Chuyện shock 2010-04-25 05:16:04

Trò giải trí nguy hiểm: “Cẩu phê” hay lối chơi thử chết


Trong lớp tuổi mới lớn ở Nga đang có một thú giải trí nguy hiểm nhưng lan tràn khá nhanh. Tiếng lóng trong giới teen dùng với nhau gọi trò chơi tử thần này là “cẩu phê” (sobachii kaif).



Thực chất của trò chơi là ở chỗ, đứa trẻ tự đưa mình đến trạng thái ngạt thở bằng cách dùng bất cứ phương tiện gì như sợi dây, chiếc khăn nilon mỏng, hoặc có sức tác động của người thứ hai… vừa xiết hoặc ấn mạnh vào cổ vừa thở dồn như tiếng chó hộc. Xiết chặt cổ như vậy khoảng 5-7 giây. Vào khoảnh khắc mất ý thức và choáng ngất vì ngạt và máu không lên não, bắt đầu nảy sinh trạng thái ảo giác phi thường, dường như sa vào một thế giới khác, giống như khi dùng ma túy. Sau đó, nếu may mắn, đứa trẻ sẽ quay trở lại với đời sống.

Cơ quan bảo vệ trật tự pháp lý của Nga không nêu con số cụ thể, nhưng cho biết rằng, nguy cơ trước hết với những thiếu nhi mới lớn ham trò thử sức lạ đời này thường là tử vong, trước khi kịp nới lỏng sợi dây thắt quanh vòng cổ niên thiếu gầy nhỏ. Nếu thoát chết và tái diễn, trò chơi thắt cổ sẽ dần biến thành thói quen. Thiếu niên ưa tìm cảm giác mạnh và lạ bằng cách xiết cổ khi lớn lên sẽ không thể sống đời sống tình dục bình thường – không đạt hưng phấn khoái cảm cao độ nếu thiếu động tác chẹt mạnh gây áp lực vào khí quản.

Có thể thấy một điển hình tăm tối là cái chết của ngôi sao điện ảnh Mỹ David Carradine ngày 3/6/ 2009 ở Băng Cốc, Thái Lan. Người đàn ông từng sắm nhiều vai diễn nổi bật của điện ảnh Hollywood, nhất là vai Bill trong bộ phim Giết Bill (Kill Bill - đạo diễn Quentin Jerome Tarantino) và sau cùng là phim Mùa thu (Autumn – đạo diễn Steve Rumbelow) đã qua đời đột ngột trong căn phòng khách sạn bởi trò chơi “tự ngưng kết tố” - tự thỏa mãn bằng một sợi dây.

Bất kể cảnh báo “ai có vấn đề với tim không nên lặp lại thử nghiệm”, những cộng đồng kỳ quái của trò chơi thắt cổ cứ thu thập thêm thành viên. Riêng ở vùng ngoại ô Matxcơva đã có hàng nghìn “dân chơi” như vậy.

Kẻ nào đứng đằng sau trò chơi



Giới chuyên gia Nga tin rằng, núp đằng sau những công thức hướng dẫn, qui trình hành động thử cảm giác lạ trên internet hẳn là những người lớn, bằng cách như vậy hoạch định “công nghệ đen” điều khiển lớp trẻ như một hứng thú bệnh hoạn và tàn nhẫn. Các nhà tâm lý học xác nhận rằng có kẻ nào giống như đang trau dồi phương thức phá hoại sự trong trắng của trẻ nhỏ.

