Nghệ thuật - blog 2011-10-11 03:56:02

Trắng đêm săn bắt rắn ở vùng lũ


Thấy con rắn vừa ló đầu ra, đám trẻ nhanh chóng nhào vô dùng tay chộp, bất chấp hiểm nguy có thể de doạ đến tính mạng. Những người chứng kiến cảnh tượng đó không khỏi rùng mình nhưng đám trẻ lại tỏ ra rất thích thú.

Trắng đêm vượt lũ bắt rắn

Miền Tây mùa nước lũ. Nước trắng trời. Nhà nhà ngập chìm trong biển nước. Năm nào cũng thế, cứ độ này ở các tỉnh ĐBSCL, người dân lại nháo nhác chạy lũ.

Trong chuyến đi ngược về vùng lũ, rong ruổi trên chiếc xuồng của người dân, băng mình đi qua vùng lũ, người lái đò tên Quân thao thao kể với tôi về cảnh đối chọi với vùng lũ của người dân. Câu chuyện thỉnh thoảng cắt ngang giữa chừng bởi tiếng động cơ, tiếng xé nước.

“Về miền Tây mùa này, nếu muốn câu cá thì chèo thuyền giữa lũ buông lưới, muốn thưởng thức món chuột đồng, loại đặc sản của vùng sông nước thì ngon tuyệt, nhưng nếu muốn tham gia trò chơi mạo hiểm thì cứ theo chân đám trẻ hoặc người lớn đi săn bắt rắn, dù sợ nhưng vẫn thích”.

Theo lời của gã lái đò miền sông nước này, vào mùa lũ, nước ngập khắp nơi, rắn không có nơi sinh sống nên trườn lên cạn, có khi nước ngập đến đâu rắn bò đến đó. Nhiều nhà dân từng chứng kiến nửa đêm, đang ngon giấc ngủ, giật bắn người khi thấy rắn trườn lổm ngổm ngang qua người.

Vào mùa nước lũ, rắn thường bò lên bờ sản sinh
Ấy là Quân nói thế, chứ thực tế từ lời giới thiệu này, chúng tôi mạnh dạn nhờ một người dân dẫn đi săn bắt rắn mùa lũ, mới thấy mọi chuyện còn rùng rợn hơn gấp nhiều lần, mà nếu ai đó yếu tim thì cũng nên đừng bao giờ thử sức.

Màn đêm buông chầm chậm trên vùng “rốn lũ”, nước cuồn cuộn chảy, mưa rả rích, nhà nhà đỏ đèn, ánh sáng hắt xuống mặt nước. Ông Nguyễn Văn Phú, một người dân từng có nhiều kinh nghiệm bắt rắn nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đèn pin, áo mưa và không quên mang theo giỏ đựng, cây vợt, bảo tôi cùng lên xuồng đi bắt rắn.

Trước khi đi, lão không quên lời dặn nhớ cất kỹ đồ đạc ở nhà, vì nếu xuồng nhỏ lỡ va đập hoặc bị lật thì tài sản tác nghiệp coi như vứt. Nói đoạn, lão cũng vào bếp lục ngay tấm áo mưa cũ rích, lấm lem đất bùn bảo tôi khoác tạm.

Kỳ thực là tôi cũng rất tò mò nhưng chợt xuất hiện nỗi lo thấp thỏm vì đi giữa đêm khuya vùng nước lũ, lỡ đắm xuồng thì có khi chưa kịp chứng kiến cảnh bắt rắn, mình đã chầu “Diêm Vương” trước cũng nên.

“Yên tâm đi chú, chết có số cả, nhìn chú ốm còm nhom vậy chả có ma nào nó bắt chú đâu”- lão Phú nhìn mặt tôi vừa trấn an vừa cười phá lên sung sướng.

Nhiều người dân ở ĐBSCL thường rong ruổi xuồng đi bắt rắn
Chiếc xuồng xuôi mái chèo từ từ rời khỏi căn nhà, xuôi thẳng trong bóng đêm mù mịt hướng về khu vực cây cối rậm rạp thuộc ấp Chi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp.

