Tin tức - pháp luật 2009-03-12 02:52:23

Tôi đi bán máu: Đồng tiền xương máu (kỳ 1)


Không có tiền cho con đóng học, thiếu tiền nhà, thất nghiệp… họ đành phải chấp nhận đi bán máu. Nhiều người trở thành kẻ bán máu chuyên nghiệp, thậm chí có người thâm niên 20 năm trong nghề. Những đồng tiền bán máu ít ỏi nhưng là cứu cánh cho nhiều gia đình, giúp bao em nhỏ không phải bỏ học, giữ yên ấm cho biết bao mái nhà


Các chủ cho vay nặng lãi thường xuyên có mặt ở
cổng bệnh viện chờ con nợ bán máu ra đòi tiền.


Trong vai một sinh viên nghèo, tôi thâm nhập vào thế giới những người phải bán máu mưu sinh tại bệnh viện Truyền máu huyết học trên đường Hùng Vương, Q.5. Mới 6 giờ sáng, mặc dù cửa bệnh viện chưa mở nhưng đã có vài người ngồi chờ bên ngoài.



Muôn nẻo gian nan

6h30, cổng bệnh viện mở. Những người có mặt ở đó ào vào lấy số thứ tự. Những người cũ thì đưa thẻ hiến máu ra còn những người lần đầu tiên phải đưa chứng minh nhân dân và hai tấm hình. Xong thủ tục, tất cả ngồi ở ngoài hành lang chờ kêu đến số thứ tự của mình. Dù ngồi giữa một đám đông rất nhốn nháo nhưng nơi đây vẫn gợi lên không khí u ám thê lương. Nó toát lên từ những gương mặt xanh xao hao gầy. Từ những người đàn ông ngồi lặng lẽ trong góc với cái nhìn u tối, từ những người phụ nữ nhìn to béo nhưng gương mặt vẫn hiện ra cái vẻ nhợt nhạt, bủng beo của người thường xuyên rút máu ra khỏi cơ thể.

Tôi bắt chuyện một phụ nữ trạc tuổi 50. Bà nhìn tôi dò xét: Đi lần đầu phải không? Không ngần ngại bà chỉ cho tôi: Bán máu thì mỗi lần chỉ được 260 ngàn thôi, muốn nhiều tiền thì phải rút tiểu cầu vì mỗi lần sẽ được 450 ngàn. Nhưng không phải ai cũng rút được. Bác sĩ kiểm tra thấy đủ tiêu chuẩn thì mới lấy. Để có thể rút được tiểu cầu, bà bật mí cho tôi biết từ hôm trước phải uống vài viên sắt, ăn thật nhiều cà chua và uống trà đường.

Nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ nhưng vẫn chưa thấy y tá kêu ai vào làm thủ tục. Xung quanh mọi người vẫn nhẫn nại ngồi chờ. Người đàn bà ngồi cạnh tôi cũng thở dài: Phải chịu khó chờ thôi! Mất toi buổi chợ.

Trong khung cảnh đó, người phụ nữ tên Hạnh, sống bằng nghề bán rau ở quận 4 ấy đã kể cho tôi nghe quãng đời đi bán máu của mình vừa để giết thời gian, vừa có ý truyền kinh nghiệm cho một đứa mới “vào nghề” như tôi.

20 năm trong nghề bán máu

Bà bắt đầu đi bán máu từ năm 1989, khi ấy mỗi bịch máu mới chỉ có 30 ngàn đồng. Lúc đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Không nghề nghiệp lại một nách hai con nhỏ, chồng thì lười biếng lại tối ngày say xỉn nên thường xuyên túng bấn. Khi trong nhà không còn một hạt gạo, nhìn đứa lớn nhăn nhó vì đói, đứa nhỏ khóc đòi ăn, bà liều thân đi bán máu. Lúc đó, 30 ngàn đồng bán máu đã nuôi sống gia đình bà hơn một tuần. Bắt đầu từ đó, bà dấn thân vào nghề bán máu.

