Với cấp độ X, nếu bão mặt trời đánh vào trái đất có thể làm gián đoạn các vệ tinh. Ảnh: NASA/SDO. |
Theo Space, các chuyên gia tại Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ Mỹ cảnh báo, một đợt sóng địa từ sẽ bắt đầu tiếp cận trái đất hôm nay và kéo dài đến ngày mai, nó có thể tạo ra cực quang được nhìn thấy trên trái đất ở phía bắc và phía nam.
Với cấp độ X, nếu đánh vào trái đất, cơn bão này có thể làm gián đoạn các vệ tinh trong không gian, điện lưới và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc trên mặt đất; thậm chí gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, cực quang từ cơn bão mặt trời có khả năng sẽ bỏ qua trái đất. Dù vậy, nó vẫn tác động mạnh tới sao Thủy và sao Kim.
Năng lượng mặt trời hoạt động theo một chu kỳ 11 năm. Đến nay mặt trời đang ở giữa chu kỳ hoạt động thứ 24, dự kiến năng lượng của nó sẽ tăng lên tối đa vào năm 2013.
Bão mặt trời là những vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của mặt trời. Chúng mang theo những hạt electron và proton ở mức năng lượng cao. Những hạt này có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của mặt trời.
Năm 1859, một cơn bão mặt trời lớn đã đốt cháy hệ thống dây điện báo trên khắp châu Âu và Mỹ. Vụ bùng nổ mang tên "Carrington" làm 2/3 bầu trời trái đất chìm trong cực quang đỏ sẫm chỉ sau một đêm, làm tê liệt toàn bộ hệ thống định vị và liên lạc toàn cầu.
Gần đây hơn, vào năm 1989, một cơn bão mặt trời khác khiến hệ thống điện ở Quebec, Canada, ngừng hoạt động trong 9 giờ, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.