Để hình dung ra vai trò của SWAT, hãy thử tự đặt mình vào tình huống sau: Bạn là một viên sĩ quan đang trong phiên trực, bất chợt bạn nhận được thông báo về một cuộc tấn công có vũ trang vào nơi ở của thường dân. Khi bạn đến hiện trường, những kẻ tấn công đã yên vị trong một căn hộ, với con tin và một yêu cầu đòi tiên chuộc điên rồ nhất mà bạn từng được nghe thấy. Chắc chắn bạn không thể gật đầu trước yêu cầu này, nhưng bạn cũng chợt nhận thấy rằng mình và các đồng đội chẳng thể làm được gì. Hỏa lực của bạn không đủ mạnh để xuyên thủng căn hộ, bạn không hề có bất cứ thiết bị giám sát nào bên trong để cung cấp những thông tin quan trọng về vị trí của kẻ bắt cóc và con tin. Áo giáp của phía bạn cũng không đủ dầy để chịu được một loạt xả súng từ phía địch và quan trọng nhất - bạn và đồng đội không hề được đào tạo để xử trí những tình huống như thế này.
Hãy kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Công việc vô hiệu hóa những kẻ bắt cóc, với nguy cơ gây tổn thương tối thiểu cho các con tin thuộc về đội SWAT - Special Weapons and Tactics. Phần lớn mọi lực lượng cảnh sát đều sở hữu riêng cho mình một SWAT team để có thể huy động bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là trong những tình huống yêu cầu viện trợ hỏa lực hoặc cần có những chiến thuật phức tạp. Các thành viên trong đội SWAT đều trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt, và họ được cấp quyền sở hữu những bộ áo giáp, những thứ vũ khí cũng như những thứ khí tài tân tiến nhất.
Hãy cùng điểm qua một vài tình huống cần đến sự có mặt của SWAT:
Một tình huống bắt giữ tội phạm nguy cơ cao: Nếu bạn nghi ngờ đối tượng mình đang truy đuổi có sở hữu súng ống - đừng chần chừ, hãy gọi SWAT để tránh mọi nguy cơ thương vong.
Một tình huống có mặt con tin: Khi đàm phán đã thất bại, những tay súng bắn tỉa thuộc đội SWAT có thể dễ dàng hạ gục đối tượng chỉ bằng một cái bóp cò.
Một tình huống yêu cầu hỏa lực mạnh: Khi những tên tội phạm lập ra hàng rào phòng thủ kiên cố bên trong một tòa nhà, bạn sẽ cần đến hỏa lực từ phía SWAT để nhanh chóng đè nát chúng.
Hộ tống những nhân vật đặc biệt: Không cần nói nhiều về tình huống này. Nhân vật của bạn có thể có nguy cơ dính 1 phát head shot bất cứ lúc nào. Thứ mà bạn cần đến lúc này là một chiếc xe không-thể-xuyên-thủng, và SWAT luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Một cuộc tấn công có vũ trang hay một cuộc bạo động: Trang bị tối tân và chiến thuật chính xác từ phía SWAT sẽ giúp bạn nhanh chóng ổn định tình hình.
Vài nét về lịch sử hình thành của SWAT
Sở cảnh sát Los Angeles (LAPD) có thể được coi như tiền thân của SWAT. Vào những năm 1960, bất ổn chính trị và xã hội tại Hoa Kỳ đã khiến giới cầm quyền nhận ra rằng lực lượng cảnh sát thời điểm đó chưa đủ mạnh - cả về trang bị lẫn chiến thuật để đối đầu với các tình huống bạo động. Cuộc hỗn loạn xảy ra tại Watts năm 1965 và cuộc tấn công sử dụng súng bắn tỉa tại Đại học Texas năm 1966 như giọt nước đã làm tràn ly. Daryl Gates, sĩ quan cao cấp tại LAPD lúc này đã sử dụng toàn bộ quyền hạn của mình để thúc đẩy ý tưởng thành lập một SWAT team thực sự.
Ban đầu, các đơn bị SWAT vẫn phải chịu những cái nhìn đầy hoài nghi từ phía giới chức cảnh sát, các chính trị gia, và thậm chí ngay từ chính những người đồng đội của mình. Ngay chính cái tên ban đầu: Special Weapons Attack Team cũng được xem là mang tính đối kháng quá cao, và Gates đã phải đổi nó thành Special Weapons and Tactics. Tuy nhiên, mọi nghi vấn đều bị đập tan khi SWAT team dọn dẹp cực kỳ hiệu quả các cuộc bạo động, mà tiêu biểu là 2 cuộc biểu tình có vũ trang của Đảng Black Panther vào năm 1969, và của lực lượng giải phóng Symbionese vào năm 1974.
Trong những năm sau đó, khi loặt phim truyền hình "S.W.A.T" ra đời, SWAT team đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người dân Mỹ. Mô hình của SWAT nhanh chóng được áp dụng tại khắp các thành phố đang chìm ngập trong bóng tối của bạo động.