[indent] Không chỉ có những đồng tiền xương máu, trong thế giới cùng khổ này, có những con người đặc biệt. Đó là chị Phan Thị Trừ với biệt danh “người đàn bà ba nhất” vì ba lý do: hiến máu nhân đạo nhiều nhất, nhiều giấy khen vì thành tích hiến máu nhân đạo nhất và… nghèo nhất…

[/indent] Suốt 20 năm, bà không nhớ bao nhiêu lần mình rút máu ra khỏi cơ thể, cũng không nhớ số máu bán ra là bao nhiêu lít. Hai đứa con đang tuổi đi học, không muốn chúng phải bỏ giữa chừng nên mỗi lần cần tiền đóng học, mua sách vở cho con là bà phải đi bán máu. Quy định phụ nữ bốn tháng mới được lấy máu một lần nhưng vì túng quẫn quá nên có khi một năm bà bán sáu, bảy lần. Bà làm hai thẻ hiến máu ở bệnh viện 175 và bệnh viện Truyền máu huyết học, sau này cả ở Chợ Rẫy nữa. Và để vết kim lặn nhanh còn đi bán ở chỗ khác, bà lấy kem xức da xoa lên, chỉ vài ngày là hết hẳn.

Bà kể có lúc bị ốm nên nhiều khi phải vay nóng và thế chấp thẻ hiến máu và chứng minh thư. Đủ ngày, bà tới lấy thẻ và chứng minh để đi bán thì người cho vay tiền đã sửa ngày cho người khác đi.

Hiện nay, bà sống bằng nghề bán rau ở chợ. Đã ở tuổi gần 50, bà không còn thường xuyên đi nữa nhưng thỉnh thoảng cần tiền gấp bà vẫn đi bán. Và trong suốt 20 năm qua, các con bà không hề biết mình được nuôi lớn từ chính những giọt máu của mẹ. Bà đã bùi ngùi: “Lo nhất con cái phát hiện. Mình không làm gì xấu nhưng cái nghề này cũng chẳng hay ho gì. Biết rồi chắc chắn chúng sẽ đau lòng…”.

Bán máu… chờ lương

Đó là tâm sự của những người đi bán máu. Trong khi ngồi chờ, một chị ngồi kể chuyện xem ti vi thấy quay những người bán máu ở bệnh viện rồi chị kết luận: Cũng may không thấy mặt mình trên đó. Túng quá phải làm thôi chứ có gì xấu đâu mà lên án. Hơn nữa, máu mình bán cũng để cứu người cơ mà.

Những người ngồi cạnh cũng đồng tình theo. Anh Hùng, nhà ở quận 6 góp chuyện: “Tôi đạp xe ba gác, cũng chỉ đủ ăn hàng ngày, những khoản khác phải trông vào tiền bán máu thôi”. Anh cho biết, hai vợ chồng từ Kiên Giang lên thành phố lập nghiệp. Chồng đạp xe ba gác, vợ bán xôi nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Ba đứa con đang còn đi học nên mỗi lần thiếu tiền đóng cho chúng anh lại phải đi bán máu. Những lúc cần tiền gấp, anh vay nợ của những người cho vay nặng lãi rồi đến kỳ bán máu trả.

Trong số những người đi bán máu, còn có rất nhiều công nhân. Lúc mọi người còn đang chờ lấy số thứ tự, ba thanh niên đạp xe đến cổng hỏi về giá bán máu. Rồi tính toán nếu cả ba cùng bán sẽ được hơn 700 ngàn, các cậu bảo nhau cũng đủ tiền nhà và sống được ít ngày. An, một trong số ba thanh niên cho biết họ là công nhân ở tít Thủ Đức lên, trước tết mất việc, vào nhưng chưa xin được việc ở đâu nên đành phải rủ nhau đi bán máu lấy tiền sống chờ đến khi có việc và có lương mới.

Những người này đi bán máu để có tiền duy trì sự sống rồi lại bán đi chính sự sống đó. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn, chỉ những người thân khi biết chồng, vợ, mẹ, cha mình phải đi bán những giọt sự sống để duy trì cuộc sống của họ là thấy đắng lòng và xót xa cho cái thân phận nghèo.

Trung Hoàng (SGTT)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)