Samurai ngày nay tuy không còn nữa, nhưng tinh thần võ sĩ đạo vẫn thấm nhuần trong văn hóa người Nhật.
Bất cứ người đàn ông hiện đại nào cũng nên biết đến và học tập theo những đức tính cao quý của võ sĩ Nhật Bản.
Tóm tắt nguồn gốc Samurai
Từ Samurai được hiểu rộng rãi là "người phục vụ thân cận với giới quý tộc", dùng để chỉ một người đàn ông dòng dõi cao quý, được chỉ định để bảo vệ các thành viên Hoàng tộc. Theo William Scott Wilson, một nhà nghiên cứu văn hóa Nhật nổi tiếng của Mỹ, từ Samurai xuất hiện sớm nhất vào khoảng năm 905-914 trong hợp tuyển thơ Kokin Wakashū.
Theo các nhà sử học, Samurai nguyên gốc xuất thân từ các kỵ binh, bộ binh và cung binh ở Nhật vào thế kỷ thứ 6. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9, những tầng lớp này chỉ được coi là những võ phu thất học và thô lỗ. Khoảng thế kỷ thứ 10, Samurai chỉ những thị vệ có vũ trang, theo thời gian họ dần giành được vị trí trong chính trị, và ngang hàng với giai cấp quý tộc truyền thống. Sau thế kỷ thứ 11, Samurai ngày càng có học thức và được kính trọng. Họ là những người "văn võ song toàn". Đến thế kỷ thứ 12, Samurai gần như đồng nghĩa với Bushi - những người giữ chức vụ trung và cao cấp trong giai cấp chiến binh. Samurai bắt đầu tuân thủ theo những luật lệ dành riêng cho họ, hình thành một cách sống được biết đến với tên gọi Bushidō - tinh thần võ sĩ đạo.
Đất nước Nhật Bản bước vào thời kì phong kiến từ năm 1185, kéo dài đến 1867, cũng là gần 700 năm đời sống bị chi phối bởi quân đội. Vào giai đoạn hỗn loạn nhất của thời chiến, thuật ngữ Samurai lại dùng để chỉ cơ quan vũ trang của chính phủ, bộ phận duy trì hòa bình và những người lính chuyên nghiệp. Hay ngắn gọn hơn, bất cứ ai luôn trang bị gươm và sẵn sàng chiến đấu đều được gọi là Samurai.
Tinh thần võ sĩ đạo của Samurai Nhật Bản
Chỉ một vài thập kỷ sau khi giai cấp chiến binh Nhật Bản bị bãi bỏ, một cuốn sách về tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản có tên Bushido: The Soul of Japan của tác giả Nitobe Inazo được xuất bản, và trở thành một trong những cuốn bestseller trên toàn thế giới trong thời kỳ đó. Không chỉ kể về cuộc sống của các võ sĩ đạo Nhật Bản thời xưa, tác giả Nitobe Inazo còn nói nhiều đến những phẩm chất đáng quý của Samurai mà những người đàn ông nên noi theo. Và dưới đây là những phẩm chất đặc trưng trong tinh thần võ sĩ đạo của Samurai:
1. Chính trực và công bằng
Là đức tính mạnh nhất của võ sĩ. Một Samurai nổi tiếng đã định nghĩa như thế này: "Chính trực là khả năng đưa ra quyết định vói một lý do thích hợp và không suy chuyển; hi sinh nếu như hi sinh là đúng, đánh nếu như đánh là đúng." Một định nghĩa khác: "Chính trực giống như xương sống giúp định hình cơ thể và phát triển. Không có xương, cái đầu không thể nằm trên cổ, tay không thể cử động, hay chân không thể đứng vũng. Cũng như thế, không có sự chính trực thì dù có tài năng hay cố gắng học hỏi đến mấy, cũng không thể trở thành một Samurai được."
2. Can đảm
Can đảm là khả năng đối diện với sợ hãi, đau đớn, nguy hiểm, biến cố, và mối đe dọa. Can đảm chia làm hai loại: can đảm mang tính vật lý, là khả năng đối đầu với sự đau đớn về thể xác, với cái chết; can đảm trong đạo đức là dám hành động đúng khi đối diện với những vấn đề đạo đức hay lối sống. Trong tinh thần võ sĩ đạo, can đảm chỉ được coi là một đức tính khi nó là chính đáng. Hành động can đảm là thực thi những điều đúng đắn.
3. Nhân ái
Là tự nguyện cho đi mà không đòi hỏi nhận lại. Những người có quyền sinh sát như Samurai luôn được mọi người kỳ vọng có cả đức tính nhân ái: biết yêu thương, cao thượng, có lòng cảm thông và thương hại. Nhân ái là thuộc tính cao nhất của tâm hồn. Không có nó, võ sĩ sẽ trở thành những kẻ tàn bạo.
4. Lễ độ
Với người Nhật, có sự khác biệt rõ rệt giữa thái độ khúm núm và lễ độ. Họ cho rằng sự nhã nhặn có nguồn gốc từ lòng nhân ái. Sự lễ độ là biểu hiện của sự quan tâm một cách khoan dung đến cảm giác của người khác, chứ không phải bắt nguồn từ sự sợ hãi.
5. Lương thiện
Những Samurai chân chính không coi trọng tiền bạc. Họ tâm niệm rằng: "Đàn ông phải coi thường đồng tiền, để có được sự giàu có về tri thức". Võ sĩ luôn khuyến khích tính tiết kiệm, không phải vì lý do kinh tế, mà là để thực hành những sự tiết chế. Sự xa xỉ được coi là mối đe dọa lớn nhất đến nhân cách.
6. Tự trọng
Tự trọng là có ý thức về danh dự, nhận thức mạnh mẽ về nhân phẩm và giá trị. Samurai sinh ra đã mang sứ mệnh làm rạng rỡ nghĩa vụ và đặc ân của riêng họ. Nỗi sợ bị ô nhục giống thanh gươm luôn kề bên cổ tất cả các Samurai.
7. Trung thành
Nền kinh tế dường như đã thổi tung lòng trung thành của con người trên toàn thế giới. Thế nhưng, những người đàn ông chân chính vẫn kiên trung với những gì mà họ còn mắc nợ. Trung thành với cấp trên là đức tính đặc biệt nhất của con người trong thời kỳ phong kiến, có trong mọi loại người, ngay cả những kẻ móc túi cũng luôn giữ lòng trung thành với đàn anh của họ. Samurai được coi là những người đặc biệt trung thành và đây là đức tính điển hình của họ.
Ngày nay, võ sĩ đạo còn dùng để chỉ bản sắc của người Nhật hiện đại. Đó là trung với vua, hiếu với cha mẹ, nghiêm khắc với bản thân, nhân từ với người dưới, khoan dung với địch, xa lánh dục vọng cá nhân, chính trực công bằng, trọng danh dự hơn vật chất.