[size=2]Những bộ truyện tranh chiến đấu ác liệt và hay nhất do fan bình chọn.[/size] [justify]Oricon, tổ chức thống kê lớn nhất ở Nhật mới đây đã công bố 10 manga chiến đấu được yêu thích nhất. Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát 500 nam otaku (fan hâm mộ truyện tranh) trong độ tuổi từ 12 đến 49. Hãy cùng xem những manga nào thống trị bảng xếp hạng này nhé.
1. Dragon ball (tTác giả: Akira Toriyama)
Không có gì ngạc nhiên khi Dragon Ball chiếm vị trí đầu trong danh sách này. Bắt đầu xuất bản hàng tuần tại Nhật từ năm 1984 đến 1995 với 519 chương và sau đó được nhà xuất bản Shueisha ấn hành thành 42 tập truyện dày, Dragon Ball đưa người đọc đến với cuộc hành trình cực kỳ thú vị của Songoku (Sôn-gô-ku) từ lúc bé đến khi trưởng thành, qua các lần tầm sư học võ và khám phá thế giới để truy tìm các viên ngọc rồng với điều ước từ rồng thiêng. Xuyên suốt hành trình của Songuku, cậu đã gặp được nhiều bạn bè và chống lại những kẻ hung ác có ý định dùng điều ước từ rồng thiêng để làm bá chủ thế giới.
Không chỉ ở Nhật, Dragon Ball còn làm mưa làm gió ở bất cứ quốc gia nào nó đi qua. Và dù tái bản bao nhiêu lần, số lượng phát hành của Dragon Ball vẫn luôn là một hiện tượng trong ngành xuất bản các nước. Sự hài hước vui nhộn có phần tinh quái, kết hợp với những màn chiến đấu nghẹt thở của các nhân vật cùng trí tưởng tượng siêu phàm của tác giả Akira sẽ khiến bạn không thể buông sách xuống trước khi trang cuối cùng khép lại.
2. Hajime no Ippo (Tác giả: George Morikawa)
Có người đã nói rằng, không có cảnh chiến đấu nào đàn ông hơn, mạnh mẽ hơn, chính trực hơn một trận đấu boxing. Và Hajime no Ippo chắc chắn là bộ truyện thích hợp nhất để bạn kiểm chứng nhận định ấy.
Phát hành từ năm 1989, kéo dài 84 tập, nhân vật chính của Hajime no Ippo là cậu bé nhút nhát Ippo Makunochi. Quá bận với công việc trên tàu đánh cá của gia đình, cậu thậm chí không có cả thời gian để kết bạn ở trường, chính vì thế Ippo thường bị bạn bè trêu chọc ức hiếp, và mặc dù việc lao động từ nhỏ đã tạo cho cậu sức mạnh hơn hầu hết các học sinh trung học khác, cậu chọn cách nhẫn nhịn. Một ngày, khi Ippo đang bị bắt nạt, một võ sĩ quyền anh (Mamoru Takamura) đi ngang qua đó đã giải cứu cho cậu và đưa cậu về phòng tập để trị thương. Khi Ippo tỉnh lại, Takamura đã giúp cậu bé giải tỏa những nỗi ấm ức trong lòng bằng cách đề nghị cậu thử đấm bao cát. Chính từ đây, thiên khiếu của cậu đối với môn thể thao này được phát hiện.
Cùng với nét vẽ shonen manga kinh điển, Hajime no Ippo tập trung rất kỹ vào quá trình phát triển của nhân vật. Qua mỗi trận đấu, Ippo lại trưởng thành hơn về nhiều mặt, và khi đi cùng Ippo trên con đường đến với chức Vô địch thế giới, bạn sẽ thấy thế giới này thật tuyệt vời biết bao.
3. Ashita no Joe (Tác giả: Asao Takamori và Tetsuya Chiba)
Lại thêm một bộ truyện khác về đề tài boxing. Nếu bạn đã từng đọc và yêu thích Teppi, đừng bao giờ bỏ qua Ashita no Joe, bởi ngay từ khi ra mắt năm 1968, Ashita no Joe đã nhận được sự hoan nghênh đặc biệt của giới phê bình.
Khác với Hajime no Ippo, Ashita no Joe mang nội dung trưởng thành hơn, nhiều suy tư trăn trở hơn, thông qua môn thể thao boxing để chuyển tải đến người đọc những triết lý sống của tác giả. Những ám ảnh trong quá khứ, những khát vọng sống và chiến đấu trong hiện tại và tương lai, tất cả không ngừng đeo bám nhân vật chính, khiến anh ta trở thành một kiểu anh hùng đầy bi kịch. Điều này được các nhà phê bình lý giải rằng, chính hoàn cảnh lịch sử thời điểm bộ manga này ra mắt đã tác động đến tư tưởng chủ đạo của nó. Hãy tìm đọc Ashita no Joe để trải nghiệm một Nhật Bản cuối thập niên 1960, khi những biến động kinh tế và xã hội cũng như các cuộc cách mạng văn hóa đang ở vào giai đoạn gay gắt nhất.
4. Kinniku Man (Tác giả: Yoshinori Nakai và Takashi Shimada)
Kinniku Man là một bộ truyện hài về bộ môn đấu vật chuyên nghiệp. Vài tập đầu, Kinniku Man bị đánh giá là hơi….nhảm nhí, tuy nhiên sau đó nó dần dần có được định hướng và trở nên nổi tiếng.
