[justify]Thời gian gần đây, Việt Nam được phóng viên nước ngoài khá quan tâm bởi vị thế đang lên của quốc gia cũng như những vấn đề nổi cộm trong nước. Và lần này, phóng viên Natalie Allen của CNN đã đề cập đến một vấn đề dù đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng lại khiến không ít người phải ngậm ngùi suy ngẫm, đó là cuộc sống khổ cực của những đứa trẻ mưu sinh nơi bãi rác. Dưới đây là lược dịch bài viết này:[/justify]
Trẻ em Việt Nam mưu sinh nơi bãi rác qua ống kính phóng viên CNN.
[justify]Chỉ mới mười hai tuổi nhưng Diệu đã phải ngày ngày cặm cụi lật tìm nơi bãi rác những mảnh nhựa vụn, vỏ đồ hộp… để phụ giúp mẹ kiếm tiền mưu sinh. Tiếp chuyện phóng viên, hai mẹ con cô bé vẫn luôn tay phân loại những thứ đã lượm được từ bãi rác để bán. Một túi đầy những thứ lặt vặt nhặt từ bãi rác cũng chỉ mang lại cho gia đình họ vài đồng tiền lẻ, nhưng đó là cách mưu sinh duy nhất của mẹ con cô bé.[/justify]
[justify]Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông con, 9 anh chị em nhà Diệu sống chen chúc trong một căn chòi nhỏ, lụp xụp giữa bãi rác, nhìn ra là nghĩa địa rộng mênh mông, lạnh lẽo. Nơi duy nhất các em có thể ngồi chơi mà không phải tiếp xúc với rác lại chính là những ngôi mộ vắng người thăm viếng ấy.[/justify]
[justify]Đáng buồn, gia đình Diệu không phải là trường hợp cá biệt ở đây. Nhặt rác là công việc, là cuộc sống của hơn 200 gia đình nghèo sinh sống ở Rạch Giá, vùng châu thổ sông Mekong chảy qua lãnh thổ Việt Nam. Họ là ba thế hệ người Campuchia chạy trốn chế độ Khmer Đỏ tàn bạo từ những năm 70. Những căn chòi xơ xác này là ngôi nhà duy nhất mà họ từng biết kể từ khi chạy loạn.[/justify]
Bài viết về trẻ mưu sinh nơi bãi rác Việt Nam được đặt ở vị trí khá cao trên trang CNN.
[justify]Nhìn cuộc sống ở nơi đây, không ít người sẽ phải nhói lòng. Hầu hết quần áo, giầy dép, đồ đạc của họ đều là những sản phẩm lượm lặt lại từ đống đồ người ta vứt đi. Cuộc sống nghèo khổ, kinh tế eo hẹp, lo ăn hàng ngày còn khó huống hồ là may sắm những bộ quần áo hay mua bán những vật dụng gia đình khác.[/justify]
[justify]Tuy nhiên, đói nghèo, khổ cực chưa phải là tất cả những gì mà các đứa trẻ lớn lên ở nơi bãi rác như Diệu phải đối mặt. Trẻ em nghèo chính là những nạn nhân hết sức lí tưởng của bọn buôn người. Suốt ngày lang thang mưu sinh nơi bãi rác mênh mông, các em dễ dàng bị bắt cóc và bán qua biên giới với giá rẻ mạt. Ngoài ra, sự kém hiểu biết của các bậc làm cha làm mẹ cũng dễ dàng đẩy các em vào tay bọn lừa đảo. Nhắm mắt bán con với giá chỉ 100 USD, các bậc cha mẹ tin rằng những người mua con mình là người tốt và chúng có cơ hội đổi đời nếu thoát ra khỏi khu bãi rác. Họ bán con đôi khi không phải vì tham tiền mà là khao khát chúng có một tương lai tốt đẹp hơn.[/justify]
[justify]Thế nhưng, rất ít những em bị bán có được cuộc sống như cha mẹ các em mong ước. Hầu hết những đứa trẻ đều trở thành nạn nhân của bọn buôn người, bị bóc lột sức lao động và thậm chí trở thành nô lệ tình dục trong các khu nhà chứa bất hợp pháp, hay chí ít cũng bị cưỡng hiếp.[/justify]
[justify]Chính vì lẽ đó, trẻ em sống trong cộng đồng người được CNN gọi với cái tên “nghèo nhất Việt Nam” này đều thuộc lòng bài học sống còn, đó là chạy đi khi có người lạ đến gần. Đó cũng chính xác là những gì mà Hạnh, một bé gái 13 tuổi, đã thực hiện khi bị một người đàn ông nhiều khả năng là kẻ buôn người truy bắt một ngày cuối năm 2010. Thế nhưng, số phận quá khắc nghiệt với em khi cô bé bị ngã xuống một con kênh đào và chết đuối.[/justify]
[justify]Câu chuyện trên được Ticarro-Parker, một trong những người đang nỗ lực hết sức nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam, kể lại. Gia đình Ticarro-Parker rời khỏi Việt Nam khi cô còn là một đứa trẻ. Thế nhưng, tình yêu quê hương lớn lao đã giúp cô quay trở lại cố hương giúp đỡ những người khốn khó. Hiểu được tình cảnh của những đứa trẻ của cộng đồng người nghèo khổ nhất Việt Nam, Ticarro-Parker đã quay trở lại Minnesota, Mỹ, để kêu gọi giúp đỡ những đứa trẻ tội nghiệp. Nhờ khoản tiền quyên góp được, cô quay trở lại Việt Nam, xây dựng một trường học đặc biệt cho những đứa trẻ phải mưu sinh nơi bãi rác ở Rạch Giá. Ngôi trường mới được xây dựng như đang thắp lên niềm hi vọng về một tương lai xán lạn cho những em nhỏ Việt Nam phải bán mặt mưu sinh nơi bãi rác.[/justify]