Ngày nay, hơn 70% lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ đều sở hữu riêng cho mình 1 SWAT team, tương đương với 1200 SWAT team rải rác khắp đất nước.
Tuyển dụng và đào tạo
Thành viên của SWAT được tuyển dụng theo nhiều cách khác nhau. Trong đa số các trường hợp, hầu hết các ứng viên đều là những viên cảnh sát cứng cựa nhất trong đơn vị của mình. Trên thực tế, việc nộp đơn vào SWAT khá giống với việc bạn đăng ký vào một trường đại học có uy tín. Khát khao được chiến đấu trong một môi trường đặc biệt đã buộc các ứng viên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cao hơn trong công việc của mình. Được nhận vào SWAT, sự nghiệp của bạn đã đạt đến một nấc thang mới.
Việc tập luyện ở SWAT sẽ thực sự thử thách sự kiên nhẫn, sức bền và sự dẻo dai của bạn. Trên thực tế, chưa một ai có thể kết thúc việc tập luyện ở SWAT - họ phải liên tục duy trì việc rèn luyện thể lực và khả năng đáp ứng nhanh nhẹn với bất kỳ tình huống nào. Ở các đơn vị nhỏ, thời gian tập luyện của SWAT team chỉ là 16 tiếng/ tháng, nhưng ở các đơn vị lớn hơn, quãng thời gian này có thể lên đến 16 tiếng/ngày.
Chế độ tập luyện bắt đầu với việc rèn luyện thể lực. Chạy cự ly dài, chống đẩy, nhảy kiểu nhái và rất nhiều bài tập khác được thực hiện với bộ giáp nặng vài chục kg khoác trên mình. Điều này sẽ giúp cải thiện sự nhanh nhẹn cho các thành viên trong SWAT team.
Khả năng thiện xạ cũng là thứ cần được rèn luyện. Vì hầu hết các thành viên được tuyển chọn đều là tay xạ thủ số 1 trong đơn vị của mình, nên việc đào tạo cũng cần phải khắc nghiệt hơn. Ngắm bắn một mục tiêu cố định là chưa đủ, bạn cần bắn trúng một mục tiêu di động, ngắm bắn trúng tên tội phạm và không được phép "phơ" nhầm con tin, hay ngắm bắn xuyên rào chắn…. Độ chính xác trong mỗi cú bắn của bạn phải cao hơn nhiều so với một viên cảnh sát thông thường, và quan trọng nhất, bạn phải có thần kinh thép để bảo đảm độ chính xác ấy trong điều kiện sức ép vô cùng lớn.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong mô hình tập luyện của SWAT team chính là các tình huống mô phỏng thực tế. Tuy họ không thể tái tạo lại chính xác 100% tình huống tấn công vào một căn hộ của một trùm ma túy - nơi khoảng vài chục khẩu súng lục của bọn tội phạm đang sẵn sàng xả đạn, hay tình huống cướp nhà băng nơi hàng chục con tin đang bị đe dọa tính mạng, nhưng những gì họ làm được sẽ làm bạn phải thực sự kinh ngạc. Những căn nhà bị bỏ hoang, với những mô hình bằng giấy, hoặc các ma-nơ-canh thay thế những con tin cùng với những tên "tội phạm" sử dụng súng sơn - đó là nơi giúp các thành viên SWAT có cơ hội rèn luyện tính chiến thuật cũng như khả năng ứng biến. Không giống như đời thực, họ được phép phạm sai lầm, và họ sẽ phải học hỏi rất nhiều từ những sai lầm này nếu như không muốn trả giá ở những tình huống tác chiến thực tế.
Việc đào tạo ở SWAT có thể đi sâu vào những chuyên ngành như bắn tỉa, xử lý chất nổ hay đàm phán con tin. Hầu hết các Sở Cảnh sát đều tách biệt 2 đơn vị SWAT và đàm phán con tin, nhưng ở LAPD, các thành viên của SWAT đều phải thành thục kỹ năng đàm phán, và hầu hết trong số họ, khi cần thiết đều có thể đàm nhận vai trò đàm phán viên chính.
Chi phí cho một SWAT team là rất biến đổi, phụ thuộc vào quy mô của đội. Với một thành phố lớn, SWAT team thường là một đơn vị chuyên dụng, trực chiến 24/7 với khoảng 60 người. Chi phí đào tạo lúc này có thể lên đến hàng triệu đô la. Với những thành phố nhỏ, SWAT team thường mang tính bán chuyên dụng, nghĩa là các thành viên của SWAT team sẽ vẫn đóng vai trò như một viên cảnh sát bình thường, nhưng khi cần, họ có thể tập hợp lại và chiến đấu như một SWAT team thực thụ.
Trang bị của SWAT
Vũ khí và những trang thiết bị tân tiến là một phần giúp SWAT team trở nên khác biệt với những đơn vị thông thường. Chi trả cho những món đồ chơi này được trích từ quỹ thặng dư quân sự và nguồn tiền tài trợ từ phía Liên bang.