Nhà nghiên cứu Sergei Kliuchnikov của Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga (RAEN) nhận xét: Trong cách phổ biến trò giải trí đã thể hiện chính xác sự hiểu biết về tâm lý thiếu niên. Bản năng tự bảo tồn cũng như khả năng tự giác báo động về nguy cơ chết chóc ở trẻ em là rất thấp. Trẻ chưa hề có kinh nghiệm và hiểu biết gì về mối nguy hiểm chết người mà chúng tự đẩy mình vào. Đơn giản là trẻ không hề suy tính về chuyện đó. Trong trò chơi tử thần này chứa đựng công nghệ hủy hoại nào đó. Chí ít cũng là một dạng thí nghiệm công nghệ điều khiển và quản lý. Hiển nhiên, tự trẻ em không thể nghĩ ra những thứ này. Hơn nữa lại đặt vào dòng công nghệ thứ giải trí hiểm độc như thế.

Tuy nhiên, Nga không phải là nơi khởi phát trò chơi tử thần. Ngay mấy năm về trước, cơ quan công quyền Mỹ đã từng vấp phải hiện tượng này, và phải nói họ đối phó cũng đã mạnh tay. Thế nhưng đóng cửa các site chẳng đem lại kết quả mong muốn. Đóng hôm trước thì ngay ngày tiếp theo những trang điện tử mới đã lại mọc ra như nấm sau mưa.

Internet hay dở khôn lường



“Thủ phạm” khiến thú giải trí bệnh hoạn nguy hại phát tán ngày càng rộng chính là mạng Internet. Thông tin về cách thức đạt tới “cẩu phê” đăng tải trên các site của tuổi mới lớn, trong chuyên mục tưởng chừng vô hại là “Nghệ thuật và giải trí”. Trên mạng điện tử toàn cầu đã xuất hiện hàng trăm site, trong đó mô tả tỉ mỉ “công nghệ” thắt cổ. Tại các diễn đàn mạng, trẻ em chia sẻ cảm giác, bình phẩm, tán tụng và tìm kiếm đối tác, vì rằng như nhà điều hành mạng đã “chu đáo” cảnh báo, cuộc thí nghiệm giật gân cần tiến hành có đôi! Trên những site và forum tương tự ở Runet – mạng điện tử của Nga – đã có đăng ký của hơn 15.000 trẻ em ở độ tuổi 12-15. Và con số thành viên của những website quái đản này tăng lên hàng ngày.

Một chuyên viên IT nổi tiếng của Nga là ông Andrei Naumchik nhận xét: «Cẩu phê» - không phải là phương thức mới để thử cảm giác lạ, nó có tiếng từ lâu, chẳng qua thời nay với sự trợ giúp của Internet thì phát tán nhanh hơn rộng hơn mà thôi. Tại Mỹ người ta gọi chính Internet là thứ lây lan thú vui chết người này, y như bệnh truyền nhiễm. Đóng cửa và quét sạch toàn bộ các diễn đàn mạng, nhóm trong các mạng xã hội là chuyện không thể. Sẽ lập tức lại có trang mới. Vì thế để bảo toàn con trẻ chỉ có kiểm soát của cha mẹ.

Theo thống kê, chỉ có gần 10% trẻ em dùng Internet cho học tập, 90% còn lại lướt mạng là để giải trí và giao tiếp. Trong thế kỷ công nghệ thông tin ngày nay, các bậc cha mẹ cũng cần hiểu biết nhiều hơn về mạng, và để mắt tới con mình không chỉ ở đường phố và nhà trường, mà cả trong mạng điện tử toàn cầu. Không ngẫu nhiên mà Internet có tên gọi là “mạng”. Hãy hình dung đến mạng nhện khổng lồ giăng mắc và sẵn sàng trói chặt con mồi yếu ớt”.

Các chuyên gia Nga đang dự đoán về sự xuất hiện những phương thức thông tin tàn độc hơn nữa để cuốn hút lứa tuổi đang lớn vào mạng. Còn cơ quan bảo vệ trật tự pháp lý của Nga thì nói rằng hiện thời chỉ có một phương thức duy nhất để đấu tranh với “bệnh dịch tả” này – đó là sự kiểm soát cứng rắn từ phía những người lớn, cả ở nhà và ở trường.

Theo Vietnamnet
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)