ đưa mình tới trung tâm cai nghiện chỉ đơn giản là để họ được rảnh tay. “Cha mẹ không quan tâm tới cháu” - một đứa trẻ 15 tuổi đang cai nghiện tại trung tâm của Đào Nhiên nói với tờ Times of London.
Ngồi ủ rũ trên ghế, trong bộ quần áo ngụy trang của quân đội, cậu bé kể: “Cháu đã bảo bố mẹ mang cho ít quần áo nhưng cháu đã ở đây trong 28 ngày trời và họ chỉ mang cho cháu có một đôi giầy thể thao. Liệu cháu còn phải ở đây trong bao lâu. Không có cách nào để cháu có thể ra khỏi đây trước thời hạn 90 ngày. Đúng là cháu có dành nhiều thời gian lên Internet, nhưng chỉ là vì cháu mong muốn được trở thành một người phát triển phần mềm mà thôi”.