Torres không được xếp vào đội hình tiêu biểu ở VCK EURO 2012, có lẽ là do anh phải ngồi dự bị quá nhiều (4/6 trận) so với các chân sút được chọn như Balotelli (Italia), Ronaldo (BĐN), Ibrahimovic (Thụy Điển), hay những đồng hương được gọi là tiền đạo như Fàbregas, Silva.
Song, những con số không hề biết nói dối. Xét về mặt hiệu suất làm bàn, anh là tiền đạo số một của giải đấu. Đá chính 2 trận (nhưng đều bị thay ra ở hiệp hai), vào sân từ ghế dự bị 3 trận (đều ở nửa cuối hiệp hai), với tổng thời gian góp mặt trên sân là vỏn vẹn 189 phút, nhưng anh đã ghi được 3 bàn thắng. Ngoài ra, anh còn có một đường kiến tạo thành bàn, cho Mata trong trận chung kết vừa rồi. Theo quy định của UEFA, trong trường hợp số bàn thắng ngang nhau thì cầu thủ nào có đường kiến tạo nhiều hơn sẽ giành danh hiệu Vua phá lưới. Trong số 6 cầu thủ đã ghi 3 bàn ở VCK lần này, chỉ có Torres và Mario Gomez là tham gia kiến tạo với 1 đường chuyền thành bàn. Tuy nhiên, Torres chỉ thi đấu 189 phút, trong khi Gomez đá tổng cộng 281 phút.
Và điều đặc biệt nhất của Torres, so với tất cả các Vua phá lưới khác trong lịch sử EURO là anh đã ghi bàn ở hai trận chung kết liên tiếp và Tây Ban Nha chính là đội bóng đã phá đi lời nguyền về khả năng bảo vệ ngôi vô địch châu Âu. Torres cũng cùng với Mata là những cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử vô địch châu Âu cả trên cấp độ CLB cũng như ĐTQG trong cùng một mùa giải.
Sau 9 năm khoác áo tuyển, Torres đã chuẩn bị gia nhập CLB 100 của Seleccion cùng với Casillas, Zubizaretta, Xavi, Alonso và Raul Gonzalez. Với 31 bàn sau 98 trận, anh cũng đang là chân sút số ba trong lịch sử đội tuyển TBN, chỉ sau mỗi David Villa (51) và Raul Gonzalez (44). Còn gì thuyết phục hơn đối với một chân sút mới 28 tuổi?
Một mùa giải kỳ lạ
Torres đã trải qua một năm kỳ lạ ở cả CLB lẫn ĐTQG. Anh là tâm điểm của mọi sự chỉ trích với chuỗi trận tịt ngòi đáng sợ trong màu áo Chelsea, cho tới khi phần nào tìm lại mình dưới bàn tay tân HLV Roberto Di Matteo. Sự hồi sinh muộn mằn ấy giúp Del Bosque điền tên anh vào danh sách 23 cầu thủ tới Ba Lan và Ukraina, nhưng không đủ để ông giao cho anh một suất đá chính. Ngài râu kẽm chỉ cho Torres xuất phát từ đầu ở những trận gặp các đối thủ dưới cơ (Croatia, Ireland), còn mỗi khi chạm trán những đội được cho là cân sức, thì ông thà sử dụng sơ đồ 4-6-0 còn hơn.
Con số [justify]3 - Kể từ khi VCK EURO thi đấu theo thể thức vòng bảng (1972), đây là lần thứ ba Vua phá lưới chỉ ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng. Tuy nhiên ở Italia 1980 và Thụy Điển 1992, số đội tham dự chỉ là 8, chứ không phải 16. 189 - Là số phút mà Torres cần để giành được danh hiệu \"Chiếc giày vàng\". Trung bình cứ 63 phút là anh ghi một bàn. Cụ thể hơn, cứ 47 phút, anh lại góp công vào một bàn thắng của ĐT Tây Ban Nha. 31 - Đó là số bàn thắng của Torres ghi cho La Seleccion, gấp đôi so với số bàn thắng của ba chân sút Llorente (7), Negredo (6) và Pedro (2) cộng lại (Silva và Fabregas tính là tiền vệ).[/justify] |
Tóm lại, những gì mà Torres trình diễn khiến cho những người yêu mến anh luôn đứng trước hai thái cực: thất vọng rồi hy vọng, hoài nghi nhưng lại chưa bao giờ cạn kiệt niềm tin. Thật ra, ẩn sau bóng dáng vật vờ của anh vẫn còn đó hình bóng của một sát thủ. Mùa hè này, anh là một Vua phá lưới may mắn, nhưng may mắn chỉ đến với những ai nỗ lực và biết nắm lấy thời cơ.
Hãy tin ở anh, El Nino!