Với tốc độ lên tới 360 km/giờ, ngư lôi loại này được đánh giá là nguy hiểm hơn bất cứ loại ngư lôi nào khác mà Hải quân NATO đang sở hữu.
Shkval được thiết kế để chống ngư lôi phóng từ tầu ngầm hạt nhân đối phương còn chưa bị phát hiện, diệt các mục tiêu chạy nhanh đang tới gần. Shkval cho phép những tầu ngầm, tầu chiến ồn ào tự vệ và diệt đối phương khi đối đầu với những tầu ngầm hiện đại chạy êm.
Shkval có tốc độ vượt trội so với ngư lôi thông thường, tốc độ của VA-111 vượt xa tốc độ của ngư lôi hiện có của Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia NATO…
Tốc độ cao của Shkval đạt được nhờ ứng dụng hiện tượng siêu khoang, tức là ngư lôi chuyển động trong một bong bóng khí khổng lồ, làm giảm đáng kể lực ma sát và cho phép ngư lôi chuyển động ở tốc độc cực cao. Với đặc điểm trên, có thể coi Shkval là “siêu tên lửa dưới nước”.
Siêu tên lửa dưới nước sẽ được trang bị cho tầu ngầm lớp Kilo của Việt Nam |
Shkval sử dụng các ống phóng lôi thông dụng. Khi ra khỏi ống phóng 533 mm, VA-111 có tốc độ khởi động 80 km/giờ. Nhanh chóng sau đó, tên lửa được kích hoạt và đẩy tốc độ lên tới 360 km/giờ (theo một số báo cáo tốc độ này còn có thể lên tới trên 420km/giờ).
Tiếp sau Nga, một số quốc gia khác cũng cố gắng thiết kế ngư lôi siêu khoang cho riêng mình. Đức là quốc gia được biết đã có chương trình Barracuda vào năm 2004. Iran được cho là đã sử dụng thành công các ngư lôi siêu khoang trong tập trận năm 2007.
Thông số kỹ thuật của tên lửa dưới nước VA-111 Shkval
- Chiều dài: 8,2 m
- Đường kính: 0,533 m
- Trọng lượng: 2.700 kg
- Trọng lượng đầu nổ: 210 kg
- Tốc độ tối đa: 360 km/giờ
- Tốc độ ra khỏi ống phóng: 93 km/giờ
- Tầm bắn: khoảng 6.858 m.