Bộ giáp được thiết kế cho SWAT là sự kết hợp giữa ba yếu tố: tính bền vững, tính cơ động và khả năng tiện sử dụng. Phần ngực và đầu được bảo vệ thông qua áo Kevlar và mũ Kevlar. Ở một số nơi, áo giáp còn được trộn thêm vật liệu gốm nhằm gia tăng độ bền.
Các thành viên của SWAT team được chọn lựa vũ khí một cách khá thoải mái, họ có thể sử dụng bất cứ khẩu súng nào họ cảm thấy "vừa tay" nhất . Bộ súng được ưa thích nhất thường là một khẩu súng lục, một khẩu súng máy và một chiếc shotgun. Súng tỉa chỉ dành cho những thành viên đã được đào tạo chuyên dụng. Một vài cái tên thường được sử dụng: Súng lục Sig Sauer P220 và P226, Glock sử dụng đầu đạn 9mm, Beretta hay Hecker & Koch. Nếu bạn muốn nâng tầm hỏa lực của mình, Colt 0.45 là cái tên phù hợp. Bao da đựng súng cũng có nhiều cải tiến, cho phép bạn rút súng ra một cách nhanh chóng.
Súng máy của SWAT thường là những chiến lợi phẩm đoạt được từ những tay buôn lậu ma túy, bởi vậy chúng trở nên rất đa dạng. Uzi, AK - 47, M-16, H&K MP-5 là những cái tên khá phổ biến. Tất cả những khẩu súng máy đều được trang bị nòng giảm thanh, để đảm bảo mục tiêu phải được hạ gục trong im lặng.
Shotgun được sử dụng trong SWAT thường là những khẩu sử dụng đạn 12 gauge. Shotgun cho phép bạn hạ gục mục tiêu ở cự ly mà không cần nhắm bắn, nhưng hơn thế nữa, nó giúp bạn nhanh chóng phá rào chắn và thổi bay tất cả các mục tiêu đang ẩn núp đằng sau. Remington, Benelli và Mossberg là những mẫu shotgun khá phổ biến trong các đơn vị SWAT. The Knight Master Key S and Ciena Ultimate cũng là một cái tên nổi tiếng với mẫu kết hợp độc đáo: gắn một khẩu shotgun dưới nòng một khẩu súng máy.
Để dập tắt một đám đông bạo loạn, SWAT luôn có sẵn những "đồ chơi" thích hợp. Bom hơi cay,súng phóng lựu và bình xịt không những nhanh chóng dập tắt không khí căng thẳng và những cái đầu nóng, nó còn tỏ ra khá hữu hiệu trong việc vô hiệu hóa. Khó thở, cay mắt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, bạn sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc nằm im và chờ bị tống về đồn. Gậy cao su (hoặc gỗ) với những cú đánh thích hợp sẽ giúp những kẻ nổi loạn phải nằm im mà không gây ra thương tích nào đáng kể.
Các tay súng bắn tỉa trong SWAT team thường ưa thích loại bolt-action (lên đạn 1 lần) hơn là loại bán tự động. Để tăng độ "chơi", nhiều người còn sử dụng cả súng săn và cả các loại súng tỉa được đặt hàng làm riêng ở châu Âu. Một số phụ kiện như ông ngắm Laser có thể được "độ" thêm vào. Một điểm hạn chế đáng kể, đó là hỏa lực mạnh quá mức cần thiết của những khẩu súng tỉa. Viên đạn có thể xuyên thẳng qua mục tiêu, thậm chí qua cả một bức tường và tiếp tục gây thương tích cho những nạn nhân ở phía sau. Đây cũng là lý do tại sao bạn cần đến một khóa huấn luyện đặc biệt ở SWAT trước khi được cấp phép sờ vào bất cứ khẩu súng tỉa nào.
Phương tiện chuyên chở ở SWAT có nguồn gốc rất đa dạng: có thể là một chiếc xe chở hàng, một chiếc xe bọc thép hay thậm chí là…một chiếc xe bus. Chúng được tái chế, thêm thắt nhiều phụ tùng và đều được sơn đen sau khi hoàn tất. Những chiếc xe cần thiết cho nhiệm vụ bảo vệ như hộ tống con tin, hay chở SWAT team vào khu vực nguy hiểm đều cần phải được gia cố thêm áo giáp.
Cuối cùng, và cũng là phần quan trọng nhất trong mọi chiến dịch, đó là những thiết bị giám sát và theo dõi. Thông tin thu thập được càng nhiều và càng chính xác, số thương vong càng được giảm xuống tối thiểu. Ống nhòm cao cấp và các thiết bị night vision là thứ bắt buộc phải có. Đôi khi, cả hệ thống radar cũng cần được huy động nhằm cung cấp thông tin chính xác về vị trí của từng người ở hiện trường. Xa hơn nữa, các máy quay và các micro với kích thước mm cũng được sử dụng nhằm cho biết về động thái của phía địch cũng như tình trạng hiện tại của con tin.