[justify] Đối với tuổi dậy thì phần lớn nổi mụn trứng cá ở mặt, hầu hết tình trạng này giảm và khỏi hẳn khi sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên ở một số người, tình trạng nổi mụn vẫn tiếp diễn thời gian dài gây phiền muộn đáng kể. [/justify]
[size=1]Bạn trẻ tuổi dậy thì thường nổi mụn ở mặt - Ảnh: N.C.T.[/size]
Điều đáng nói là không ít người tự điều trị mụn theo lời truyền miệng, kể cả tự ý dùng thuốc tránh thai nhằm cải thiện tình trạng mụn. Trong điều trị mụn có dùng thuốc tránh thai theo kiểu “đau nam chữa bắc” hay thuốc có tác dụng thật sự?
Trước hết, mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa, chất bã nhờn bị ứ đọng ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Khi nhân mụn thành hình thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.
Đối với thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, nổi mụn ở mặt có thể xem là chuyện bình thường. Khi đến tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục phát triển, bài tiết các hormon (nội tiết tố) sinh dục làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá đáng đưa đến nổi mụn. Và hormon sinh dục góp phần gây mụn chính là androgen (còn gọi testosteron tức hormon sinh dục nam). Nên lưu ý trong cơ thể người nữ vẫn có androgen (theo đúng lý luận Đông y, trong âm có dương, trong dương có âm), vì thế ở phụ nữ vẫn có thể bị nổi mụn.
Đối với người trưởng thành, thậm chí ở tuổi trung niên vẫn có thể bị mụn do không có sự cân bằng các hormon sinh dục, hormon androgen hoạt động quá đáng.
Hai loại thuốc
Do có ba yếu tố chính dẫn đến mụn: sự tăng tiết bã nhờn, sự tăng sừng hóa của da tại miệng nang lông và sự phát triển bất thường của vi khuẩn P.acnes nên tác dụng của các thuốc trị mụn là tác động đến ba yếu tố đó. Có thể chia thuốc làm hai loại chính:
- Thuốc điều trị tại chỗ: là các loại thuốc bôi.
- Thuốc điều trị toàn thân: gồm các loại thuốc uống cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì thường phải dùng kéo dài (trong nhiều tháng) có thể gây tác dụng phụ và thuốc chỉ dùng khi bị mụn loại nặng. Trong số đó có thuốc là hormon sinh dục nữ: chỉ dùng cho phụ nữ trưởng thành (nữ dưới 16 tuổi không được dùng) khi có sự tăng tiết bã nhờn quá nhiều và các cách điều trị khác không đem lại kết quả. Hiện nay có một số loại thuốc được thông tin vừa trị mụn vừa ngừa thai.
Như vậy trong điều trị mụn có khi phải dùng thuốc hormon sinh dục nữ, và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có trường hợp bác sĩ chỉ định dùng thuốc tránh thai cho phụ nữ mặc dù người này còn rất trẻ chưa lập gia đình. Bởi vì thuốc tránh thai chính là thuốc chứa hormon (như thuốc tránh thai phối hợp chứa cả estrogen và progesteron là hai hormon sinh dục nữ).
Bốn điều lưu ý
Xin được nhấn mạnh các thuốc trị mụn loại uống nói chung cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn sử dụng. Riêng đối với thuốc tránh thai lưu ý những điều sau:
Cũng giống như bất cứ loại thuốc nào khác, thuốc tránh thai có hai phần song song: lợi và hại. Chính do có phần hại, nếu sử dụng không đúng sẽ gây tai biến cho người dùng thuốc, nên dùng để tránh thai vẫn phải đi khám để bác sĩ “sàng lọc” xem đối tượng thích hợp sử dụng loại thuốc tránh thai nào (thuốc tránh thai có nhiều loại, có loại không dùng được cho phụ nữ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gan, trên 35 tuổi và có hút thuốc lá…) và hướng dẫn sử dụng đúng cách. Hoàn toàn không nên nghe lời truyền miệng và tự ý dùng thuốc tránh thai.
Nếu phải dùng thuốc tránh thai trị mụn, phụ nữ đang cần tránh thai thì rất tiện, bác sĩ sẽ chỉ định dùng, tận dụng hai tác dụng của thuốc vừa tránh thai vừa trị mụn.
Đối với phụ nữ trẻ chưa lập gia đình hoặc không phải dùng biện pháp tránh thai mà chỉ muốn trị mụn loại nặng, an toàn nhất là nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chữa trị đúng cách. Xét thấy cần thiết bác sĩ sẽ cho dùng thuốc tránh thai và hướng dẫn dùng an toàn, hiệu quả.
Đối với nam giới thì không được dùng thuốc tránh thai để trị mụn.
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)/Mr.Ghost