Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Washington đã chỉ ra, sau khi nói dối hay gian lận thay vì cảm thấy hối hận, họ lại thấy lạc quan hơn trong cuộc sống. Đương nhiên, những lời nói dối này là vô hại, không gây tổn thương đến bất kỳ ai.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với 1.000 người ở Mỹ và Anh. Người tham gia sẽ được yêu cầu lừa dối, gian lận để giành được nhiều phần thưởng hậu hĩnh. Nhà nghiên cứu nhận thấy, những người gian lận, lừa dối có một sự thúc đẩy về tinh thần đáng kể khi trả lời những câu hỏi về cảm xúc trước và sau khi thực hiện thí nghiệm.
Trong 1 thí nghiệm khác, những người tham gia được yêu cầu giải bài toán. Kết quả là, người gian lận trong bài kiểm tra sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn người không có cơ hội để làm điều này.
Những chuyên gia nghiên cứu của trường ĐH London cũng tiến hành quan sát 2 nhóm cùng tham gia giải toán đố. Mỗi nhóm sẽ có một thành viên của nhóm nghiên cứu bí mật cùng tham gia. Người tham gia biết rằng, họ sẽ được thưởng thêm điểm nếu giải câu đố chính xác trong thời gian ngắn. Kết quả là, có một nhóm đã gian lận, báo cáo số điểm và thời gian nhóm thực hiện không chính xác. Tuy nhiên, không ai trong nhóm lại đứng lên tố cáo sự gian lận này.
Người gian lận trong bài kiểm tra sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn người không có cơ hội để làm điều này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Nicole Ruedy thuộc trường ĐH Washington cho biết: "Khi một người làm điều gì sai hoặc làm hại người khác, họ thường cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, những người lừa dối lại cảm thấy đặc biệt vui và hài lòng hơn nếu sự dối trá này không bị phát hiện".
Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm gian lận đều bị nhắc nhở về hành vi của mình. Nicole Ruedy nói thêm: "Cảm giác vui mừng khi họ ăn gian là lý do thúc đẩy những việc làm gian lận tiếp theo ngay cả khi sự thành công đạt được vô cùng nhỏ. Điều quan trọng là chúng tôi đã hiểu hơn về mối quan hệ giữa hành vi đạo đức đã ảnh hưởng đến cảm xúc con người như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem liệu cảm giác này có thực sự thúc đẩy mọi người lặp lại các hành vi phi đạo đức, gian lận nữa hay không".