Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Phúc và chị Võ Thị Vũ ở tiểu khu Nam Hồng, phường Phú Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình vào một buổi chiều mưa giáp tết. Đặt chân vào cửa, trước mắt chúng tôi là một căn nhà nhỏ lụp xụp, từng mảng tường vôi bong tróc rệu rã bởi nước mưa thấm vào. Bất lực nhìn ngôi nhà xuống cấp, anh chị chỉ còn cách đặt xô chậu ở những chỗ dột nát để hứng nước mưa.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ nước mắt rơm rớm: “Lúc mới sinh ra cháu Hiếu đã bị vậy rồi, nó có biết chi mô. Mỗi ngày cháu nó lên cơn đau 4 đến 5 lần, vật vã, la hét tội lắm, nhất là những lúc trở trời như thế này. Những lúc nhìn con như rứa tui chỉ biết ôm con mà nuốt nước mắt”.
Anh Phúc và chị Vũ lấy nhau năm 1990. Một năm sau ngày cưới, niềm hạnh phúc như nhân lên gấp bội khi anh chị có với nhau cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Thế nhưng, 6 năm sau đó, niềm hạnh phúc đó tắt ngấm khi con qua đời do bệnh hiểm nghèo. Vượt qua nỗi đau, anh chị gắng gượng dậy trong cuộc sống. 5 năm sau, anh chị có với nhau thêm 3 người con. Nhưng đến đứa con thứ 3 thì anh chị lại thêm một lần nữa uất nghẹn khi nghe các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh bại não.
Chị Vũ đang dỗ dành Hiếu như một đứa bé lên ba
Đang dở câu chuyện với chúng tôi thì cháu Nguyễn Trung Hiếu (15 tuổi), bỗng nhiên lên cơn động kinh dữ dội, trong cái cũi gỗ chưa đầy 1,5m2. Hiếu dãy dụa liên hồi, miệng kêu la trong vô thức, thỉnh thoảng cháu lại đập đầu và đạp chân vào thành cũi, giày xé cái gối, miệng ghiền cái vỏ chăn rách rưới. Gạt đi dòng nước mắt nghẹn đắng, chị Vũ liền vội vàng nhảy vào chiếc cũi gỗ ọp ẹp để đỡ cháu, vuốt ve dỗ dành Hiếu như một đứa bé lên ba.
Não nề với hoàn cảnh khó khăn của mình, chị Vũ bất thần nhìn đứa con mình đẻ ra, như đứt từng khúc ruột: “Nhà có 6 miệng ăn. Cái ăn qua ngày bữa cháo bữa cơm, dành dụm được mấy đồng đều mua thuốc điều trị cho cháu. Nói là điều trị vậy thôi nhưng bệnh ni răng mà chữa khỏi được hả chú, gia đình tui nghèo thuốc men có mô mà uống đều đều được. Gắng lắm cũng chỉ lo được mấy viên thuốc giảm đau những lúc con lên cơn thôi. Chú xem, chỗ chui ra chui vào của gia đình cũng chẳng biết sập lúc mô nữa”, những giọt nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt người đàn bà bất hạnh.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, người chú ruột là liệt sỹ trong thời kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng, cái nghèo, cái đói cứ dai dẵng đeo bám gia đình. Cảnh ngộ đó khiến anh Nguyễn Văn Phúc (bố của cháu Hiếu) dường như lực bất tòng tâm, cái nghề lao động tự do, khi nắng thì quần quật đi làm thuê ở bãi đá, bãi cát nhưng đến khi mưa thì chỉ biết ngồi thở dài, trông vào mấy sào lúa, manh chài ở ven sông, hồ để kiếm sống qua ngày, cũng chưa nuôi đủ nuôi mấy miệng ăn của người lành chứ nói gì đến chuyện nuôi dưỡng người ốm.
Anh Phúc dường như "lực bất tòng tâm" trước căn bệnh bại não quái ác của con trai
Biết tin chúng tôi đến thăm cháu Hiếu, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hải cũng đội mưa đi cùng, đây không phải là lần đầu bà Hoa đến nhà chị Vũ, những ngày trái gió trở trời chị Hoa và những hàng xóm tốt bụng thường xuyên qua lại, đôi khi còn mang theo túi gạo và cả những vật dụng hết sức thông thường để giúp gia đình; chính nghĩa cử đó đã trở thành động lực để gia đình chị Vũ vượt qua những biến cố trong cuộc sống.
Khi hỏi về ước mơ, chị Vũ nước mắt lưng tròng nhìn con nói: “Tui chỉ ước có cái cũi gỗ vững chắc để cháu Hiếu có được chỗ nghỉ ngơi an toàn. Mong vợ chồng có sức khỏe để bươn chải đủ nghề kiếm ít tiền mua viên thuốc giảm đau, hộp sữa cho con…”. Nghe xong ước mơ nhỏ nhoi ấy của chị Vũ, tôi thật sự cảm động và thán phục trước tình thương bao la của người mẹ tội nghiệp dành cho con.