Tâm sự - chia sẻ 2012-01-25 18:03:13

Trị “kẻ bất hiếu” ra sao


[justify]Hành vi đánh đập, ngược đãi ông bà, cha mẹ không phải lúc nào cũng xử lý hình sự được.[/justify]

Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình với thông tin về hành vi bất hiếu của một người đàn ông ở Gò Vấp đối với mẹ mình. Dư luận lên án và đòi hỏi phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo quy định, không phải bao giờ cũng có thể xử lý hình sự mà tùy trường hợp phải xử lý, giáo dục bằng nhiều biện pháp khác.

Xưa bất hiếu là đại tội!

Dân tộc Việt Nam có truyền thống trọng chữ hiếu. Thời xưa trong bất cứ trường hợp nào con cháu cũng phải giữ đạo hiếu với ông bà, cha mẹ. Thời của tổ tiên ta, con cái chỉ cần làm trái lời dạy bảo của cha mẹ; rủa mắng ông bà, cha mẹ; nuôi nấng cha mẹ không chu đáo… đã là phạm tội hình sự, bị liệt vào “thập ác” - một trong mười tội lớn nhất của con người. Người phạm tội bị phạt đồ hình (đày đọa làm việc nặng nhọc, cực khổ), bắt làm khao đinh (bắt phục vụ cho lính ở chiến trường)… Trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh dằn mặt 80 trượng để răn đe cho chừa thói hư bất hiếu… Những bộ luật lớn của tổ tiên ta như Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ XV), Bộ luật Gia Long (thế kỷ XIX) đều quy định tương tự như vậy.

Cổ luật Việt Nam qua mấy trăm năm áp dụng đã ăn sâu vào đời sống dân tộc ta, trở thành phong tục tập quán, thể hiện qua cách xử sự của nhân dân trong đời sống thường ngày. Hành vi bất hiếu dù mức độ nào cũng gây xúc động sâu sắc trong tâm tư, tình cảm của nhiều người, bị dư luận lên án kịch liệt. Công luận tỏ thái độ không đồng tình với cách xử lý xuê xoa như dung thứ, bao che cho kẻ công khai thách thức đạo đức xã hội.

Nay “bất hiếu” có thể bị xử phạt hành chính!

Ngày nay, tuy pháp luật nhà nước không có điều luật nào quy định “bất hiếu” thành một tội danh độc lập, song hành vi ấy vẫn bị xử lý phù hợp theo từng mức độ.

Về nguyên tắc, hiện tượng đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ đều là hành vi trái pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ: con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ… Người vi phạm nghĩa vụ nói trên, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính, bị chủ tịch UBND phường, xã xử phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng (theo Điều 11 Nghị định 87 ngày 21-11-2001 của Chính phủ). Biện pháp hành chính chủ yếu là nhằm giáo dục để cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa và chấm dứt hành vi vi phạm.

Không còn cách giáo dục mới tới hình sự

Theo quan điểm hình sự của nhà nước ta, đối với “kẻ bất hiếu”, giáo dục, uốn nắn là chính, nhằm giúp họ tự khắc phục khuyết điểm trong cuộc sống gia đình. Trường hợp nghiêm trọng mới xử lý hình sự.

- Hành vi đâm, chém, đấm, đá, đánh đập ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 104 Bộ luật Hình sự) với tình tiết tăng nặng do người bị đánh đập là ông, bà, cha, mẹ. Khác người dưng ở chỗ dù thương tật gây ra chưa tới 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng vì đây là loại tội chỉ bị khởi tố khi nào có yêu cầu của người bị hại (theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự) nên nếu ông bà, cha mẹ bị đánh không có yêu cầu thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự người con bất hiếu.

Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là nhằm mục đích khơi động từ tâm, đạo đức của con cháu, đồng thời hàn gắn tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình chứ không phải trường hợp nào nhà nước cũng xông vào. Làm như vậy không những không xoa dịu được vết thương xã hội mà có khi lại vô tình làm cho gia đình xào xáo trầm trọng thêm, gây đau khổ thêm cho người trong cuộc.

- Hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ (như đối xử tàn nhẫn, trái đạo đức, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho ông bà, cha mẹ) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ (theo Điều 151 Bộ luật Hình sự). Nhưng cần lưu ý: hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng (như gây ra cái chết cho người bị hại; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của ông bà, cha mẹ từ 21% trở lên; ông bà, cha mẹ phải bỏ nhà đi lang thang, đau khổ…). Hoặc hành vi này đã từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính rồi mà còn vi phạm…

Đối xử không tốt với cha mẹ vốn là khuyết điểm trong lối sống tư riêng nên biện pháp hữu hiệu nhất là nhờ sự giúp đỡ giáo dục để người vi phạm trở nên tốt hơn. Nhân dân khu phố, xóm ấp có thể qua các cuộc sinh hoạt tập thể, với sự hướng dẫn của Mặt trận và các đoàn thể, nhất là Hội Phụ lão có tiếng nói vào để giúp những người con có dấu hiệu bất hiếu tự giác ăn năn, tự nhận ra khuyết điểm của mình để sửa đổi phong cách sống với sự giám sát, giúp đỡ của bà con xóm giềng.

Dù sao phản ứng quyết liệt mấy ngày qua đối với vài sự việc điển hình xảy ra gần đây cho thấy công luận đã góp phần đắc lực làm tốt mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)