Kinniku Man kể về vị hoàng tử ở hành tinh Kinniku, nơi được cai trị bởi tộc Kinniku - tộc siêu nhân mạnh nhất nhưng vì mới sinh ra đã bị nhầm với…heo và ném ra ngoài vũ trụ, lạc đến Trái Đất. Lớn lên là một lực sĩ vô dụng nhưng luôn tự nhận là siêu anh hùng dù đánh không lại ai.
Tất nhiên nếu chỉ có thế, Kinniku Man đã không thể được yêu thích đến vậy. Đọc Kinniku Man, ngoài những câu chuyện hài hước về thế giới siêu nhân giữa đời thường, độc giả còn học được nhiều bài học về tình bạn cũng như sự nghiệp bảo vệ thế giới của các siêu nhân (Chojin).
5. Fist of the North Star (Tác giả: Tetsuo Hara và Buronson)
Nếu nói đến thể loại manga đối kháng kinh điển, người ta không thể không nhắc đến Fist of the North Star (Hokuto no Ken). Nét vẽ đậm phong cách cổ điển pha chút hơi hướng của truyện tranh Trung Hoa - sở thích của các tác giả truyện tranh Nhật Bản thời đó, Hokuto no Ken bản chất là một bộ truyện tranh võ hiệp, lấy sự tranh chấp giữa các môn phái võ công làm nội dung chính, mặc cho cái bối cảnh hậu tận thế quái đản. Đây là một bộ shounen (truyện tranh Nhật Bản dành cho nam giới) thuần hành động, phô diễn tối đa các kiến thức võ thuật mà tác giả tích lũy được. Cho đến giờ, nhiều người vẫn nhận xét rằng, xét về cách xây dựng nhân vật, các tuyệt chiêu hay độ…bạo lực, khó có bộ manga nào "qua mặt" được Hokuto no Ken.
6. Tiger Mask (Tác giả: Ikki Kajiwara và Naoki Tsuji)
Cũng cùng nói về bộ môn đấu vật chuyên nghiệp, nhưng Tiger Mask và Kinniku Man là hai thái cực hoàn toàn đối nghịch. Nếu như Kinniku Man hài hước vui nhộn bao nhiêu thì Tiger Mask lại nghiêm túc và nhiều trăn trở bấy nhiêu.
Trong manga, Tiger Mask (tên thật là Naoto Date) là một tay đấu vật đáng sợ ở Mỹ - người cực kì tàn bạo trong các trận đấu. Tuy nhiên, trong một lần trở lại Nhật Bản và nghe một cậu bé nói rằng cậu muốn trở thành một kẻ tàn bạo như Tiger Mask khi lớn lên, Tiger Mask đã có nhiều biến chuyển về mặt tâm lý. Cậu bé ấy sống trong trại mồ côi - giống như cái cách Tiger Mask trưởng thành, và ông không muốn để cậu bé thần tượng một kẻ tàn bạo, Tiger đã thay đổi để trở thành một đô vật anh hùng.
7. Grappler Baki (Tác giả: Keisuke Itagaki)
Xuất hiện trên tuần san Shonen Champion từ năm 1991 đến 1999, kéo dài 42 tập, Grappler Baki kể về một thế giới ngầm đầy loạn lạc của những băng nhóm xã hội đen Nhật Bản. Trong bối cảnh nặng nề ấy luôn có những thanh niên bản lĩnh mang tham vọng thay đổi bản chất u ám nhuốm máu bấy lâu của các băng đảng. Để làm được điều đó thì họ phải đối đầu với những kẻ thù mạnh mẽ hơn bội phần.
8. Kidousenshi Gundam (Tác giả: Katsuyuki Sumisawa và Koichi Tokita)
Gundam - cái tên đã quá quen thuộc đối với các fan hâm mộ manga, anime và game. Hơn 20 năm qua, bất kỳ bộ manga nào có liên quan đến Gundam thì đều được đón chào nhiệt liệt. Tuy nhiên, Kidousenshi Gundam chứng tỏ được rằng mình không chỉ nổi tiếng nhờ duy nhất điều ấy.
9. Naruto (Tác giả: Masashi Kishimoto)
Có lẽ chẳng cần giới thiệu về bộ manga đình đám này thêm nữa, bởi tự thân cái tên Naruto đã nói lên quá nhiều điều. Nhân vật chính - Uzumaki Naruto - một thiếu niên ồn ào, hiếu động, một ninja luôn muốn tìm cách khẳng định mình để được mọi người công nhận, rất muốn trở thành Hokage (Hỏa ảnh) - người lãnh đạo ninja cả làng, được tất cả mọi người kính trọng.
Được nhà xuất bản Shueisha khởi đăng vào năm 1999 trong ấn bản thứ 43 của tuần san Shonen Jump tại Nhật, đến tập 36, bộ manga này đã bán được hơn 71 triệu bản chỉ riêng tại Nhật. Và cuộc hành trình của cậu bé Naruto cùng với những người bạn cho đến nay đã làm say lòng không biết bao nhiêu fan truyện tranh trên khắp thế giới.
10. Shura no Mon (Tác giả: Kawahara Masatosi)
Shura no mon, được đăng liên tục trên tạp chí Gekkan Shounen từ tháng 5 năm 1987 cho tới tháng 12 năm 1996, kể về câu chuyện của nhân vật chính Mutu Tukumo, người thừa kế của phái võ Mutu Enmei Ryu. Võ phái này chỉ truyền lại tuyệt học cho một người con duy nhất trong dòng họ.
Shura no Mon nhận được giải thưởng của nhà xuất bản Koudansha dành cho bộ môn võ thuật thiếu niên lần thứ 14 (1990). Tính tới thời điểm tháng 12 năm 2008 thì Shura no mon đã xuất bản 31 tập truyện dày tại Nhật.[/justify]