Theo kinh nghiệm của lão Phú, về đêm rắn thường trườn ra ngoài để kiếm ăn nên chỉ cần chịu khó thì một đêm gặp hên cũng kiếm đủ tiền nuôi cả gia đình được mấy ngày mùa nước lũ.

Trên chiếc xuồng ba lá, lão kể trước đây vì nhà quá nghèo nên mùa lũ nào cũng đi bắt rắn bán kiếm tiền. Và cũng nhờ có nghề mùa vụ này mà lão gặp được vợ cũng chung cảnh ngộ, lúc cùng đi bắt rắn.

Câu chuyện đang từ từ thả giọng thì lão quàng ngay cánh tay, chiếu đèn pin về phía xa, chăm chú theo dõi và thì thầm, bảo im lặng. Chiếc xuồng từ từ trôi theo dòng nước theo hướng bơi của con rắn. Con rắn như đoán được nên quẫy đuôi nhanh hơn nhưng trong phút chốc, lão Phú áp sát phía sau của con rắn, nhanh tay đưa vợt ra phía trước đầu chặn hướng bơi và cười khà lên giọng khàn đục, giơ chiến lợi phẩm của mình lên, hươ hươ trước mặt

Nhiều người bị rắn cắn, vết cắn vẫn còn hằn in trên bàn tay
Chưa kịp chia vui thì lão lại khiến tôi giật nảy mình khi thò tay vào túm ngay đầu con rắn bỏ vào giỏ. “Thế bác không sợ rắn độc nó cắn cái thì tiêu luôn hả?”- tôi buộc miệng. “Làm nghề này cũng gần vài chục năm rồi, tôi bị rắn cắn nhiều lần nhưng chẳng sao cả”.

Trong ánh đèn pin mập mờ, lão Phú xoè ngay bàn tay ra để tôi kiểm chứng, trên đó có nhiều vết trầy xướt, nhiều chỗ vẫn còn rơm rớm máu, có chỗ vết thương đã lành nhưng vẫn hằn in từng đường xước. Lão bảo tất cả đều là do rắn cắn nhưng may là không phải rắn độc.

Số rắn bắt được sau một đêm thức trắng
Trong chiếc giỏ của lão những con rắn lần lượt bị tóm bò trườn quẫy đạp nhau, miệng phì phì. Thỉnh thoảng tôi lại chồm mình vì lo sợ khiến chiếc xuồng chòng chành.

Nhìn qua đồng hồ, kim chỉ 2h sáng, mưa quất rát mặt, gió thốc tháo, nước lũ từ đầu nguồn đổ về mạnh hơn. Lão Phú nhìn khuôn mặt tôi bơ phờ, quần áo ướt đẫm sau hành trình đánh cược tính mạng xem bắt rắn, cười trừ: “Về thôi chú, chừng này cũng đủ sáng mai mình lai rai, và còn thừa đem bán mua gạo”.

Thót tim cảnh bắt rắn của trẻ em vùng lũ

Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy, tôi ê ẩm cả người vì cả đêm bị nước mưa ngấm. Đang loay hoay chờ đợi món thịt rắn từ chủ nhà thết đãi thì từ phía nhà bên cạnh, tiếng trẻ con hò hét khiến tôi giật mình.

Sải bước chân ra xem, thấy tốp trẻ con đang túm tụm nhau lại, một đứa tay cầm xẻng đào sâu vào mặt đường, tạo thành từng hố nhỏ sâu hoắm, đủ để một đứa trẻ con 10 tuổi chui lọt. Cạnh bên, cả đám vây quanh, tay chỉ trỏ, mắt chăm chú, chân đứng trong tư thế sẵn sàng xung trận.

Trẻ em vùng sông nước cũng tỏ ra sành sỏi trong việc bắt rắn
Cậu bé da ngăm, loắt choắt thấy người lạ đang theo dõi, chèn ngang giọng: “Anh từ tỉnh về hả, đi bắt rắn như thế này bao giờ chưa?”. Tôi lắc đầu, tiếp tục quan sát. Chiếc xẻng khoét dần vào khoảng 1m, một cậu bạn khác reo lên: “Thấy rồi”. Trong chớp mắt, con rắn chui lọt trong lỗ định trườn nhanh lao ra ngoài thì bị đám trẻ con tóm gọn.

Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn cảnh bắt rắn rất điệu nghệ của tụi nhỏ chẳng thua kém gì lão Phú là bao. Nhưng một lần nữa lại phải giật nảy mình khi đám trẻ cầm ngang đuôi con rắn đùa giỡn, cố tình chọc người lạ.

Chiến lợi phẩm vừa tóm được
Sau màn “đe doạ”, lũ trẻ tiếp tục chứng tỏ cho tôi thấy sự sành sỏi với nghề và khả năng của mình. Cậu bé độ 14 tuổi, cầm ngang con rắn, quấn vòng qua cổ không một chút sợ hãi để biểu diễn trước ống kính máy ảnh.

Lần đầu tiên chứng kiến cảnh săn bắt rắn nơi vùng sông nước, với một người ngoại tỉnh như tôi, cũng cố gắng lưu lại vài tấm hình làm kỷ niệm. Tôi mạnh dạn hơn khi lũ trẻ trấn an đây chỉ là loại rắn Hổ Hành, rất “hiền”, nếu chỉ cắn cũng không…chết. Lấy hết can đảm, tôi nắm chặt đầu con rắn, cầm đuôi quấn ngang cổ, và giả vờ “hôn” nó, rồi nhờ lũ trẻ chụp ảnh. Nào ngờ chụp xong, bàn tay xương xẩu của tôi vì quá lo sợ đã bóp chặt đầu khiến chú rắn chết lúc nào không hay.

Cậu bé tỏ ra không hề sợ sệt khi đùa nghịch với rắn
Tôi cười trừ, rút ví định đền bù, lũ trẻ xua tay: “Nếu chết tụi em đem về nhà nấu thôi, còn sống thì mới đem đi bán”.

Lũ trẻ này cho hay, do đang rơi vào mùa nước lũ, nhà trường cho nghỉ học nên năm nào cũng vậy, cả bọn trong xóm lại rủ nhau chèo xuồng đi bắt rắn đem bán kiếm tiền ăn học hoặc phụ giúp gia đình.

Hằng ngày, lũ trẻ lấy xuồng của gia đình, mang theo xẻng đi dọc các mép bờ ruộng. Theo kinh nghiệm của tụi nhỏ, những ụ đất nào mới, và có lỗ tròn như cán cuốc thì chắc chắn sẽ có rắn. Đó là kinh nghiệm đã được những ông bà, bố mẹ truyền đạt lại.

Thậm chí rất vô tư biểu diễn trước ống kính
Mỗi cuộc đi săn bắt rắn của lũ trẻ thường kéo dài có khi từ sáng sớm đến lúc trời nhá nhem. May mắn thì cũng được vài ký hoặc có khi trở về tay trắng. “1 kg rắn Hổ Hành tụi em bán được 80.000 đồng. Số tiền đó là quá lớn đối với đám nhỏ tụi em. Nhìn thì tưởng dễ ăn nhưng để kiếm được từng đó không hề đơn giản như anh thấy đâu”- Cường, cậu bé trông có vẻ chững chạc tuổi nhất trong nhóm lên tiếng.

Cuộc săn nào cũng lắm hiểm nguy, và đám nhỏ này cũng chẳng phải ngoại lệ. Có nhiều đứa trẻ ở vùng sông nước bươn trải mình trong những cuộc đi săn đã phải trả giá đắt khi bị rắn độc tấn công. Cũng có khi những đứa trẻ khác may mắn thoát nạn nhưng cũng thành dị tật bởi chất độc do rắn phản đòn ngấm vào cơ thể.

Trong số những con rắn bắt được, những đứa trẻ có khi phải trả giá đắt.
Nhưng mặc cho tất cả hiểm nguy, dọc dài các dòng sông, các vùng nước ngập của vùng miền Tây, hàng ngày, chúng tôi vẫn bắt gặp đám trẻ con đến người lớn vẫn mải mê với nghề đi săn bắt rắn. Và trong số những đồng tiền kiếm được từ sự lam lũ luôn có những giọt mồ hôi, nước mắt của “kẻ đi săn”.


Clip: Cảnh rùng rợn bắt rắn của trẻ em vùng nước lũ
Giang Uyên

Theo Bưu Điện Việt Nam
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)